Vì sao nguy cơ nhiễm cúm A H7N9 ở Việt Nam rất cao?
Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT cũng như đại diện nhiều Bộ, ngành khác trong cuộc Hội thảo triển khai công tác phòng, chống virus cúm A H7N9 diễn ra sáng 13/4
Vì sao nguy cơ virus này xuất hiên ở nước ta là rất lớn?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Việt Nam là nước có đường biên giới chung với Trung Quốc khá dài, trên 1300 km, vấn đề vận chuyển, nhập lậu gia cầm qua biên giới hết sức phức tạp khó có khả năng ngăn chặn. Việc giao lưu đi lại của người dân giữa 2 quốc gia là rất lớn, trong khi đó cộng đồng chưa có miễn dịch vì vậy nguy cơ lây nhiễm là rất cao. Ngoài ra, chúng ta còn phải đối phó với dịch cúm A H5N1 vì thế công tác phòng chống dịch và giám sát được đặt ra rất cấp bách.
Hiện nay, hầu hết mọi người chưa có miễn dịch do đây là chủng virus mới.
Cả hai Bộ trưởng đều cho rẳng: nguy cơ nhiễm cúm A H7N9 ở Việt Nam là rất cao. Ảnh NL |
Dịch cúm này có nguy cơ xâm nhập, làn truyền và bùng phát dịch rất cao ở nước ta vì chủng virus mới cúm A H7N9 chưa từng gây bệnh cho người, có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm. Hơn nữa, đã phát hiện virus cúm A H7N9 trên chim bồ câu bán tại chợ Trung Quốc nhưng chưa có bằng chứng về việc virus cúm A H7N9 lây tuyền từ gia cầm sang người hoặc từ người sang người.
Đặc biệt, PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: Tình hình dịch tại Trung Quốc liên tục gia tăng, diễn biến phức tạp, rải rác nhiều tỉnh (ca bệnh đầu tiên được xác định vào ngày 29/3/2013 ở Thượng Hải. sau đó số người mắc tiếp tục tăng lên từng ngày trên 4 tỉnh thành phố của Trung Quốc là Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, hiện nay Thượng Hải đã có 18 người nhiễm và 6 người tử vong). Tính đến hết ngày 12/4 thì tổng số ca nhiễm virus cúm A H7N9 ở Trung Quốc là 43 ca, trong đó 11 ca đã tử vong. Diễn biến phức tạp này gây khó khăn trong việc kiểm soát sự lây truyền và khống chế dịch.
Cùng với những khó khăn trên thì đặc tính của virus cúm A dễ biến đổi, tính thích nghi cao của chủng A H7N9. Vì vậy, nguy cơ lây nhiễm từ người sang người là có thể xảy ra.
Phát biểu tại buổi Hội thảo, Tiến sĩ Takeshi Kasai, Trưởng đại diễn của WHO tại Việt Nam cho biết: “mặc dù hiện nay vẫn chưa xác định được nguồn lây và cơ chế lây truyền của virus cúm A H7N9 nhưng WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ các cơ sở y tế, cán bộ và cộng đồng Việt Nam trong việc cảnh báo và sẵn sàng phòng chống dịch cúm A H7N9”.
Tình hình dịch bệnh cúm A H5N1 và cúm A H7N9 tại Việt Nam
Theo báo cáo của Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Dịch bệnh cúm A H5N1 được ghi nhận tại 15 quốc gia trên thế giới trong giai đoạn 2003 – 2013 với 623 trường hợp mắc và 372 trường hợp tử vong. Việt Nam là nước có số ca mắc cao thứ 3. Nguy cơ virus lây từ gia cầm sang người, tái tổ hợp và gây đại dịch là rất lớn.
Tại Việt Nam, số ca mắc và tử vong do bệnh cúm A H5N1 năm 2013 ghi nhận là 1 trường hợp mắc và tử vong. Tích lũy có 124 ca mắc và 62 ca tử vong (tỷ lệ tử vong/mắc bệnh là 50%). Hiện có một ổ dịch trên gia cầm tại Đồng Tháp và trên chim Yến tại Ninh Thuận. Số trường hợp mắc trên người sẽ có thể tiếp tục gia tăng do các ổ dịch cúm trên gia cầm, thủy cầm, chim vẫn xảy ra rải rác, việc xử lý triệt để ổ dịch ở các loài chim là khó khăn và hiện tượng nhiễm virus không biểu hiện bệnh ở thủy cầm.
“Tính đến ngày 12/4/2013 tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người cũng như trên gia cầm. Chưa có thông tin về nguồn lây bệnh rõ rẳng cũng như chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người chỉ biết rằng, virus cúm A H7N9 ở người có nguồn gốc gen từ virus cúm gia cầm. Điều này hoàn toàn ngược lại so với những loại cúm trước: phát hiện dịch bệnh từ gia cầm rồi mới phát hiện trên người nhưng virus cúm này lại phát hiện trên người trước mới xét nghiệm và phát hiện nó trên gia cầm và một số loại chim”, Ông Phu nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Nguy cơ virus lây từ gia cầm sang người, tái tổ hợp và gây đại dịch là rất lớn. Ảnh NL |
Các Bộ, ngành cần làm gì để phòng chống dịch bệnh lây lan và bùng phát?
Bên cạnh công tác chuẩn bị cho việc phòng, chống cúm A H7N9 đã làm, Bô Y tế cũng đề nghị các Bộ, ngành và địa phương tích cực vào cuộc và đồng loạt hành động.
Theo đó, Bộ NN&PTNT cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm A H7N9 trên các đàn gia cầm, xử lý triệt để các ổ dịch và thông báo kịp thời cho Bộ Y tế để triển khai các hoạt động phòng chống dịch lây lan sang người…
Bộ Công thương cần tăng cường công tác quản lý thị trường, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa được kiểm dịch lưu thông trên thị trường đặc biệt là các chợ đầu mối.
Thực hiện điều tra ngăn chặn và thực hiện bắt giữ, xử lý nghiêm khắc các đối tượng buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật là nhiệm vụ chủ yếu của Bộ Công an.
Nhiệm vụ khẩn trương và cấp bách mà Bộ tư lệnh bộ đội biên phòng cần làm là phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm, tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của dịch cúm A H7N9….
Đồng thời với các Bộ thì Bộ Y tế cũng Đề nghị các chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuông Trung Ương chỉ đạo ngành y tế phối hợp với các ban ngành liên quan xây dựng kế hoạch liên ngành phòng chống cúm A H7N9, giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh trên gia cầm và ở người. Tổ chức kiểm tra và tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch, sẵn sàng phòng tránh tại các địa phương…
Theo nghiên cứu trên những người đã mắc thì người mắc có độ tuổi tử 4 đến 87 tuổi, trong đó, độ tuổi mắc bệnh cao ở nhóm tuổi từ 60 - 69 tuổi, nhóm tuổi từ 10 – 19 chưa ghi nhận trường hợp mắc nào.
Tỷ lệ chết do mắc bệnh cúm A H7N9 hiện nay là 26% và số người mắc cúm chủ yếu là nam giới (nam giới chiếm 71%). Thời gian từ ngày khởi phát đến khi xác định trung bình là 10,76 ngày.
Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng, ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng.