Vì sao Thủ tướng Theresa May quyết định bầu cử Quốc hội trước thời hạn?
Thủ tướng Anh Theresa May |
RIA Novosti nhận định, để được thông qua, đề xuất này phải nhận được sự ủng hộ của 2/3 nghị sỹ quốc hội. Theo bà Theresa May, việc tổ chức bầu cử trước thời hạn sẽ cho phép củng cố sự thống nhất giữa Chính phủ với Quốc hội Anh - điều rất cần cho quá trình Brexit (đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu).
Vì sao cần bầu cử trước thời hạn?
Yêu cầu tổ chức bầu cử trước thời hạn và thành lập chính phủ mới ở Anh đã được đưa ra từ nửa cuối năm 2016 và xuất hiện ngày càng nhiều thời gian gần đây. Yêu cầu này không chỉ xuất phát từ phe đối lập mà từ cả đại diện của đảng Bảo thủ cầm quyền.
Phe đối lập hy vọng rằng họ có thể thay đổi chính sách của nước Anh và hủy bỏ được kế hoạch Brexit. Còn phe cầm quyền lại hy vọng bầu cử sẽ giúp họ củng cố được quyền lực, đoàn kết được các nhánh hành pháp và tư pháp trong giai đoạn chia tay EU đầy phức tạp.
Mùa hè năm 2016, Anh đã thông qua quyết định sẽ rút khỏi EU khi tổ chức trưng cầu dân ý. Thủ tướng Anh khi đó là David Cameron, người hy vọng vào một kết quả trưng cầu dân ý khác, đã quyết định từ chức và lên thay là bà Theresa May. Phe đối lập liên tục đưa ra các yêu cầu thay thế bà May vì đây là Thủ tướng không được người dân bầu lên. Mặc dù Chính phủ Anh không đồng ý với yêu cầu của phe đối lập nhưng cuối cùng, bà Theresas May cũng đã đưa ra tuyên bố về vấn đề này.
“Sự không thống nhất trong chính phủ sẽ không thể đem lại thành công trong các cuộc đàm phán với EU. Nếu chúng tôi không tổ chức cuộc bầu cử sớm thì phe đối lập sẽ tiếp tục các chiêu trò của mình”- bà Theresa may tuyên bố, đồng thời bổ sung rằng việc rút khỏi EU là mục tiêu không thay đổi của đảng Bảo thủ.
Trước đó, Công đảng Anh cam kết sẽ phủ quyết việc phê chuẩn thỏa thuận chính thức về đưa Anh ra khỏi EU, còn đảng Dân chủ-Tự do Anh thường làm tê liệt hoạt động của Quốc hội Anh, còn đảng Dân tộc Scotland thực chất đang cố gắng phong tỏa hoạt động của Chính phủ Anh.
Thủ tướng Anh Theresa May |
Chính phủ và Quốc hội Anh sẽ thay đổi như thế nào?
Với tuyên bố của bà Theresa May, bầu cử trước thời hạn vào Hạ viện Anh sẽ được tổ chức ngày 8/6 tới. Trong 650 ghế Hạ viện Anh hiện any, đảng Bảo thủ chiếm 330 ghế, Công đảng chiếm 232 ghế, 54 ghế thuộc về đảng Dân tộc Scotland và 9 ghế còn lại thuộc về đảng Dân chủ -Tự do.
Tham vọng của đảng Bảo thủ là với cuộc bầu cử trước thời hạn này, họ sẽ nâng được số ghế trong Hạ viện. Trong thời gian gần đây, số chính trị gia hoài nghi tương lai châu Âu và ủng hộ Brexit đang gia tăng ở Anh.
Hồi tháng 3/2017, Công ty YouGov chuyên tiến hành các nghiên cứu trên mạng internet đã tiến hành cuộc thăm dò dư luận xã hội. Kết quả cho thấy hiện có khoảng 37% cử tri Anh ủng hộ Công đảng và 34% ủng hộ đảng Bảo thủ. Khoảng cách giữa Công đảng với đảng Bảo thủ đã được thu hẹp đáng kể vì trước đó 1 năm, khoảng cách này đã đạt mức 16%, Mức độ ủng hộ đối với đảng Dân chủ-Tự do là 14%.
