VTVGo đưa trí tuệ nhân tạo để phát triển ứng dụng xem truyền hình thông minh
Ứng dụng VTVGo được ứng dụng trí tuệ nhân tạo để giúp phân tích thói quen người dùng. |
Một nguồn tin từ VTV cho hay, trong tương lai để phát triển bền vững hơn trong tiến trình chuyển đổi số, VTV đã bắt đầu đưa vào khai thác phân tích dữ liệu lớn (big data) để hiểu khán giả hơn, giúp nâng cao chất lượng nội dung và tăng giá trị quảng cáo. Hiện tại VTVGo bắt đầu ứng dụng big data và bước đầu hiệu quả khá khả quan. Dựa trên big data, trí tuệ nhân tạo có thể giúp nhà đài cá nhân hóa người xem, hiểu hơn về nhu cầu khán giả, giúp tăng chất lượng nội dung các chương trình. Từ phân tích dữ liệu về hành vi người dùng, nhà đài có thể đưa ra các gợi ý nội dung cho từng khán giả dựa trên hành vi xem của họ, như thế mới có thể giữ chân được khán giả. VTV hướng tới xây dựng một hệ thống phân tích dữ liệu và nâng cấp, phát triển thành một ứng dụng thông minh, cung cấp nội dung phù hợp tới khán giả.
Truyền hình là lĩnh vực thực hiện chuyển đổi số từ rất sớm, từ 5 năm trước VTV đã dần dần đầu tư toàn bộ hạ tầng sản xuất nội dung từ truyền thống chuyển sang dùng công nghệ số. Tất cả quy trình sản xuất nội dung từ quay, dựng, đến truyền dẫn phát sóng đều được ứng dụng công nghệ số trên toàn Đài.
Khi đã ứng dụng số hóa trong sản xuất nội dung, bài toán tiếp theo của VTV là phân phối nội dung trên đa nền tảng, phát triển khán giả trên Internet, phát triển nền tảng OTT riêng của VTV. Đến nay một loạt các ứng dụng chuyên biệt đã được VTV phát triển theo từng nội dung khác nhau, cung cấp thông tin miễn phí cho khán giả trên mọi nền tảng. Có thể nói, VTV bắt kịp rất nhanh xu thế đưa sản phẩm nội dung lên môi trường Internet từ khá sớm.
VTVGo là sản phẩm chuyển đổi số đầu tiên do chính đội ngũ kỹ thuật của VTV phát triển, với ứng dụng VTVGo khán giả có thể xem các chương trình của VTV qua nhiều thiết bị khác nhau như qua box, máy tính, thiết bị di động. Bên cạnh ứng dụng VTVGo, đến nay còn có nhiều ứng dụng khác của VTV cung cấp nội dung đến khán giả như: VTV Giải trí, VTV Sports, VTV News. Hiện tại nền tảng hạ tầng, quản trị nội dung và các ứng dụng do VTV làm chủ toàn bộ.
VTV là đài truyền hình cung cấp nội dung miễn phí, do đó số lượng khán giả theo dõi những sự kiện nóng rất đông, nhất là các giải bóng đá lớn như World Cup, hay các trận đấu cấp khu vực có đội tuyển Việt Nam tham dự. Do đó một vấn đề mà khán giả rất quan tâm, đó là giải bài toán nghẽn mạng khi có đông người cùng truy cập vào ứng dụng OTT cùng lúc, nhất là trong kỳ World Cup 2018 ứng dụng VTVGo thường bị kêu ca vì không truy cập được.
Tuy nhiên, nguồn tin từ VTV khẳng định: “Chuyện nghẽn mạng đã là quá khứ, VTVGo đã được nâng cấp bằng công nghệ mới nên không còn bị nghẽn nữa. Trong đợt AFF Cup 2018 có những lúc lên đến cả triệu người xem cùng lúc nhưng vẫn không bị nghẽn mạng”.
Một vấn đề khác, các chương trình giải trí, phim truyện do VTV sản xuất và phát sóng trên truyền hình có khối lượng rất lớn, nhưng các chương trình ăn khách cũng bị vi phạm bản quyền khá nghiêm trọng trên Internet. Các chương trình ăn khách như Táo Quân, Hài Tết, hay các phim truyện hay, thu hút khán giả khi vừa lên sóng là ngay lập tức bị vi phạm bản quyền trên Internet. Do đó, một số ý kiến cũng cho rằng, VTV là cần phải có một giải pháp số hữu hiệu để chống vi phạm bản quyền trên môi trường số.
Cùng với VTV, các đơn vị truyền hình trả tiền trực thuộc VTV như VTVcab, SCTV, K+ cũng đã đầu tư khá mạnh để chuyển dịch sang nền tảng số. Cùng với việc ứng dụng các kỹ thuật mới nhất trong sản xuất chương trình như trường quay ảo, công nghệ 3D, các đơn vị truyền hình trả tiền đã phát triển các ứng dụng di động, đưa nội dung truyền hình trên nền tảng Internet. VTVcab đã phát triển các ứng dụng VTVcabOn, Onme, VieOn cung cấp nhiều nội dung miễn phí cho các thuê bao di động. SCTV đã có hai ứng dụng SCTVOnline, STV, K+ có MyK+ và My K+ Now và đã chính thức cung cấp dịch vụ qua Box Addroid.