Vì sao ngày càng nhiều quan chức nước ngoài rời khỏi Triều Tiên?
Nguyên nhân khiến ngày càng nhiều nhà ngoại giao nước ngoài rời khỏi Triều Tiên được cho xuất phát từ tình trạng thiếu các nhu yếu phẩm cần thiết.
Vào tháng 11, hoạt động trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Triều Tiên tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tháng liên tiếp.
Theo Kyodo, hôm 24/12, các chuyên gia đối ngoại nhận định đây là hậu quả của việc chính quyền Bình Nhưỡng cho tăng cường những biện pháp nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Binh lính Triều Tiên làm nhiệm vụ canh gác ở đảo Hwanggumpyong trên sông Áp Lục. (Ảnh: Kyodo) |
Hoạt động trao đổi thương mại gần như bị đóng băng hoàn toàn khiến nguồn cung các mặt hàng thiếu yếu tại Triều Tiên cũng rơi vào khủng hoảng. Một nguồn tin cho biết, điều này khiến ngày càng nhiều nhà ngoại giao và quan chức nước ngoài rời khỏi thủ đô Bình Nhưỡng để về nước trong thời gian gần đây.
Theo thông tin được Tổng Cục Hải quan công bố hôm 23/12, tổng giá trị thương mại giữa Trung – Triều đã giảm mất 23% so với tháng 10, xuống còn 1.27 triệu USD trong tháng 11. Giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Triều Tiên cũng giảm 42% còn 148.00 USD trong tháng 11.
Kể từ đầu năm nay, Triều Tiên đã cho cắt đứt hoạt động đi lại hai chiều với Trung Quốc và Nga nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Triều Tiên vẫn khẳng định cho tới nay, nước này chưa phát hiện bất cứ ca mắc Covid-19 nào.
Lâu nay, Trung Quốc được biết tới là đồng minh thân cận nhất và là nền kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với Triều Tiên. Cụ thể, nền kinh tế Triều Tiên phụ thuộc tới hơn 90% vào hoạt động giao thương với Trung Quốc.
Dù hoạt động thương mại với Trung Quốc được xem là nguồn thu ngoại tệ chính với Triều Tiên, nhưng chính quyền Bình Nhưỡng thời gian gần đây vẫn nhấn mạnh cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và cách ly nhất là trước thời điểm diễn ra cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 1/2021.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân Mỹ - Triều rơi vào bế tắc cùng việc bị áp đặt hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế, Triều Tiên được cho đang gặp vô vàn khó khăn trong hoạt động cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cuộc sống người dân.
Việc tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng xuất phát từ thực tế Covid-19 là căn bệnh dễ lây lan. Do đó, đối với một quốc gia thiếu nguồn cung thực phẩm và thuốc men như Triều Tiên, nếu dịch bùng phát, chính quyền Bình Nhưỡng sẽ không thể đối phó.
Trong quá khứ, Triều Tiên từng cấm các nhà ngoại giao quốc tế nhập cảnh trong giai đoạn xuất hiện dịch SARS năm 2003 và dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014.
Dịch Covid-19 lần đầu tiên xuất hiện ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc vào cuối năm 2019. Từ tháng Ba năm nay, nhiều nhà ngoại giao và quan chức thuộc các tổ chức quốc tế cũng đã rời khỏi Bình Nhưỡng để về nước.
Nguyên nhân gì khiến kinh tế Triều Tiên kiệt quệ hơn cả lệnh trừng phạt?
Việc Triều Tiên đóng cửa các đường biên giới để ngăn chặn dịch bệnh khiến nền kinh tế nước này chịu tổn thất nặng nề hơn cả tác động từ lệnh trừng phạt quốc tế.
Minh Thu (lược dịch)