Vì sao Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông?
Những quyết định trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Barack Obama đối với châu Á có thể phải đối mặt với thách thức khá rõ ràng khi nói về Biển Đông. Hiện tại trong khu vực này, Trung Quốc đang gây hấn với các nước láng giềng về việc ai có chủ quyền đối với các vùng lãnh hải có một trữ lượng dầu và khoáng sản lớn.
Diễn biến mới trong tranh chấp ở Biển Đông
Ngoại trưởng Philippines Gilbert Asuque yêu cầu Tòa án Quốc tế của Liên Hợp Quốc cần đứng ra giải quyết vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. |
Cho đến nay, các tranh chấp tạm thời lắng xuống, mặc dù Trung Quốc vẫn có các hoạt động tuần tra trong khu vực chủ quyền lãnh thổ của các nước láng giềng. Sự tranh chấp hiện đi vào một giai đoạn mới khi Philippines đã đưa tranh chấp này lên Tòa án Liên Hợp Quốc. “Chúng tôi muốn Tòa án (Liên Hợp Quốc) thiết lập các quyền của Philippines trong việc độc quyền khai thác các nguồn tài nguyên ở thềm lục địa của chúng tôi ở phía tây vùng biển Philippines”, Trợ lý Thư ký Ngoại giao Gilbert Asuque của Philippines nói.
Trung Quốc tuyên bố rằng tranh chấp là vấn đề riêng giữa Bắc Kinh và Manila, hành động của Philippines chỉ làm cho vấn đề khó giải quyết hơn. Theo VOAnews, bất chấp những quy định rõ ràng trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển và DOC, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vẫn tuyên bố rằng "Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo trên Biển Đông và các vùng biển lân cận. Chìa khóa và nguồn gốc của tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines là những tranh chấp lãnh hải do Philippines chiếm đóng trái phép một số hòn đảo nhỏ và đảo san hô của Trung Quốc”.
Trung Quốc tranh chấp với nhiều nước
Đường lưỡi bò ngang ngược của Trung Quốc trên vùng Biển Đông rộng lớn 3,5 triệu km2 |
Ông Justin Logan, Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách đối ngoại Cato, cho biết Trung Quốc đang cố gắng “giữ tranh chấp trong mối quan hệ song phương càng nhiều càng tốt và ngăn không cho các quốc gia đưa quốc tế vào giải quyết việc này. Vì vậy, những gì mà Philippines đã thực hiện là để hướng về phía quốc tế một cách chính thống”.
Cách mà Manila đã làm thể hiện một cơ hội tốt hơn tại một diễn đàn quốc tế thay vì húc đầu với một siêu cường khu vực. Nhưng ngay cả khi Manila thắng tại Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc thì ai sẽ là người thực thi phán quyết? “Nếu thực sự có một phán quyết được tuyên bố, nghĩa là sẽ có một cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Bạn có thể nhận ra rằng việc thực thi phán quyết là không thể được”, Logan nói.
Tuy nhiên, trong khi tranh chấp Bắc Kinh – Manila đang diễn ra, Elizabeth Economy của Hội đồng Quan hệ đối ngoại cho rằng Tổng thống Obama sẽ “không có chỗ cho sự tự mãn” nếu ông đang nghiêm túc hướng sự tập trung của Mỹ vào châu Á, một chính sách mà các chuyên gia chính sách đối ngoại Washington đã gọi bằng cái tên “Trục đến Châu Á”.
Nếu Obama lơi là, Mỹ sẽ mất lợi thế ở Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ tương lai John Kerry không cho rằng Trung Quốc sẽ biến những căng thẳng trên Biển Đông thành một cuộc chiến tranh thực sự. |
Bà Economy cho rằng ông Obama cần kết thúc sớm Thỏa thuận thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương, bổ sung vào khu vực này cả lực lượng binh lính cũng như vũ khí quân sự mới. Nếu ông không hoàn thành những nhiệm vụ đầu tiên này, bà nói, ông Obama có thể gặp “nguy cơ thực sự rằng ‘Trục đến Châu Á’ sẽ bị chứng minh là không thực tế và những người phản đối sẽ tiếp tục đặt câu hỏi về cam kết lâu dài của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.”
