Việt Nam nâng cấp radar chuẩn P-18M hiện đại vượt trội
Radar cảnh giới nhìn vòng P-18 (NATO định danh Spoon Rest D được phát triển nhằm thay thế radar P-12. Đài P-18 hoặc động trên băng sóng mét, tầm quét 250km, độ cao tối đa 35km, góc phương vị 360 độ. Radar P-18 đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Được đưa vào hoạt động từ năm 1970, đến nay đài P-18 đã bộc lộ nhiều hạn chế trong chiến tranh hiện đại ngày nay. Nhằm đáp ứng nhu cầu hiện đại hoá lực lượng phòng không không quân, Việt Nam đã tiến hành nâng cấp các đài P-18 lên chuẩn P-18M với nhiều tính năng vượt trội so với các đài radar cũ.
Radar P-18 của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa.
Một bài viết trên báo Quân đội Nhân dân ngày 23/2/2014 có nhắc đến việc trong những năm gần đây, nhà máy Z119 cùng các cơ quan liên quan đang thực hiện dự án "Đầu tư cải tiến đài radar P-18 với mức chuyển giao 100% công nghệ thiết kế và chế tạo của đối tác nước ngoài".
Vậy đối tác nước ngoài ở đây là ai và radar P-18 sau khi nâng cấp có những tính năng vượt trội gì?
Thông tin trên website chính thức của công ty RETIA, Cộng hòa Séc (công ty chuyên về công nghệ chế tạo, nâng cấp radar, các hệ thống C2, C4I2, C4ISR) cho hay RETIA đã đạt được một dấu mốc quan trọng trong dự án hiện đại hóa radar P-18 cho khách hàng Việt Nam.
Tổng giám đốc RETIA Petr Novák đã bàn giao giấy phép chế tạo radar P-18M (nằm trong dự án hiện đại hoá radar P-18) cho Việt Nam trong một buổi lễ tổ chức vào ngày 5/10/2012. Các đại diện cấp cao của Đại sức quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam đã có mặt tham dự buổi lễ.
So sánh với thông tin từ báo Quân đội Nhân dân có thể thấy công ty RETIA có thể chính là đối tác chuyển giao công nghệ cho nhà máy Z119 thực hiện dự án "Đầu tư cải tiến đài radar P-18".
Hình ảnh buổi lễ chuyển giao giấy phép chế tạo radar P-18M cho phía Việt Nam.
Buổi ký kết được diễn ra vào ngày 5-10-2012 tại Hà Nội với sự tham dự của Đại sứ Cộng hoà Séc tại Việt Nam.
Radar P-18M theo như công ty RETIA giới thiệu có một số ưu điểm so với nguyên bản như sau:
- Cung cấp các giải pháp phù hợp với nhu cầu khách hàng.
- Cải thiện hiệu suất hoạt động của radar (tăng cường khả năng theo dõi tự động lên đến 200 mục tiêu/giây và 1000 mục tiêu/vòng quay anten).
- Tăng cường khả năng kháng nhiễu (lắp thêm 4 anten kháng nhiễu).
- Thông số đầu ra được hiển thị dưới dạng kĩ thuật số.
- Loại bỏ toàn bộ các thiết bị lỗi thời bằng các thiết bị mới hiện đại (như thay thế toàn bộ các đèn tia điện tử trên đài P-18 cũ bằng các màn hình LCD với các thiết bị điều khiển mới).
- Tăng cường độ tin cậy, tuổi thọ cũng như nguồn phụ tùng thay thế dồi dào (hiện nay do đài P-18 thế hệ cũ đã không còn được sản xuất nên tìm kiếm phụ tùng thay thế là rất khó khăn).
- Tích hợp hệ thống nhận diện địch-ta (IFF).
- Giảm chi phí vận hành.
Bên trong xe đài P-18 thế hệ cũ.
Toàn bộ các thiết bị điều khiển thế hệ cũ được loại bỏ...
Thay vào đó là các thiết bị điều khiển thế hệ mới cực kì hiện đại.
Với việc được chuyển giao toàn bộ công nghệ chế tạo đài radar P-18M sẽ giúp Việt Nam có đủ khả năng sản xuất tất cả các chi tiết của 1 đài radar sóng mét, giúp chủ động đảm bảo trang bị cho hệ thống radar, bên cạnh đó đây còn là tiền đề để chúng ta tự nghiên cứu chế tạo radar cảnh giới cũng như một số loại radar khác trang bị cho quân đội.
Đài P-18M trong buổi bắn nghiệm thu tên lửa cải tiến thuộc hệ thống S-125-2TM.
Đài radar P-18 sau khi nâng cấp lên chuẩn P-18M sẽ giúp tăng cường đáng kể khả năng giám sát không phận cũng như cung cấp thông tin chính xác cho các hệ thống phòng không. Và mới đây nhất, vào ngày 4-4 vừa qua tại trường bắn TB1, đài radar P-18M đã thực hiện phối hợp cùng hệ thống tên lửa phòng không S-125-2TM thực hiện bắn nghiệm thu tên lửa cải tiến và đã xuất sắc tiêu diệt 100% mục tiêu.
Video giới thiệu dự án cải tiến đài radar P-18 (có xuất hiện việc chuyển giao hệ thống cho phía Việt Nam vào cuối clip):
Theo Trí thức trẻ