Vì sao tàu ngầm Nga dễ dàng "qua mặt" NATO ở ngay "sân sau" của Mỹ?
Theo truyền thông Nga, Hạm đội Phương Bắc của Nga vừa kết thúc cuộc diễn tập tàu ngầm quy mô lớn nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh mang tên là “Atrina-2019” ở Đại Tây Dương. Cuộc tập trận lần này có 10 tàu ngầm hạt nhân, trong đó lần đầu tiên có sự tham gia của tàu ngầm hạt nhân mới hạ thủy mang tên Severodvinsk. Địa điểm diễn tập gần bờ Đông nước Mỹ, có thể nói tàu ngầm hạt nhân Nga tập trận ở “sân sau” của Mỹ.
Đại Tây Dương luôn là chiến trường chính của Hải quân NATO, Anh, Pháp và Nga, khu vực này cũng có nhiều tuyến đường vận tải biển quan trọng của các nước trên. Bắt đầu từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, NATO đã thiết lập một mạng lưới phòng thủ chống ngầm lớn ở Đại Tây Dương, được trang bị một số lượng lớn máy bay và tàu tuần tra chống ngầm, và một hệ thống giám sát sonar cố định dưới biển (SOSUS).
Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO tiến hành cắt giảm quy mô lớn lực lượng Hải quân, số lượng tàu ngầm và tàu mặt nước của Anh, Pháp lại không đủ để tuần tra khu vực này. Trong khi đó, Nga vẫn giữ lại một số lượng lớn tàu ngầm hạt nhân, sức mạnh của hai bên đã thay đổi, và tuyến phòng thủ Đại Tây Dương của NATO đã “sụp đổ”.
Nga sở hựu hạm đội tàu ngầm “khủng” làm thay đổi cán cân sức mạnh Hải quân giữa Nga với NATO và Mỹ. Nguồn: Sohu |
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho rằng: “Sức mạnh Hải quân Nga là một lời cảnh tỉnh đối với NATO, Nga đang tăng cường bảo vệ tuyến đường biển ở thành phố Murmansk - tây bắc Nga, là thành phố lớn nhất thế giới nằm trên vòng Bắc Cực”.
Các căn cứ tàu ngầm chính của Hạm đội Phương Bắc của Nga đã xuất phát từ khu vực này để đi vào Đại Tây Dương. Tại lối vào Đại Tây Dương, các tàu ngầm của Nga thường xuyên được các trạm định vị, tàu tuần tra và máy bay chống ngầm của nước láng giềng Na Uy “quan tâm” theo dõi. Đi qua đó mà không bị phát hiện gần như là điều không thể. Tuy nhiên, Nga đã biến điều “không thể thành có thể”, 10 tàu ngầm Nga đã vượt qua tuyến phòng thủ tàu ngầm Faroe-Iceland của NATO và chứng minh là mối đe dọa đối với bờ biển phía Đông nước Mỹ.
Khi tàu ngầm hạt nhân Nga phá vỡ tuyến phòng thủ Đại Tây Dương, NATO chỉ “gom góp” được 6 máy bay chống ngầm để tìm kiếm tàu ngầm hạt nhân Nga, trong đó có 4 máy bay chống ngầm P8A và 1 máy bay C140 tìm kiếm các mục tiêu xung quanh căn cứ của Na Uy, 1 máy bay chống ngầm P8A xuất phát từ Iceland trinh sát vùng biển ngoại vi bờ Đông nước Mỹ. Trong khi đó, thời điểm năm 1987, NATO đã từng điều động hơn 10 máy bay chống ngầm để theo dõi 5 tàu ngầm Liên Xô, điều này cho thấy khả năng chống ngầm của NATO đang “xuống cấp” rất nghiêm trọng.