Còn có những vấn đề phức tạp hơn vậy. Đối thủ của Tổng thống Mỹ đưa ra những câu hỏi về phương pháp xử lý của ông về vấn đề Biển Đông và Trung Quốc nói chung trong các phiên điều trần. Người sẽ phải thay mặt cho ông Obama trong các phiên chất vấn này sẽ là Thượng nghị sỹ bang Massachusetts John Kerry và cũng sẽ là Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng thống Obama.
Thượng nghị sỹ Marco Rubio, một thành viên Đảng Cộng hòa bang Florida, nói rằng chính quyền của ông Obama không thể để cho Trung Quốc nằm ngoài tầm kiểm soát. “Trung Quốc đang ngày càng tích cực về tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ và hàng xóm của họ đang tìm cách đưa Mỹ và các nhà lãnh đạo Mỹ tham gia vào như là một đối trọng”, Rubio cảnh báo.
Kerry tìm kiếm một sự phản đối đối với điều đó bằng việc tuyên bố rằng ông ta không bị thuyết phục bởi lập luận rằng sự tăng cường sức mạnh quân sự là yếu tố quan trọng. “Tầm của chúng ta hơn rất nhiều so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, kể cả Trung Quốc ngày nay”, Kerry nói, “Chúng ta có một lực lượng mạnh hơn bất kỳ quốc gia nào.”
Jacques Delisle, Giám đốc Đại học nghiên cứu Đông Á thuộc trường Đại học Luật Pennsylvania, nói rằng một phần của vấn đề là Hoa Kỳ và Trung Quốc có những nhận thức rất khác nhau về hành động của họ trong khu vực Biển Đông.
Trung Quốc đổ lỗi cho Mỹ
Một tuyên bố trong năm 2010 của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton bị Trung Quốc kết tội "đổ dầu vào lửa" trong căng thẳng tranh chấp ở Biển Đông |
“Mỹ cho rằng các hành động của họ là vô hại nhưng Trung Quốc xem điều đó là sự hung hăng”, Delisle nói. “Vì thế bất cứ hành động nào của Trung Quốc, Mỹ cũng chỉ xem đó là sự hung hăng hay Trung Quốc đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự và năng lực "chống tiếp cận".
Còn giáo sư Gilbert Rozman của Đại học Princeton, Mỹ tin rằng những căng thẳng trên Biển Đông hiện đang tạo rắc rối cho mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trong các lĩnh vực khác. “Hiện nay, Trung Quốc đang chơi một trò chơi rất khác biệt”, Rozman nói, “Cuộc đấu tranh thực sự đã được đẩy mạnh. Và nếu không lùi bước trong hợp tác với Nhật Bản hay Philippines, Hoa Kỳ sẽ phải trả giá cho các vấn đề khác, trong đó có cả Triều Tiên.”
Ông Rozman cũng đưa ra lập luận về quyết định của Manila đang khiến cho tranh chấp lãnh hải trở nên bế tắc. Ông lo ngại vụ kiện sẽ gây áp lực lên Washington, buộc chính quyền Mỹ phải can thiệp. Hiện tại, ông nói, Trung Quốc đang “đổ lỗi cho Hoa Kỳ để khuấy động những rắc rối”.
Giáo sư khoa học chính trị Chu Shulong của Đại học Thanh Hoa ở Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh có lý do để đổ lỗi cho Washington, một phần vì phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thực hiện trong năm 2010 đã tập trung sự chú ý về những tuyên bố tranh chấp trên Biển Đông.
“Có, đã luôn có một khu vực tranh chấp đầy khó khăn ở Biển Đông. Nhưng sự căng thẳng không bị đẩy lên cao trước khi bà Hillary Clinton thực hiện bài phát biểu trong năm 2010”, ông nói, “Và chúng tôi chắc chắn có ảnh hưởng đến, rằng thực tế Mỹ đã đẩy cao những căng thẳng lên bằng cách tập trung vào các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.”