Vì sao Nga tránh đối đầu với Mỹ tại Syria?
Tại Iraq và Syria, một số nguồn tin cho rằng máy bay của Anh đã được phép giao chiến với máy bay Nga ở Iraq nếu bị đe dọa. Anh đã bác bỏ những thông tin trên, nhưng họ không phủ nhận máy bay của liên quân và Nga sẽ còn đối đầu nhau.
Một số ứng cử viên Tổng thống Mỹ, đơn cử như nghị sĩ đảng Dân chủ và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi liên quân thiết lập khu vực cấm bay ở phía Bắc Syria, một động thái được cho là nhằm kìm hãm chiến dịch không kích của Nga.
Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu máy bay Nga và Mỹ thực sự giao chiến với nhau ở Syria? Mỹ cho rằng, câu trả lời nằm trong những thông tin của một điệp viên thời Chiến tranh Lạnh có tên là Adolf Tolkachev.
Một máy bay Su-35 của Nga. |
Vào đầu và giữa thập niên 1980, Tolkachev, lúc đó là người đứng đầu viện nghiên cứu vũ khí của Liên Xô, đã cung cấp cho CIA những thông số của các hệ thống rađa trên máy bay Nga sẽ được áp dụng trong một thập kỷ tiếp theo.
Những thông tin của Tolkachev đã cho phép các quan chức tham mưu dự đoán trước khả năng của các máy bay do Liên Xô chế tạo. Thông tin của Tolkachev đã giúp Mỹ chế tạo các công nghệ nhằm tránh được các loại rađa trên máy bay của Liên Xô.
Đây là một trong những lý do máy bay Mỹ vượt trội hơn so với các máy bay do Liên Xô chế tạo kể từ khi Liên Xô tan rã. Trong cuộc Chiến tranh Vùng vịnh năm 1991, máy bay Mỹ được cho là đã bắn hạ rất nhiều các phi cơ tiêm kích do Liên Xô sản xuất, mặc dù quân đội Iraq lúc đó là một trong những lực lượng lợi hại nhất Trung Đông.
Máy bay Mỹ cũng đạt những kết quả tương tự khi đối đầu với các máy bay thời Liên Xô ở Nam Tư cũ trong cuộc xung đột diễn ra vào năm 1990.
Ông David E. Hoffman, một trong những tác giả về thời Chiến tranh Lạnh nổi tiếng của Mỹ đã nhận định, nhờ có những thông tin của Tolkachev, “Mỹ đã chiếm ưu thế so với các loại máy bay chiến đấu của Liên Xô trong vòng hơn hai thập kỷ”.
Nga cho biết đã không kích nhiều mục tiêu của IS. |
Thông tin của Tolkachev vẫn còn được áp dụng đến ngày nay, trong những tình huống mà máy bay Mỹ có thể đối đầu với các máy bay Liên Xô được chế tạo trong những năm 1980 và đầu năm 1990. Thậm chí, nó cũng có thể áp dụng đối với các loại máy bay mới hơn của Nga.
Ví dụ, máy bay chiến đấu đa chức năng Su-34, hiện đang có 4 chiếc hoạt động tại Syria, chỉ mới chính thức đưa vào sử dụng trong quân đội vào năm 2014. Ngoài ra, Nga cũng có máy bay Su-30 ở Syria. Cả hai loại này đều là những phiên bản kế tiếp của máy bay Su-27, và những thông số rađa của nó đã bị Tolkachev cung cấp cho Mỹ.
“Tôi tin rằng phần lớn những gì Tolkachev đã gửi cho Mỹ vẫn còn được sử dụng và vẫn bị coi là tuyệt mật”, ông Hoffman nói. “Mặc dù sự việc này đã xảy ra gần 3 thập kỷ, rất có thể nhiều thông tin trong đó vẫn còn rất quý giá”.
Thông tin của Tolkachev đã giúp Mỹ khẳng định sức mạnh của mình trước các máy bay Nga, và nếu như xung đột xảy ra ở Syria, nó có thể sẽ khiến Nga phải gặp nhiều khó khăn.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…