Việt Nam triển khai dự án nhận diện nạn nhân chiến tranh lớn nhất thế giới
Có một số cách để phát hiện thi thể các nạn nhân sau 40 năm chiến tranh Việt Nam như đào các khu vực đình chùa hay trường học, hoặc tìm kiếm ở những cánh đồng lúa. Tuy nhiên, mới đây, Việt Nam quyết định áp dụng công nghệ DNA thông minh để nhận dạng xương của hơn nửa triệu binh lính và dân thường Việt Nam vẫn còn mất tích sau chiến tranh.
Đây là chiến dịch nhận dạng lớn nhất từ trước tới nay trên thế giới, vượt qua cả con số 20.000 nạn nhân trong cuộc xung đột vũ trang ở Bosnia và Herzgovina trong những năm 1990.
Craig Venter, cựu chiến binh Việt Nam, cho biết: “Khi tôi tham chiến ở Việt Nam năm 21 tuổi, tôi không bao giờ tưởng tượng được một dự án như vậy có thể trở thành hiện thực. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng thi thể người chỉ được đếm bằng các con số nhưng giờ đây, đã có thể trao trả tên cho từng người”.
Mặc dù Mỹ đã nhận diện được hầu hết các thi thể nạn nhân trong cuộc chiến ở Việt Nam nhưng cho đến nay Hà Nội mới xác định danh tính của vài trăm người do các công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên nhiều gia đình Việt Nam vẫn luôn khát khao tìm kiếm và nhận diện người thân đã qua đời trong chiến tranh.
Một vài năm trước, chính phủ Việt Nam đã quyết định đáp ứng yêu cầu của họ và đề nghị Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) ở Hà Nội nghiên cứu để tìm ra biện pháp tốt nhất. AIC đã tham khảo tư vấn từ công ty thiết bị y tế Bioglobe ở Hamburg, Đức về việc trang bị cho các phòng thí nghiệm ở Việt Nam cũng như đào tạo các nhà khoa học. Năm 2014, chính phủ Việt Nam tuyên bố đầu tư 500 tỷ đồng vào dự án này và cho rằng nó sẽ giúp nâng cấp 3 trung tâm thử nghiệm DNA hiện có.
Việt Nam đã bắt đầu chiến dịch xét nghiệm DNA của các nạn nhân chiến tranh trên quy mô lớn. |
Giáo sư Trương Nam Hải, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học Việt Nam, cho rằng đây là một tin tuyệt vời. Trong những năm 1990, viện của ông có các kế hoạch nhận diện các nạn nhân mất tích trong chiến tranh nhưng do những khó khăn trong khoảng thời gian đó, các dự án này đã không thể thực hiện.
Tháng trước, chính phủ Việt Nam cũng đã ký kết một hợp đồng tư vấn và đào tạo với Bioglobe để tiếp tục chương trình. Wolfgang Hoppner, giám đốc điều hành Bioglobe, cho biết: “Những thách thức công nghệ tuy vẫn có nhưng có thể xử lý được”.
Ông cho biết thêm, ở một đất nước nóng và khí hậu ẩm ướt như Việt Nam, DNA trong các bộ xương nằm dưới lớp đất cỏ nhiều thập kỷ có thể bị phân hủy nhanh chóng, thêm vào đó, việc nhiễm khuẩn từ các vi trùng trong đất có thể gây ra tình trạng ức chế enzyme mà các nhà khoa học dùng để phân tích DNA. Do có một số lượng lớn xương cần xác định nên công việc phải được tiến hành một cách hợp lý.
Ông Hoppner cam kết sẽ sử dụng những công nghệ hiện đại nhất để giữ gìn và nhận diện càng nhiều mẫu DNA nhất có thể và hy vọng đây sẽ là một tiến trình làm việc hiệu quả.
Quá trình đào tạo
Hội đồng Quốc tế về người mất tích (ICMP) cũng đóng vai trò trong việc huấn luyện các nhà khoa học Việt Nam. Phòng thí nghiệm của ông Trương Nam Hải tháng sau sẽ cử 6 nhà khoa học đi đào tạo thông qua chương trình kéo dài 3 tháng. Họ sẽ sử dụng hầu hết thời gian ở Hamburg để tập trung vào các thử nghiệm DNA nhưng họ cũng được đào tạo về các cách thức nhận diện của ICMP như làm thế nào để tránh làm lẫn lộn xương của những người khác nhau khi bới lên từ dưới đất hay làm thế nào để tìm ra các dấu vết trên bộ xương giúp nhận diện dễ dàng hơn.
Các bộ xương nạn nhân ở Việt Nam nằm dưới đất lâu hơn và bị hủy hoại nhiều hơn do thời tiết nhưng theo ông Thomas Parsons, trưởng phòng thí nghiệm ICMP, hy vọng phương pháp hiện đại này có thể giúp nhận diện nhiều trường hợp nhất.
Dự án của Việt Nam cũng cần đối chiếu DNA với các thành viên trong gia đình, vì vậy chính phủ đã kêu gọi mọi người hiến tặng các mẫu phẩm để tạo ra một ngân hàng dữ liệu, tuy nhiên điều này không phải dễ dàng. Rất nhiều nạn nhân chiến tranh chết trẻ khi chưa có con và cha mẹ của họ có thể cũng đã qua đời vì vậy mẫu phẩm của những người họ hàng xa sẽ cho kết quả ít chính xác hơn.
Để đạt được hiệu quả cao nhất, chương trình cũng kêu gọi mọi người cung cấp thông tin về nơi các bộ xương có thể được chôn cất. Không giống như ở Bosnia, nơi các nhà điều tra có thể sử dụng hình ảnh vệ tinh để nhận diện một ngôi mộ tập thể lớn, ở Việt Nam lại phải cần đến thông tin từ người dân hay người chứng kiến cũng như dựa trên những kiến thức quân sự thông dụng.
Cho đến khi cả ba trung tâm thử nghiệm DNA của Việt Nam được nâng cấp, có thể là vào năm 2017, khoảng 8.000 đến 10.000 người mất tích sẽ được nhận diện hàng năm. Ông Trương Nam Hải cũng dự đoán rằng dự án DNA này sẽ giúp cải thiện được văn hóa khoa học ở Việt Nam.
Nội dung được tham khảo từ nguồn tin Nature, đây là tạp chí về khoa học uy tín trên thế giới. Nature là một ấn phẩm độc lập của Thompson Reuters.