Vì sao nước Mỹ luôn phải có Thông điệp Liên bang?
Tại sao tổng thống Mỹ phải đọc Thông điệp liên bang hàng năm trước quốc hội?
Buổi diễn thuyết này được quy định trong hiến pháp Mỹ. Tại Điều II, Mục 3, khoản 1 Hiến pháp Mỹ nói rằng tổng thống cần “theo từng thời điểm, cần thông tin thông điệp liên bang cho quốc hội, đưa ra các đề xuất, biện pháp để quốc hội xem xét và giải quyết theo hướng mà tổng thống cho là cần thiết và thích hợp”.
Liệu có phải đây là một yêu cầu mơ hồ?
“Tùy thời điểm” đặt câu hỏi về số lượng những buổi diễn thuyết Thông điệp liên bang. Tuy nhiên, cố Tổng thống Mỹ George Washington đã cố định việc đọc thông điệp liên bang thành một sự kiện hàng năm khi ông thực hiện việc này lần đầu tiên tại Hội trường liên bang ở New York vào tháng 1/1790.
Vì không có kế hoạch chi tiết, ông Washington đã ca ngợi công việc của khóa quốc hội đầu tiên của nước Mỹ, vạch ra một kế hoạch lập pháp ngắn gọn cho những năm sắp tới. Bằng cách này, buổi diễn thuyết của Tổng thống Washington có một số điểm tương đồng với một trong những điều mà Tổng thống Barack Obama đưa ra tối nay. Mặt khác, mục tiêu của Washington có khác chút ít với ông Obama trong lĩnh vực chăm sóc y tế quốc gia. Ông Washington lúc đó muốn tập trung vào quân đội, giao thông, phát triển hệ thống thống nhất tiền tệ…
Đã có vị tổng thống không đọc Thông điệp Liên Bang?
Bạn sẽ nhận ra rằng trong Điều II, Mục 3 của hiến pháp Mỹ không nhắc gì đến việc phải yêu cầu tổng thống phải phát biểu trước Quốc hội. Tổng thống chỉ cần thông báo với Quốc hội về những gì xảy ra trong nước suốt năm qua. Khi Thomas Jefferson nắm quyền năm 1801, ông cho rằng ý tưởng phát biểu trước Quốc hội quá phô trương, vì thế, năm đó ông quyết định không tiến hành đọc Thông điệp liên bang. Thay vào đó, hàng năm, ông viết một báo cáo gửi đến Quốc hội, ở đó, một thư ký của ông đọc to cho tất cả các nhà lập pháp cùng lắng nghe.
Các chính trị gia bỏ qua cơ hội có được buổi diễn thuyết có sức nặng?
Rõ ràng, Tổng thống Jefferson không phải là người duy nhất không thích các bài phát biểu dài dòng. Bởi ngay sau ông, người kế nhiệm đã tiếp tục truyền thống “im ắng” này. Trong hơn một thế kỷ, các đời tổng thống Mỹ đã gửi thông điệp liên bang cho Quốc hội thông qua các văn bản, các báo cáo hành chính và ngân sách cực kỳ đầy đủ ý nghĩa, hơn hẳn những bài hùng biện chính trị sôi nổi.
Đến thời kỳ Woodrow Wilson làm Tổng thống Mỹ, ông đã hồi phục “nghi lễ” nói chuyện trước Quốc hội vào năm 1913. Từ sau đó, truyền thống thực hiện bài diễn thuyết cũng không được duy trì đều đặn mà chỉ rải rác. Từ năm 1913, có đến 22 thông điệp liên bang được báo cáo lên quốc hội thông qua hình thức văn bản. Lần gần đây nhất là văn bản báo cáo của Tổng thống Ronald Reagan vào năm 1989.
Ai sẽ nghe thông điệp liên bang?
Ngoài thành viên của quốc hội, các tổng thống Mỹ thường mời các thẩm phán của Tòa án tối cao, các bộ tham mưu, nội các của mình.
Ai không có mặt trong buổi diễn thuyết?
Ít nhất là một thành viên trong nội các của tổng thống. Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, một thành viên nội các buộc phải ẩn náu trong một địa điểm bí mật khi các cuộc họp quan trọng của chính phủ diễn ra như buổi đọc Thông điệp liên bang hoặc lễ nhậm chức tổng thống. Thành viên vắng mặt này được gọi là “người được sống sót”. Trong trường hợp hạn hữu xảy ra khi có một cuộc tấn công hoặc thiên tai bất ngờ dẫn đến việc toàn bộ lãnh đạo đất nước tử vong, “người được sống sót” sẽ trở thành tổng thống kế nhiệm.
Kể từ năm 2005, một vài thành viên quốc hội cũng không tham gia các sự kiện lớn. Trong trường hợp có thảm họa, ít nhất nước Mỹ sẽ vẫn duy trì được một cơ quan lập pháp nhỏ.
Thông điệp liên bang trở thành buổi diễn thuyết phải được xem trên tivi khi nào?
Buổi diễn thuyết thông điệp liên bang đầu tiên lên sóng truyền hình vào năm 1947, nhưng không được phát vào các giờ vàng quan trọng. Phải đến 1965, nó mới trở thành “giờ vàng sóng truyền hình” của nước Mỹ. Tổng thống Lyndon B. Johnson đã quyết định cho phát Thông điệp liên bang của mình vào buổi tối nhằm tiếp cận được tối đa sự chú ý của người dân.
Tổng thống Mỹ có thể lựa chọn không thực hiện thông điệp liên bang?
Còn tùy. Sẽ không có nhiều ý nghĩa nếu một tổng thống mới nhậm chức được vài ngày thực hiện thông điệp liên bang. Kể từ nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Ronald Reagan vào năm 1981, tổng thống mới nhậm chức có quyền thực hiện một bài diễn thuyết đặc biệt hơn thông điệp liên bang – diễn thuyết trước tất cả dân chúng. Tuy nhiên, George HW Bush (Bush cha) vào năm 1989 đã chủ yếu nói về kinh tế trong một phiên họp chung với Quốc hội. Mặc dù những bài phát biểu như vậy thường đi kèm với hoàn cảnh và vẻ tráng lệ quen thuộc, về cơ bản nó không phải là một thông điệp liên bang.
Ai có thông điệp liên bang dài nhất trong lịch sử?
Theo Văn phòng Thư ký Hạ viện Mỹ, Tổng thống Harry Truman là người đọc bài diễn thuyết thông điệp liên bang dài nhất trong lịch sử. Vào năm 1946, thông điệp liên bang của ông dài đến hơn 25.000 từ. Trong khi đó, bài phát biểu trung bình của các đời tổng thống Mỹ hiện nay chỉ vào tầm 5.000 từ. Tổng thống George Washington nhận danh hiệu có thông điệp liên bang ngắn nhất vào năm 1970 với 833 từ.