Vì sao Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường tập trận ở Biển Đông?
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), trong bối cảnh không quân và hải quân Trung Quốc vẫn giám sát chặt chẽ hoạt động tuần tra của hải quân Mỹ trên Biển Đông, căng thẳng giữa quân đội Mỹ - Trungở vùng biển chiến lược sẽ tiếp tục gia tăng. Cũng theo các chuyên gia, trong thời gian tới, quân đội Trung Quốc sẽ cho tăng cường tiến hành tập trận ở Biển Đông để nâng cao năng lực chiến đấu.
Tàu hộ vệYuncheng của hải quân Trung Quốc tham gia tập trận phóng tên lửa chống hạm trên Biển Đông. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Trước đó, tờ PLA Daily cho biết, cuộc tập trận chung gần đây nhất nhằm mô phỏng các cuộc đối đầu trực tiếp với dàn chiến hạm và máy bay quân sự nước ngoài trên Biển Đông được hải quân và không quân Trung Quốc triển khai hôm 10/3.
Thông tin được PLA Daily hé lộ cho hay, cuộc tập trận của không quân và hải quân Trung Quốc bao gồm nội dung tìm kiếm một máy bay lạ của nước ngoài nhờ sự hỗ trợ từ các tàu chiến mặt nước và đánh đuổi máy bay thù địch, “thậm chí là dùng tên lửa để bắn hạ nhằm ngăn chặn máy bay lạ tấn công chiến hạm Trung Quốc”.
Đáng nói, cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc hôm 10/3 diễn ra đúng ngày tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell của hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Theo thông cáo của Hạm đội 7, đây là lần thứ hai trong năm nay, hải quân Mỹ triển khai sứ mệnh tuần tra gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Một bức ảnh được hải quân Mỹ công bố còn cho thấy, tàu hộ vệ Type 054A của hải quân Trung Quốc đã đi theo và giám sát hoạt động của tàu USS McCampbell khi đang tuần tra ở Biển Đông. Hải quân Mỹ cho biết thêm, tàu hộ vệ Type 054A còn phát cảnh báo yêu cầu tàu chiến Mỹ rời khỏi khu vực.
Sau đó, Đại tá Li Huamin, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam Bộ thuộc quân đội Trung Quốc cáo buộc, “Mỹ tiếp tục có hành động phô trương sức mạnh, mang tính khiêu khích và khuấy động tình hình Biển Đông”.
Về phần mình, hải quân Mỹ khẳng định tàu khu trục USS McCampbell đã tiến hành “hoạt động đảm bảo an ninh và ổn định trong quá trình di chuyển qua Biển Đông”.
Chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh, ông Zhou Chenming nhận định việc Mỹ tăng cường sứ mệnh tuần tra hàng hải ở Biển Đông đã giúp quân đội Trung Quốc có thêm cơ hội thực hành huấn luyện chiến đấu.
“Tất cả hệ thống vũ khí mà Trung Quốc đã đưa ra Biển Đông đều mang mục đích phòng vệ. Những hệ thống này bao gồm tên lửa HQ-9 được quân đội Trung Quốc triển khai trái phép trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam)”, ông Zhou nói.
Cũng theo ông Zhou, “các cuộc tập trận bắn đạn thật của hải quân Mỹ trong khu vực cũng sẽ khiến quân đội Trung Quốc triển khai thêm hoạt động huấn luyện”.
Căng thẳng giữa quân đội Mỹ - Trung gia tăng trong những tháng gần đây. Cụ thể, hồi cuối tháng Hai, trong một tuyên bố, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho biết, máy bay tuần tra hàng hải P-8A Poseidon của hải quân Mỹ đã bị tàu khu trục Type 052D mang số hiệu 161 của hải quân Trung Quốc chiếu “laser cấp độ quân sự” khi hoạt động cách phía tây đảo Guam khoảng 380 dặm vào ngày 17/2.
Tiếp đó, chia sẻ trên Facebook, Hạm đội 7 cho biết Mỹ đã tổ chức tập trận kéo dài 4 ngày ở Biển Đông. Cuộc tập trận của Mỹ có sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, tàu đổ bộ mang chiến đấu cơ USS America (LHA-6) và Đơn vị Viễn chinh thủy quân lục chiến số 31.
Trong đó, đối với cuộc tập trận ở phía đông biển Philippines vào ngày 19/3, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Barry đã cho phóng tên lửa tầm trung Standard Missile-2 (SM-2). Cuộc tập trận còn có sự tham gia của tàu tuần dương tên lửa dẫn đường USS Shiloh và con tàu này cũng cho phóng tên lửa SM-2.
“Cả tàu USS Barry và USS Shiloh đều được trang bị một số loại tên lửa như tên lửa hành trình Tomahawk. Tuy nhiên, hải quân Mỹ không sử dụng tên lửa Tomahawk trong tập trận mà thay vào đó cho phóng tên lửa SM-2”, ông Zhou nói thêm, tên lửa hành trình Tomahawk sẽ là mối đe dọa lớn hơn đối với các đảo nhân tạo và tiền đồn mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Nhà quan sát quân sự tại Đài Bắc, ông Chi Le-yi cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều đang cố mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực. Song theo ông Chi, hai bên đều rất thận trọng trong hành động để không làm bùng nổ xung đột quân sự thực sự.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.