Việt Nam đã cải tiến xe thiết giáp Commando V-100 ra sao?
“Lấy vũ khí địch đánh địch” là một phương châm xuyên suốt trong nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vận dụng sáng tạo phương châm này, chúng ta đã cải tiến được nhiều vũ khí chiến lợi phẩm, biến chúng thành phương tiện phục vụ cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ chủ quyền. Loạt bài NGHỆ THUẬT CẢI TIẾN VŨ KHÍ CHIẾN LỢI PHẨM CỦA VIỆT NAM sẽ giúp độc giả hiểu thêm về tài hoa và sáng tạo, mồ hôi và máu của những người thực hiện công việc này.
Cadillac Gage Commando V-100 là một loại xe thiết giáp lội nước hạng nhẹ, do hãng Cadillac Gage của Mỹ chế tạo. Đây là một loại xe đa năng, có thể dùng làm xe chở quân, xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe chống tăng và xe pháo cối. Nó được sử dụng rộng rãi trong Chiến tranh Việt Nam và từ đó có biệt danh là Duck, hay V.
Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã đưa hàng trăm chiếc V-100 tới miền Nam Việt Nam sử dụng cho Quân cảnh Mỹ, Không quân Mỹ và cả Quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH).
V-100 có chiều dài 5,69m, rộng 2,26m, cao 2,54m, trọng lượng không tải 7 tấn, đầy tải là 9,8 tấn. Nó có hộp số tay 5 tốc độ, cho phép vượt qua các địa hình mấp mô. Tốc độ tối đa trên bộ 100km/h và tốc độ tối đa khi bơi 5km/h. Dự trữ hành trình 900km, khả năng leo được dốc 30 độ.
Thân xe dạng hình chiếc thuyền, mũi xe được thiết kế với hình dạng như mũi tàu giúp giảm sức cản nước khi bơi. Hai bên thành xe có dạng hình oval đảm bảo tăng khả năng chịu lực của thân, đồng thới có hai cửa lên xuống cho lính trong xe. Kíp chiến đấu: 3 người, có thể chở thêm 2 người. V-100 được bọc giáp thép Cadaloy 6 mm có độ cứng cao, đủ khả năng chống chịu đạn cỡ 7,62x51mm. Được trang bị 2 đại liên cỡ 7,62 mm.
V-100 của Mỹ ở Tuy Hòa năm 1968
Chiếc V-100 Commando đầu tiên đã được đưa sang miền nam Việt Nam để thử nghiệm và đánh giá từ tháng 11 năm 1963. Sau đó, chính quyền VNCH đã bắt đầu nhận và sử dụng Commando từ tháng 10/1965 trước cả Quân đội Mỹ.
Năm 1967, quân đội Mỹ và VNCH bắt đầu triển khai V-100 trên chiến trường Việt Nam, trong đó, một số xe do VNCH sử dụng được cải tiến gắn thêm 1 đại liên M2 cỡ 12,7 mm hoặc M1919 cỡ 7,62mm. Hết năm 1967, quân VNCH đã có hơn 200 chiếc V-100.Lực lượng sử dụng Commando đông nhất của quân đội Mỹ tại Việt Nam chính là quân cảnh (MP). Trước năm 1968, Quân cảnh Mỹ sử dụng thử nghiệm 8 xe V-100 cho các nhiệm vụ tiếp đạn, giải cứu VIP và hỗ trợ hoả lực trực tiếp cho bộ binh.
Sự kiện Mậu Thân 1968 số lượng xe cho quân cảnh Mỹ tăng lên nhanh chóng. Tháng 2/1968, quân đội Mỹ đặt mua 72 chiếc V-100 đầu tiên với tên gọi XM706E1. Đến tháng 10/1968, các xe V-100 do Lục quân Mỹ đặt mua bắt đầu được giao và 94 xe khác được đặt hàng tiếp.
Đến 1969, nhu cầu V-100 thực sự rất lớn. Lực lượng quân cảnh Mỹ, quân đội Thái Lan, Hàn Quốc và các đơn vị vận tải Mỹ ở Việt Nam đều kêu gào V-100, khiến các đơn vị muốn trang bị thêm V-100 phải từ bỏ ý định. Quân đội Mỹ tính toán rằng đến cuối 1969, sẽ có tổng cộng 683 xe V-100 ở Việt Nam.
Quân Việt Nam cộng hòa tiếp tục nhận các xe V-100 mới đến tháng 5/1970, với chiếc xe mang số seri 10.921 là chiếc cuối cùng. Báo cáo sản xuất cho thấy 477 chiếc V-100 đã được bán cho quân đội Việt Nam cộng hòa.
Cùng với M-113, V-100 đã tham gia vào các trận càn và bị quân và dân ta bắn hỏng và bắn cháy cỡ khoảng gần 300 chiếc với hỏa lực B-40.
Việt Nam cải lão hoàn đồng V-100
Sau ngày đất nước thống nhất, các xe V-100 chiến lợi phẩm được Quân đội nhân dân Việt Nam biên chế cho nhiều đơn vị trinh sát thuộc Quân khu 7 hoặc 9.
Vào cuối năm 1978, chính quyền Ponpot tại Campuachia tiến hành nạn diệt chủng chống nhân dân Campuachia và phát động cuộc chiến tranh ở biên giới Việt Nam. Trước tình hình đó, để bảo vệ nền hòa bình của đất nước và giải phóng nhân dân Campuachia khỏi nạn diệt chủng, các xe thiết giáp V-100 đã cùng các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã lên đường chiến đấu.
V-100 trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Nam
Trải qua hàng chục năm sử dụng, V-100 bị xuống cấp, động cơ xăng tiêu hao nhiên liệu lớn, nhiều thiết bị hỏng hóc và nguồn cung cấp đạn dược gặp nhiều khó khăn.
Trước tình hình đó, Tổng cục Kỹ thuật đã giao nhiệm vụ cho Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự nghiên cứu nâng cấp hiện đại hóa để kéo dài thời gian sử dụng V-100. Chỉ trong một thời gian ngắn, các cán bộ Viện kỹ thuật cơ giới đã hoàn thành phương án nâng cấp và triển khai lắp ráp tại nhà máy Z751.
Sau khi nâng cấp, V-100 được thay thế động cơ xăng bằng động cơ diesel, nâng cấp hệ thống phanh thủy lực, lắp đặt camera quan sát đêm, thay thế máy thông tin loại mới, thiết kế lại hệ thống điện, thay thế vũ khí Mỹ bằng vũ khí của Nga.
Chỉ trong vòng 6 tháng, những chiếc V-100 đầu tiên đã hoàn thành và bắt đầu thử nghiệm. Mẫu xe sau khi nâng cấp, các tính năng kỹ thuật đều cao hơn xe nguyên bản, đảm bảo độ bền, tin cậy. Đặc biệt, tổng chi phí nâng cấp chỉ khoảng vài trăm triệu đồng/chiếc, tiết kiệm đáng kể ngân sách nhà nước thay vì hợp đồng nước ngoài nâng cấp.
Trong quá trình chạy thử nghiệm V-100 đã đạt được những kết quả đúng như mong đợi. Sau khi hoàn tất, V-100 nâng cấp tiếp tục biên chế vào các đơn vị để thực hiện nhiệm vụ.
V-100 Việt Nam nghiệm thu sau khi được nâng cấp
Dù thời gian sử dụng V-100 đã cao nhưng sau khi được cải tiến, các xe chiến lợi phẩm V-100 vẫn sẵn sàng đóng góp một phần sức mạnh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
Theo Trí thức trẻ