Vụ cá chết hàng loạt, vụ Xin chào: Phát ngôn đừng để dân... “điên tiết”
Chuyện quán phở Xin Chào đầu tiên là những vi phạm của người dân chỉ bé như “cái móng tay” nhưng đã bị cơ quan tiến hành tố tụng biến thành vụ án hình sự. Khi biến thành vụ án thì không chỉ liên quan đến sinh mệnh chính trị của bản thân ông chủ bán phở Xin Chào nữa mà nó liên quan đến sinh mệnh của những người đang làm ăn như ông ấy. Bởi người ta sẽ hoang mang: Bán phở mà không có giấy phép là bị khởi tố vì kinh doanh trái phép. Mặt khác, nếu sự việc này được thực hiện nhiều sẽ tạo ra một tiền lệ pháp luật mà người dân sẽ không yên tâm làm ăn. Vậy mà, trong cuộc họp báo thông tin về vụ án ông chủ quán Xin Chào, Thiếu tướng Phan Anh Minh nói: "Nếu ông Tấn bị ra tòa và bị tuyên phạt, cùng lắm là phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ, chúng ta không nên lên gân làm phức tạp thêm. Không đáng báo chí mất nhiều bút lực giấy tờ, chuyện này nhỏ xíu bằng móng tay!"
Còn vụ cá chết hàng loạt thì sao? Đó là chuyện lớn của quốc gia, nó là quốc kế dân sinh, môi trường sống của bao nhiêu con người thì thái độ của cá nhân, tổ chức có liên quan trực tiếp là hết sức quan trọng. Việc ứng xử cũng phải hết sức khéo léo để người dân luôn tin tưởng là điều quan trọng không kém.
Ấy vậy mà khi cá chết còn chưa rõ nguyên nhân, chiều 23/4, trả lời phỏng vấn Báo Giao thông về việc có nên tiếp tục sử dụng cá biển, tắm biển ở những vùng nước không còn xảy ra hiện tượng cá chết, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện tại các lồng bè đang nuôi trồng thủy sản ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhiều loại thủy, hải sản vẫn sinh trưởng bình thường. Những loại hải sản như: mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở các vùng biển này.
Cá chết hàng loạt ở biển rất cần những phát ngôn tỉnh táo |
Tuy nhiên, ở 2 sự kiện nóng dư luận này thì vẫn có những phát ngôn làm cho dân "điên tiết". Vậy làm sao để tránh có những phát ngôn "điên tiết" này?
Có lẽ chúng ta nên tiếp cận từ góc nhìn truyền thông của người trẻ sử dụng mạng xã hội, nghiên cứu về mạng xã hội. Trả lời PV Infonet, Blogger Truyền thông Xã hội Nguyễn Ngọc Long đã có những lý giải rất riêng về vấn đề này.
Thưa anh, mấy hôm nay, dư luận nóng lên với nhiều sự kiện như quán phở Xin Chào, cá chết hàng loạt, nhưng nóng không kém đó chính là những phát ngôn "lỡ lời" trong các vụ việc. Là người nghiên cứu và thực hành trong lĩnh vực truyền thông, anh đánh giá thế nào về những phát biểu này?
Tôi thấy bình thường. Vì các quan chức nước mình vốn không giỏi khi làm việc với báo chí và dư luận. Họ có thể làm việc chuyên nghiệp và "an toàn" hơn bằng cách cử người phát ngôn riêng, có kinh nghiệm trong những sự vụ nhạy cảm thế này.
Tôi không đánh giá rằng họ thiếu trách nhiệm hay bất tài gì như một số ý kiến trên mạng. Tôi cho rằng mỗi người có một lợi thế riêng, và cũng không nên đánh giá qua một vài sự việc. Thí dụ như anh là Giám đốc Công An thì tôi đánh giá khả năng của anh qua việc đảm bảo an ninh trật tự. Còn tất nhiên, anh còn có khả năng phát ngôn trôi chảy và thuyết phục thì quá tốt rồi.
