Vợ muốn phụng dưỡng cô chồng để thừa kế ngôi nhà mặt tiền
Bốn tỷ đồng là số tiền rất lớn với người làm công ăn lương như chúng tôi. Thế nhưng, chăm sóc người già lại không hề đơn giản.
Tôi mới đọc bài viết Không chồng không con thì nhờ cháu, có sao đâu! trên Phụ Nữ Online. Tác giả nói rằng nếu sống độc thân, không có con cái, thì về già nhờ cậy các cháu cũng chẳng sao. Tôi chợt nghĩ tới câu chuyện nhà mình, vì tôi có một người cô ruột độc thân, không có con cái, năm nay 67 tuổi.
Hiện cô tôi còn khoẻ nên bà lo liệu trước cho những năm cuối đời (Ảnh minh họa) |
Cách đây một tuần, trong lúc tôi đi làm, cô ruột của tôi tới nhà chơi và nói chuyện với vợ tôi rất lâu. Cô nói, nếu mấy năm nữa sức khỏe của cô giảm sút, không thể sống một mình được nữa, cô muốn về sống với vợ chồng tôi. Nếu chúng tôi đồng ý, sau này khi cô mất, cô sẽ để chúng tôi thừa kế căn nhà mặt tiền của cô, hiện nay, căn nhà ấy trị giá 4 tỷ. Chúng tôi cứ suy nghĩ kỹ, nghĩ thông thì trả lời cô.
Nghe tới việc được thừa kế căn nhà trị giá 4 tỷ đồng, vợ tôi có vẻ mừng, muốn nhận lời ngay. Hai vợ chồng tôi năm nay cũng đã gần 40 tuổi. Trả góp mãi chưa hết nợ ngân hàng cho căn hộ chung cư nhỏ, chỉ hơn 50m2 . Hiện các con còn nhỏ, chưa cần phòng riêng thì căn hộ này vẫn vừa với nhu cầu sử dụng của của gia đình tôi. Nhưng vài năm nữa, hai đứa con một trai, một gái lớn lên, ắt sẽ chật chội.
Nghĩ đến việc tích cóp để đổi căn nhà lớn hơn, tôi thấy rất mệt mỏi. Đúng là nếu được thừa kế căn nhà của cô, vợ chồng tôi sẽ thoải mái hơn nhiều. Nhưng chăm sóc người già đâu phải là chuyện đơn giản. Hơn nữa, cô tôi khá kỹ tính trong việc ăn uống, sinh hoạt.
Khi gọi điện về hỏi thăm bố mẹ tôi ở quê, vợ tôi có kể chuyện này. Mẹ tôi bảo hai đứa suy nghĩ cho thật kỹ, vì người đã sống độc thân cả một đời như cô tôi sẽ rất khó sống chung trong một gia đình hoàn chỉnh, có vợ chồng, con cái. Hơn nữa, người già rất trái tính trái nết, đôi khi còn khó chiều hơn trẻ nhỏ. Đến lúc bị lẫn, vệ sinh không tự chủ, ăn rồi hay chưa ăn cũng không nhớ, lúc đó mới khó xử.
Tôi sợ việc chăm sóc cô ruột sẽ khiến hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn (Hình minh họa) |
Hơn nữa, mẹ không muốn vợ chồng tôi bị mang tiếng là tham căn nhà của cô nên mới đón cô về phụng dưỡng. Trong quá trình chăm sóc cô, nếu không may xảy ra thiếu sót gì, sẽ bị họ hàng chỉ trích gay gắt. Đó cũng là điều mà mẹ tôi ái ngại. Mẹ tôi còn nói, vợ tôi nghĩ ngắn, có thể vì cái lợi trước mắt nên muốn phụng dưỡng cô, nhưng sau này chỉ cần vất vả vì cô một vài năm, vợ tôi lại than ngắn thở dài, đến lúc đó hai vợ chồng lục đục thì chẳng hay ho tí nào.
Về phần bố mẹ tôi, ông bà đang sống ở quê, ngay sát cạnh gia đình anh trai tôi. Cơ bản ông bà không cần chúng tôi phụng dưỡng. Nhưng về bên nhà vợ thì lại khác, bố vợ tôi mất đã lâu, mẹ vợ đang sống cùng anh trai của vợ. Nhưng bà và chị dâu không hợp nhau. Thỉnh thoảng, nếu có chuyện buồn bực với con dâu bà lại sang nhà chúng tôi ở chơi vài ngày.
Trước kia, vợ tôi cũng đã từng nói, nếu vài năm nữa mẹ cô ấy già yếu, không tự lo được những chuyện vệ sinh cá nhân, chắc cô ấy cũng phải qua nhà anh trai thường xuyên để lo cho mẹ. Nếu phải chăm sóc cô chồng, lại chạy qua chạy lại lo cho mẹ ruột, như vậy có quá sức không?
Một số người khuyên tôi nên tìm hiểu các thông tin về những viện dưỡng lão cao cấp trong thành phố, khuyên cô tôi vào đó sống. Với số tiền cô có, cô có thể sống ở đó 15-20 năm. Hơn nữa, đó là phương án thích hợp cho tuổi già của cô. Nhưng tôi rất sợ nói ra cô phật ý, vì mọi người già đều muốn ở với con cháu và cô cũng là người thân của tôi. Ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, tôi đang không biết phải làm sao...
Phùng Tuấn
Vừa nói ý định chuyển ra ở riêng, mẹ chồng đã đặt cuốn sổ tiết kiệm lên bàn rồi nói 4 từ đủ khiến tôi xám mặt
Mẹ chồng không nói nhiều, chỉ hỏi một câu đã khiến tôi thay đổi ý định.
Theo www.phunuonline.com.vn