Vì sao Nga nên cảm ơn Mỹ về lệnh trừng phạt mới?
Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Trong bài báo mới đây trên tờ Forbes, nhà bình luận Wade Shepard viết: sự tái lập quan hệ kinh tế cũng như chiến lược giữa Nga và Iran chính là một ví dụ sinh động cho thấy đòn trừng phạt Nga của Quốc hội Mỹ cuối cùng đã “đánh thẳng” vào chính chân mình.
Là hai nước đang trong hoàn cảnh"ngồi trên một thuyền" do cùng chịu các biện pháp trừng phạt từ các nhà lập pháp Mỹ, Moscow và Tehran đang tích cực phát triển hợp tác. Một vài ngày trước họ đã có một thỏa thuận về hợp tác sản xuất xe ô tô chở khách trị giá 2,5 tỷ USD.
Trước đó họ cũng ký thỏa thuận trong các lĩnh vực khác. Iran đã đặt mua thiết bị quân sự Nga - đặc biệt là máy bay trực thăng Mi-17 và các hệ thống tên lửa.
Về phần mình, các công ty dầu mỏ và khí đốt của Nga đang tích cực hoạt động tại Iran. Trong tháng Sáu vừa rồi, Tập đoàn Gazprom của Nga đã nhận được một hợp đồng khai thác mỏ khí Farzad B.
Kim ngạch thương mại giữa Nga và Iran trong năm 2016 đã tăng gấp đôi. Như tạp chí Forbes cho biết, nó có thể sớm vượt quá 10 tỷ USD. Trong năm 2014, kim ngạch này chỉ đạt con số "ít ỏi" là 1,68 tỷ USD.
Ông Shepard nhấn mạnh, rằng các công ty Mỹ cũng chỉ đủ khả năng hợp tác tại hai lĩnh vực với Iran – đó là: thảm Ba Tư và máy bay chở khách thương mại. Bởi vướng lệnh trừng phạt nên Mỹ không thể "lấy một mảnh của chiếc bánh" từ nước Cộng hòa Hồi giáo đang phát triển nhanh này được.
Bên cạnh đó, Washington cũng tác động mạnh đến các công ty châu Âu liên quan đến giao dịch với Tehran. Chính vì thế, theo một số nguồn tin, công ty Total của Pháp và một số công ty phương Tây khác không thể tiếp cận với thị trường Iran do thiếu sự cho phép của Mỹ. Do đó, Nga có rất nhiều cơ hội ở đây.
Nhà bình luận chỉ ra, rằng trong thời đại thương mại và đầu tư quốc tế quy mô lớn như hiện nay thì các nước đều có đòn bẩy và khả năng ảnh hưởng lẫn nhau do tích cực hoạt động kinh tế và các dự án chung.
Tác giả bài báo đi đến kết luận: "Nước nào áp đặt biện pháp trừng phạt, thì thực tế lại đang tự loại mình khỏi cuộc chơi, tạo cơ hội cho đối thủ tích lũy sự giàu có và bổ sung quyền lực.Trung Quốc biết điều đó, Nga cũng hiểu quá rõ. Và những gì ông Putin cần làm, có lẽ là phải cảm ơn Quốc hội Hoa Kỳ ..".
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Nga sẽ hưởng lợi từ các lệnh cấm vận mới của Mỹ
Trong một diễn biến liên quan, tờ The Natonal Interest của Mỹ mới đây đã cho đăng tải bài phân tích của giáo sư Angela Stent thuộc trường Đại học Georgetown về các lệnh cấm vận mới chống Nga của Mỹ. Theo đó, các lệnh cấm vận này không những không đem đến tổn thất nào đáng kể cho Nga mà ngược lại, các lệnh cấm vận này sẽ đem đến tổn thất cho chính nước Mỹ.
“Dự thảo luật cấm vận Nga sẽ đem đến tổn thất cho chính nước Mỹ và các đồng minh của Mỹ vì các lệnh cấm vận trong đó tác động trực tiếp đến các công ty của Mỹ và đồng minh đang có hợp tác với các công ty năng lượng của Nga”- giáo sư giải thích.
Cụ thể, các lệnh cấm vận này có liên quan đến việc hợp tác giữa các công ty châu Âu và Mỹ trong triển khai thực hiện dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc-2” của Nga. Đức coi dự án này như là cách thức có lợi nhất trong đảm bảo nhu cầu khí đốt của mình trong tương lai. Ngoài ra, phần lớn các đối tác châu Âu của Đức cũng có quan điểm tương tự như đồng minh của mình.
Chính vì vậy, ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật áp đặt các lệnh cấm vận mới chống Nga vì “can thiệp vào bầu cử Mỹ”, Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và Thủ tướng Áo Christian Kern lập tức bày tỏ sự phản đối với động thái của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng Washington đang cố gắng ép buộc châu Âu phải mua khí đốt của Mỹ nên mới áp đặt cấm vận chống Nga.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cũng bày tỏ quan điểm cứng rắn cho rằng châu Âu sẵn sàng nhanh chóng áp đặt các biện pháp trả đũa nếu như Mỹ thực hiện lệnh cấm vận chống Nga kể trên. Còn Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Brigitte Zypries chỉ trích lệnh cấm vận này, coi đó là sự vi phạm luật pháp quốc tế.
“Một số chính trị gia châu Âu đã cảnh báo rằng nếu như Mỹ tiếp tục thúc đẩy và thông qua dự thảo luật này, châu Âu có thể sẽ xem xét lại quy chế cấm vận của mình mà trước đó đã được thông qua cùng với chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama. Đối với Nga, đây là tín hiệu tốt” – giáo sư Stent nhận định.
Trước đó, hai viện của Quốc hội Mỹ đã thông qua dự thảo luật về áp đặt các lệnh cấm vận mới chống Nga vì “can thiệp vào bầu cử Tổng thống Mỹ. Ngày 2/8, hãng tin Bloomberg dẫn lời một quan chức Nhà Trắng giấu tên cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phê chuẩn dự luật tăng cường trừng phạt Nga.
Sau đó, Tổng thống Nga đã tuyên bố Mỹ sẽ phải cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao Mỹ đang làm việc tại Nga xuống còn 455 người, số lượng phải cắt giảm là 755 người.
Theo quan điểm của giáo sư Stent, các biện pháp đáp trả của Nga có thể kéo theo đó là hàng loạt các lệnh cấm vận mới và quan hệ giữa hai bên sẽ tiếp tục xấu đi.