Đảng Bảo thủ hy vọng rằng cuộc bầu cử sớm sẽ giúp họ củng cố vị thế và gián tiếp tác động tiêu cực đến Công đảng. Khi có nhiều ghế hơn tại Hạ viện, đảng Bảo thủ có thể dễ dàng hơn trong việc vượt qua các rào cản và sự chống đối của phe đối lập, nhờ đó quá trình thực hiện Brexit sẽ dễ dàng hơn.
Sau bầu cử Quốc hội mới ở Anh, một chính phủ mới cũng sẽ được thành lập. Nếu giành chiến thắng, đảng Bảo thủ sẽ nắm được nhiều quyền chủ động hơn.
Theo truyền thông Anh, trong chính phủ Anh đang xảy ra sự chia rẽ sâu sắc. Trong khi Ngoại trưởng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Michael Fallon ủng hộ sự can thiệp quân sự vào Syria thì Thủ tướng Anh Theresa May lại từ chối ủng hộ ý tưởng tiến hành các vụ tấn công mới vào Syria. Giới phân tích Anh cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến Ngoại trưởng Anh Boris Johnson hủy bỏ chuyến thăm Nga.
Thời hạn nắm quyền Thủ tướng Anh của bà Theresa May, nếu bầu cử diễn ra thuận lợi, sẽ được kéo dài thêm 2 năm nữa (thời hạn nắm quyền hiện nay của bà May sẽ kết thúc năm 2020). Điều đáng nói là trong khi uy tín của đảng Bảo thủ thời gian gần đây đang được gia tăng thì uy tín cá nhân của bà May lại đang sụt giảm. Điều này có thể được phản ánh thông qua kết quả bầu cử theo một cách khó ngờ nhất.
Theo các chuyên gia, xuất phát từ việc chính phe đối lập đưa ra yêu cầu tổ chức bầu cử trước thời hạn và chính phủ của đảng Bảo thủ chấp nhận quyết định này, nhiều khả năng Quốc hội Anh sẽ chấp nhận tổ chức một cuộc bầu cử trước thời hạn.
Thủ lĩnh Công đảng Anh Jeremy Corbyn ngay lập tức đã có phản ứng đối với tuyên bố của bà May rằng ông ủng hộ quyết định của Chính phủ Anh.
“Tôi chào mừng quyết định của Thủ tướng Anh trong việc cho người dân Anh khả năng bầu lên chính phủ mới- chính phủ sẽ đặt lợi ích của người dân Anh lên hàng đầu”- ông Corbyn viết trên trang Twitter cá nhân của mình.
Trong khi đó, Thủ lĩnh đảng Dân chủ-Tự do Anh Tim Farron cũng ủng hộ quyết định của bà May.
“Điều đó (bầu cử trước thời hạn) tạo ra khả năng thay đổi khuynh hướng phát triển của đất nước. Nếu như bạn không muốn có một Brexit thảm họa, nếu như bạn muốn Anh ở lại trong thị trường chung, nếu như bạn muốn Anh trở nên cởi mở, thống nhất và nhã nhặn thì đó là cơ hội của bạn”, BBC trích lời ông Farron.
Theo các chính trị gia Anh, bầu cử sẽ đem đến nhiều thay đổi.
Châu Âu ngày càng khó đoán?
“Bầu cử trước thời hạn ở Anh sẽ sẽ là nét bổ sung cho bức tranh đầy bất ổn trên thế giới. Ở Mỹ, ông Donald Trump đã bất ngờ được bầu làm Tổng thống và đưa ra những quan điểm mới đối với chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ. Sắp tới sẽ là bầu cử Tổng thống Pháp và sẽ khó để dự đoán về cuộc bầu cử này. Năm 2017 cũng sẽ có bầu cử ở Đức, nơi cũng sẽ diễn ra những thay đổi rất khó đoán. Và bầu cử ở Anh sẽ đem đến cho thế giới nhiều bất ngờ nữa. Bối cảnh khó xác định này đang xảy ra ở hầu hết các quốc gia hàng đầu phương Tây”- chuyên gia phân tích chính trị Nga Dmitri Abzalov nhận định.