Anh có thể lý giải vì sao phát ngôn "chuyện nhỏ như cái móng tay" của tướng Phan Anh Minh lại sốt như vậy?
Vì ông Minh đang đánh giá sự việc dựa trên chuyên môn nghề nghiệp. Ông ấy chỉ nhìn nhận dưới khía cạnh một câu chuyện mà không đánh giá rằng đó là vấn đề ảnh hưởng không chỉ đến sinh kế một con người, mà hàng vạn con người đang kinh doanh nhỏ lẻ khác nữa.
Nếu coi đây là lỗi, thì tôi lại cho rằng lỗi này rất khó khiến người ta thông cảm. Vì không phải bỗng nhiên mà dư luận lại ồn ào với vụ quán phở Xin Chào. Là người có thẩm quyền, ở vị trí cao, hơn ai hết, ông Minh lẽ ra nên theo dõi báo chí nhiều hơn để tự nhận thức được mức độ lớn bé của sự việc.
Mọi người vốn đang nhìn thấy tình cảnh một người dân thấp cổ bé họng bị ức hiếp. Họ chờ đợi một lời công minh của cơ quan quản lý, chứ không ai muốn bị "tạt nước vô mặt" một cách thật bất ngờ và sững sờ không khéo léo như vậy cả. Họ phản ứng là lẽ đương nhiên.
Còn chuyện cá chết hàng loạt, có người ngộ độc vì ăn cá, nhưng Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh vẫn khuyên người dân cứ tắm biển và ăn cá?
Việc trấn an dư luận là cần thiết. Nhưng trấn an phải dựa trên lý lẽ thuyết phục cả về tình và lý. Trong khi Trung ương tuyên bố là cá chết chưa rõ nguyên nhân, mà ông Phó chủ tịch lại ngồi xổm lên sự an nguy của người dân để "xúi dại" như vậy thì... thật không làm sao hiểu nổi?
Ngay cả khi mọi thứ đã rõ ràng và ông muốn trấn an cũng nên dùng cách khác. Một gợi ý cho ông là hình ảnh Bộ trưởng Bộ tài nguyên môi trường của Nhật đã múc nước sông lên uống trước mặt đông đảo khách mời và báo chí sau sự cố ở Nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Cách làm như thế vừa thể hiện trách nhiệm bản thân, vừa là thông điệp mạnh mẽ, có sức lan truyền rất mạnh và đầy cảm hứng.
Không phải quan chức nhưng cũng có phát ngôn gây sốc, đó là phát ngôn của đại diện Formosa?
Giám đốc đối ngoại của Formosa có trần tình trên một tờ báo rằng ông ấy là người Đài Loan và không giỏi diễn đạt bằng tiếng Việt nên gây ra những sự hiểu lầm. Nhưng rõ ràng vị giám đốc đối ngoại này cũng coi vấn đề ở Vũng Áng là không quan trọng nên mới khơi khơi tuyên bố như vậy để rồi bị lỡ lời.
Nếu ông ta thấy vấn đề là nghiêm trọng, và tự biết mình không giỏi tiếng Việt thì hoàn toàn có thể nhờ người phiên dịch hoặc phát ngôn bằng văn bản.
Vậy còn cách xử lý của hầu hết những người lỡ lời, nhất là quan chức đều là im lặng mà không xin lỗi công khai. Anh có đánh giá gì về cách xử lý này?
Thực ra, có nhiều cách để xin lỗi và hoặc sửa sai. Vấn đề là họ có nhìn nhận cái sai của họ và khắc phục nó hay không.
Tôi cho rằng ông Cao Đức Phát là một người cầu thị. Cho nên, nếu ông ấy có không xin lỗi công khai thì cũng sẽ bằng cách này cách khác cho người ta thấy được thiện chí của mình.
Còn các vị được liệt kê trong bài phỏng vấn này có lẽ từ thâm tâm các vị vẫn chưa thấy mình sai. Nhận thức dẫn đường cho hành động nên nếu có mở lời xin lỗi, chắc gì đó đã phải là một lời xin lỗi chân thành.
Xin cảm ơn anh!