Vì sao xe tăng lại ‘thất thế’ trong giao tranh Armenia-Azerbaijan?
Nhiều xe tăng, phương tiện cơ giới của Armenia và Azerbaijan bị phá hủy do hỏa lực pháo binh hai bên trong cuộc đụng độ tại vùng Nagorno-Karabakh.
Mới đây, tạp chí National Interest của Mỹ cho rằng, việc hơn ba trăm xe bọc thép, đặc biệt là xe tăng, bị phá hủy trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh không phải là do loại phương tiện này “vô dụng” trong điều kiện xung đột quân sự hiện đại hay ưu thế trên chiến trường nghiêng về việc sử dụng máy bay không người lái.
Giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan một lần nữa lại làm bùng phát tranh cãi về vai trò của xe tăng trên chiến trường. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Azerbaijan) |
Theo đó, tác giả của ấn phẩm trích dẫn số liệu thống kê của các bên liên quan đến tổn thất về xe tăng và các loại thiết giáp khác, cho thấy chỉ trong vòng một tuần nhưng thiệt hại đã ở mức đáng báo động.
National Interest cho biết, việc 137 xe chiến đấu của Azerbaijan và 130 xe của Armenia bị phá hủy với nguyên nhân là do các bên tham chiến không chuẩn bị đầy đủ về mặt chiến thuật, cũng như thiếu hệ thống phòng không tương thích để yểm trợ che chắn cho các phương tiện mặt đất, đặc biệt là xe tăng.
“Không bên nào có hệ thống phòng không cần thiết để bảo vệ các đơn vị mặt đất”, National Interest viết.
Tuy nhiên, theo các nguồn tin, khả năng rất cao là con số thiệt hại nói trên đã bị hai bên tham chiến phóng đại nhằm nâng cao sĩ khí của mình và giảm tinh thần đối phương, tuy nhiên tổn thất lớn của lực lượng thiết giáp là không phải bàn cãi.
Cũng theo National Interest, xe tăng từng được sử dụng thành công trong cuộc xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc, những nước có hệ thống phòng không phát triển. Do đó, theo tạp chí Mỹ, trong hình thái xung đột hiện đại xe tăng chưa thể mất đi vai trò cần thiết của nó.
Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, việc hàng chục chiến xa ở Nagorno-Karabakh bị phá hủy trong thời gian ngắn cho thấy thời đại của xe tăng đã kết thúc, khi quá dễ bị máy bay không người lái và vũ khí khác tấn công.
Trước đó, vào tháng 10, chuyên gia quân sự Nga Alexey Khlopotov khi bình luận về cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh nhận định xe tăng “tự bản thân nó khá ngoan cường”, nhưng ở tình trạng hiện tại chúng hầu như không có khả năng tự bảo vệ trước máy bay không người lái hiện đại.
“Trên không hoàn toàn bị máy bay không người lái khống chế, và chúng ta thấy rằng chúng đang đặt dấu chấm hết cho việc sử dụng các phương tiện bọc thép”, ông Khlopotov cho biết.
Xung đột giữa hai quốc gia láng giềng này bùng phát sáng ngày 27/9, sau khi Armenia cáo buộc Azerbaijan đã thực hiện một cuộc tấn công bằng không quân và pháo binh nhằm vào vùng Nagorno-Karabakh, nhưng Azerbaijan khẳng định họ chỉ hành động để đáp trả các cuộc pháo kích từ phía Armenia.
Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía tây nam Azerbaijan, nhưng lại có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống nên muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền giữa hai nước mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Sau đó, Nagorno-Karabakh tuyên bố độc lập khỏi Azerbaijan vào năm 1991. Armenia cung cấp hỗ trợ cho Cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng. Nhưng đất nước với dân số 3 triệu dân này đã không chính thức được cộng đồng thế giới công nhận.
Kể từ năm 2008, Azerbaijan và Armenia đã tổ chức hơn 10 cuộc gặp cấp cao để giải quyết khúc mắc, nhưng chưa tìm ra giải pháp do cả hai đều coi vùng lãnh thổ tranh chấp thuộc chủ quyền của mình và không chấp nhận các phương án hòa giải được đưa ra.
Xe tăng nào ‘khủng’ nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh?
Mới đây, các chuyên gia quân sự Jens Wehner của Bảo tàng Dresden và Bernard Kast đã nhận định loại xe tăng nào sẽ là lý tưởng cho Chiến tranh thế giới III nếu nó nổ ra trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Thanh Bình (lược dịch)