Vị Tướng già Nguyễn Quốc Thước: Giữ gìn hòa bình, đưa đất nước phát triển là trách nhiệm của người trẻ hôm nay
Đã 45 năm trôi qua, nhưng ký ức của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, người chứng kiến khoảnh khắc lịch sử tại Dinh Độc Lập vào trưa 30/4/1975, vẫn vẹn nguyên như mới ngày hôm qua.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước. |
Tại nhà riêng của vị tướng già 94 tuổi trong con ngõ nhỏ trên đường Bưởi, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn say sưa kể lại ký ức về những tháng năm hào hùng mà ông là một trong những người lính tực tiếp chiến đấu, trực tiếp chứng kiến thời khắc đất nước trọn niềm vui, giang sơn thu về một mối.
Ông kể, trong cuộc Tổng tấn công Mùa xuân năm 1975, chiến dịch Tây Nguyên được bắt đầu vào tháng 3/1975 là sự kiện mở màn quan trọng nhất. Lúc bấy giờ ông giữ vai trò Tham mưu trưởng chiến dịch Tây Nguyên, sau 14 ngày đêm giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên, đập tan tập đoàn chiến lược Quân khu 2, Quân đoàn 2 của Ngụy trên chiến trường Tây Nguyên; qua đó thừa thắng tiến về giải phóng 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa; rồi cùng 5 cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
“Nói đến thắng lợi 30/4 thì không phải là nhận định của chúng tôi, mà sau 11h30 ngày 30/4, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới vỡ oà niềm hân hoan phấn khởi, nhân dân yêu chuộng hoà bình, những người bạn của Việt Nam hết sức phấn chấn khi Việt Nam đã thắng Mỹ”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nói.
Trong bối cảnh cả thế giới còn đang sợ Mỹ, Liên Xô là nước lớn như thế, dù ủng hộ thống nhất, nhưng thấy cán cân lực lượng giữa Việt Nam và Mỹ thì Liên Xô vẫn lo ngại nếu Việt Nam đánh thì tổn thất cho nhân dân Việt Nam.
“Các bạn Liên Xô đã khuyên ta tìm giải pháp khác. Nhưng Bác Hồ đã nói nhân dân Việt Nam quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ. Đấy là hiệu lệnh, lời hịch cho cả nước, cả miền Nam, miền Bắc trong đó lực lượng quân đội đi tiên phong theo đuổi quyết tâm của Bác Hồ sẽ có một ngày giải phóng Miền Nam”, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước bồi hồi nhớ lại.
Và đúng 10 năm, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với nhân dân miền Nam (tiền tuyến), miền Bắc (chi viện cho miền Nam) đồng lòng dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng đã chiến thắng Mỹ vào ngày 30/4/1975.
Xe tăng tiến vào Dinh Độc lập. |
45 năm đã trôi qua, nhưng nói về khoảnh khắc lịch sử ấy, Tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn không thể quên cảm xúc như vỡ oà sau 10 năm chống Mỹ được đặt chân vào Sài Gòn đúng ngày 30/4/1975 lịch sử.
“Hình ảnh đọng lại mạnh mẽ nhất trong tôi đó là tại khu vực trước cửa Sân bay Tân Sơn Nhất và khu vực ngã tư Bảy Hiền. Đây đều là những địa điểm giao tranh quyết liệt nhất, khi mà bộ đội ta với lá ngụy trang xanh như khu rừng di động, đang rầm rập tiến vào, xe tăng ta với xe tăng của địch, bộ binh ta với bộ binh của địch đối chọi trực tiếp với nhau, nhân dân đứng ken đặc hai bên đường để đón chào các chiến sĩ.
Trong khi đó, ngược dòng với lực lượng quân giải phóng tiến vào là hàng dài ngụy quân mang trên mình quần đùi áo may ô, đầu trần không đeo giày, tay vẫy vẫy mảnh vải trắng đi ngược lại hướng hành quân của chúng tôi.
Chúng tôi không thể hình dung mới đêm qua thôi, đây là một đội quân còn được trang bị đến tận răng và vẫn còn hùng hổ lắm mà giờ đến như vậy…”, Tướng Nguyễn Quốc Thước nhớ lại.
Nói rồi, ông trùng lại khi nhắc đến những đồng đội đã không kịp hưởng trọn niềm vui chiến thắng. Khi đoàn quân của ông tiến vào ngã tư Bảy Hiền, thì bắt gặp 3 chiếc xe tăng của ta đang bùng cháy do bị hỏa lực trên cao của địch bắn xuống. Cả ba chiếc này tháp pháo đều đóng kín, trong đó là 15 người chiến sĩ, cán bộ của chúng ta.
“Sau 10 năm chống Mỹ, quân đoàn 3 có trên 3 vạn liệt sĩ. Cho nên sự mất mát đó, sự hy sinh trước thời khắc hòa bình đã để lại cảm xúc đau thương nhất, nặng nề nhất đối với người chỉ huy, người đã đưa anh em đi chiến đấu trong nhiều năm và chỉ còn mấy mươi phút nữa là đến thắng lợi vinh quang của đất nước, của đơn vị”, khoé mắt vị Tướng già rưng rưng.
Ngưng một lát, ông tiếp lời, cuộc chiến đã lùi xa, “thế hệ chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh dân tộc giao cho”. Để tiếp tục giữ vững thành quả cách mạng, để đưa đất nước tiếp tục tiến lên ngang hàng các nước phát triển trên thế giới, để giữ gìn hòa bình ông nói “trách nhiệm đó thuộc về những người trẻ hôm nay”.
N. Huyền