Vì sao Trung Quốc vẫn ‘mê mẩn’ SU-35 của Nga?
Theo các nguồn tin rò rỉ từ cả phía Nga và Trung Quốc, bản hợp đồng mua bán SU-35 mà Trung Quốc theo đuổi bấy lâu nay đã gần như hoàn tất bởi phía Trung Quốc đã đồng ý thanh toán và chỉ còn chờ ngày giao hàng.
SU-35 |
Nhưng dư luận quốc tế đặt ra câu hỏi: Tại sao Trung Quốc lại quyết tâm theo đuổi hợp đồng này đến vậy bất chấp sự “đỏng đảnh” và tâm lý e ngại không muốn thực hiện hợp đồng của Nga? Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng vừa tuyên bố thực hiện thành công việc cất cánh – hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh bằng mẫu máy bay “nội địa” J-15 hay thử nghiệm thành công các mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ mới J-20, J-31…
Câu trả lời thực ra khá đơn giản: Công nghệ sản xuất máy bay chiến đấu của Trung Quốc vẫn còn rất nhiều hạn chế và đội máy bay này chưa thể tạo được niềm tin trong tác chiến nên nước này vẫn phải trông đợi vào đội tiêm kích Nga.
Cũng có ý kiến cho rằng, thực tế Trung Quốc chỉ muốn mua một số lượng hạn chế SU-35 để đánh cắp công nghệ và áp dụng cho mẫu J-31 đang được thử nghiệm.
Với trường hợp này, Nga đã có khá nhiều bài học cay đắng. Hầu hết các mẫu máy bay chiến đấu của Nga đều đã xuất hiện ở Trung Quốc với “nội thất” gần như nguyên bản ngoại trừ lớp sơn vỏ ngoài mang tên Trung Quốc. Đó cũng chính là lý do vì sao Nga chỉ đồng ý bán SU-35 nếu Trung Quốc đồng ý mua với số lượng lớn (để đảm bảo lợi nhuận) còn trong trường hợp số lượng nhỏ, Nga nhất quyết không bán.
Sau nhiều năm thương thảo đầy căng thẳng, cuối cùng cả Nga và Trung Quốc đã đi đến được một bản hợp đồng chính thức cuối cùng trong đó Nga đồng ý bán cho Trung Quốc 24 chiếc SU-35 – một số lượng không được như phía Nga mong muốn nhưng cũng đủ hấp dẫn để họ đặt bút ký.
Su -35 |
Theo các nhà phân tích quốc tế, 24 chiếc SU-35 đủ để Trung Quốc nâng cao năng lực không quân cho PLA (Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc) vừa đủ để họ có thể “học tập công nghệ” của Nga trong lĩnh vực này. Phía Nga cũng thừa hiểu rằng, bản hợp đồng 24 chiếc SU-35 này có thể là bản hợp đồng cuối cùng mà họ có thể ký với Trung Quốc.
Nhưng nếu căng thẳng ở biển Hoa Đông leo thang và một cuộc đối đầu quân sự Trung – Nhật diễn ra, rất có thể Trung Quốc sẽ còn cần thêm nhiều SU-35 hơn nữa bởi hầu hết các mẫu tiêm kích hiện nay của Trung Quốc đều “dưới cơ” của F-15 – mẫu tiêm kích chủ lực của không quân Nhật Bản.
Về phần mình, Nga cũng hiểu rằng số lượng khách hàng quốc tế đối với máy bay chiến đấu của họ hiện nay không còn nhiều. Bản hợp đồng mới ký với Iraq hiện đã bị “treo” với lý do “có nghi vấn tham nhũng”. Khách hàng truyền thống lâu đời là Ấn Độ hiện cũng đang bắt đầu đa dạng hóa kho vũ khí của mình (thể hiện qua việc trở thành khách hàng đầu tiên mua vũ khí của Nhật kể từ sau chiến tranh thế giới 2) chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào Nga như trước. Với khách hàng Việt Nam, hiện bản hợp đồng cung cấp Sukhoi SU-30 MK2 vừa mới chấm dứt và Việt Nam vẫn còn một số hợp đồng lớn chưa hoàn thành với Nga (mua tàu ngầm Kilo) nên nguồn tài chính chắc sẽ không được dồi dào cho các hợp đồng mua máy bay chiến đấu mới. Một khách hàng khác là Syria hiện vẫn đang tiềm ẩn khá nhiều sự nhạy cảm nên Nga không thể “đặt cược toàn bộ” vào khách hàng này. Với Venezuela, hiện những thông tin không được lạc quan về sức khỏe của ông Hugo Chavez cũng khiến phía Nga rất lo ngại.
Chính vì thế, dù bản hợp đồng chỉ là 24 chiếc SU-35 (phía Nga mong đợi bán được 50 chiếc), không được như kỳ vọng nhưng đây không phải là một bản hợp đồng quá tồi.
J-31, mẫu tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc vừa bay thử nghiệm thành công hôm 31/10/2012. |