Khả năng chống ngầm của NATO và Mỹ đang “bất lực” trước tàu ngầm Nga. Nguồn: Sohu |
Không giống như các cuộc tập trận tàu ngầm trước đây, sau khi các tàu ngầm hạt nhân của Nga đến vùng biển được chỉ định, đã tiến hành khoa mục phóng tên lửa quy mô lớn, tàu ngầm hạt nhân Severodvinsk là tàu chỉ huy của biên đội tàu ngầm lần này, đã tiến hành phóng tên lửa hành trình Kalibr mà “không lo lắng bị phát hiện một chút nào”, có thể coi đây là lần phô trương sức mạnh tàu ngầm Nga ở “sân sau” của Mỹ. Nếu như lần tiếp theo, Nga đưa các tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang theo tên lửa đạn đạo đến khu vực này trong “im lặng tuyệt đối”, thì hậu quả sẽ “khó có thể tưởng tượng”.
So với Thái Bình Dương, lực lượng phòng thủ của Hải quân Mỹ ở Đại Tây Dương tương đối yếu và khả năng chống ngầm cũng không đủ, đồng thời các căn cứ của Mỹ ở Đại Tây Dương cũng nằm trong phạm vi tấn công của tên lửa đạn đạo tầm xa Nga, tàu ngầm Nga nếu tiến hành đột phá từ khu vực này khả năng thành công sẽ cao hơn các khu vực khác. Trong thời kỳ Thế chiến II, tàu ngầm Đức đã từng gây thiệt hại nặng nề cho quân Đồng minh ở Đại Tây Dương. Nếu NATO không tiếp thu bài học này, tàu ngầm hạt nhân Nga sẽ một lần nữa tiến hành trận chiến “bầy sói dưới nước” của Đức.
Tàu ngầm Severodvinsk đang là mối lo ngại đối với giới tướng lĩnh quân sự Mỹ. Nguồn: Sohu |
Tàu ngầm Severodvinsk được biết đến với tên gọi chính thức là Đề án 885 “Yasen”, có trang bị hệ thống giảm ồn, nhờ đó mà nó được coi là loại tàu ngầm ít gây ồn nhất. Mô hình này tạo ra ít tiếng ồn hơn so với loại tàu ngầm “Los-Angeles” của Mỹ. Tàu ngầm này cũng đang là mối lo ngại đối với giới tướng lĩnh quân sự Mỹ.
“Severodvinsk” dựa trên công nghệ tiên tiến vốn đã được người Nga sử dụng khi đóng tàu ngầm lớp “Lira” và “Shuka-B”. Công nghệ này được bổ sung thêm các lò phản ứng hạt nhân nhằm đạt vận tốc lớn hơn. Tuổi thọ của lò phản ứng hạt nhân ngang với thời hạn vận hành của chính chiếc tàu, do đó không cần thiết phải đưa tàu lên ụ để nạp lại lò. Người Nga đã thành công trong việc kết hợp lò phản ứng hạt nhân với hệ thống giảm ồn công nghệ mới và nâng tốc độ từ 35 đến 40 hải lý/giờ khi lặn ở chế độ tiếng ồn thấp.
Severodvinsk là tàu ngầm đầu tiên của Nga được lắp đặt thiết bị thủy âm định vị hình cầu nhằm xác định vị trí tàu ngầm ở dải tần 360 độ. Sau khi hoàn thiện việc xử lý các thông số điện tử, thiết bị thủy âm định vị được cho là tiên tiến nhất từ trước đến nay của Nga. 8 giếng phóng tên lửa đặt tại ví trí giữa thân tàu ngầm, như cách bố trí trên các tàu tương tự của Mỹ.
Tàu ngầm có thể mang gần 30 quả ngư lôi, và theo một số nguồn tin, nó còn được trang bị các tên lửa cao xạ. Trọng tải của tàu ngầm này khi lặn là khoảng 14.000 tấn, chiều dài thân tàu là 120 m, có thể lặn sâu tới 600 m. Khác với các mô hình thiết kế trước đó, những tàu ngầm này không dùng kết cấu vỏ kép.
Hiện Nga có kế hoạch đóng thêm 5 chiếc tàu ngầm loại này, trong đó có hai chiếc đang trong quá trình sản xuất và sẽ được đưa vào vận hành sớm nhất là năm 2020. Thời hạn này có thể bị lùi nếu cần thiết phải thay đổi một số kết cấu trong giai đoạn thử nghiệm. Ba chiếc còn lại theo kế hoạch sẽ được hoàn thành vào năm 2030.