Vĩnh Long đẩy mạnh chống rác thải nhựa
Ngày 5/6, tại quảng trường TP Vĩnh Long, Tỉnh đoàn Vĩnh Long phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnhVĩnh Long tổ chức lễ phát động phong trào “chống rác thải nhựa”.
Buổi lễ phát động này hưởng ứng ngày môi trường thế giới và tuyên truyền cho đoàn viên thanh niên và toàn thể người dân ngay từ bây giờ phải có hành động, việc làm cụ thể để hạn chế tối đa rác thải nhựa.
Phát biểu phát động phong trào “chống rác thải nhựa”, ông Nguyễn Văn Liệt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm 2022; thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ; kế hoạch “Chống rác thải nhựa” của tỉnh Vĩnh Long; qua đó tuyên truyền về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường đến các cấp, các ngành và từng người dân; đồng thời, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng, người dân về bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa sử dụng các sản phẩm túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần.
Theo ông Nguyễn Văn Liệt, từng cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”; xây dựng mô hình, phong trào thi đua “Chống rác thải nhựa”; nhân rộng các mô hình tốt, cách làm hay để hạn chế sử dụng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần; tiếp tục duy trì các mô hình chống rác thải nhựa trong trường học.
Vĩnh Long đẩy mạnh chống rác thải nhựa. (Ảnh minh hoạ) |
Cũng tại buổi lễ, Hội LHPN Việt Nam tỉnh Vĩnh Long đã trao giỏ đi chợ chống rác thải nhựa cho Hội phụ nữ 11 phường, xã trên địa bàn TP Vĩnh Long.
Đại diện 11 Hội phụ nữ xã, phường ở TP Vĩnh Long cũng đã ký cam kết thực hiện phong trào chống rác thải nhựa và triển khai có hiệu quả phong trào “Phụ nữ nói không với túi ni lông” với các mô hình, câu lạc bộ “Phụ nữ sử dụng giỏ và hạn chế sử dụng túi ni lông khi đi chợ”, “mua giỏ đi chợ”, “đi chợ cùng giỏ”, “chi hội phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni lông”, “nói không với túi ni lông”,....
Trước đó, ngày 13/5/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long ban hành Công văn số 1690/STNMT về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học, Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường năm 2022.
Đối với Ngày Môi trường thế giới và Tháng hành động vì môi trường: Treo băng rôn, pano, áp phích tại các khu vực công cộng, đường phố, trụ sở cơ quan làm việc và các địa điểm phù hợp; tổ chức các hoạt động cộng đồng như: Mít tinh hưởng ứng, ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý chất thải; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong việc không sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa dùng một lần; sản xuất, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường.
Tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình phục vụ công tác bảo vệ môi trường, phục vụ lợi ích của cộng đồng và các hoạt động phát triển theo hướng bền vững; Tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Tăng cường phối hợp các cơ quan thông tấn báo chí tăng thời lượng, tần suất tuyên truyền về các hoạt động, nhiệm vụ, nội dung, chủ đề về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học thuộc phạm vi quản lý. Trong đó, tập trung tuyên truyền các mô hình, giải pháp bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả. Ưu tiên vận dụng nền tảng công nghệ số để đa dạng hình thức truyền thông như phát thanh, truyền hình, báo chí, trang tin điện tử, mạng xã hội, fanpage…
Đối với Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học: Tăng cường tuyên truyền, truyền thông về vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học; mô hình, giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; sự tham gi của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và không sử dụng đồ nhựa một lần; Lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch các ngành kinh tế có tác động nhiều đến đa dạng sinh học như nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo; quản lý và sử dụng tài nguyên đất, nhất là các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
K.Chi