Vì sao Nga không điều Su-35 đối đầu tiêm kích và UAV Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria?
Theo trang tin Avia.pro, trong suốt hai tuần xảy ra giao tranh căng thẳng giữa quân đội Syria với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nhóm phiến quân được Ankara hậu thuẫn tại tỉnh Idlib, tiêm kích Su-35 Nga hoàn toàn vắng bóng trên chiến trường Syria.
Tiêm kích Su-35 của Nga. (Ảnh minh họa) |
Điều này khiến các chuyên gia đặt ra câu hỏi vì sao Su-35 Nga không tham gia chiến đấu để ngăn chặn các chiến đấu cơ cũng như máy bay không người lái (UAV) Thổ Nhĩ Kỳ xâm phạm không phận và gây ra thương vong lớn cho quân chính phủ Syria.
Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến Nga quyết định không điều động Su-35 đánh chặn chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ là do máy bay Thổ Nhĩ Kỳ không tiến sâu vào không phận Syria, cũng như không triển khai tấn công từ lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ và cũng chỉ xâm phạm không phận Syria trong vài giây.
“Tiêm kích F-16 Thổ Nhĩ Kỳ được ghi nhận xâm phạm không phận Syria, nhưng chỉ tiến vào không phận Syria vài mét, sau đó phóng tên lửa và rời đi. Trong khoảng thời gian này, các chiến đấu Nga không kịp cất cánh. Trên thực tế, bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ đối với các chiến đấu cơ Nga là đầy nguy hiểm. Các chiến đấu cơ Nga tuyên bố chịu trách nhiệm bảo vệ biên giới Syria, nhưng hiện chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ quân đội Nga. Nói cách khác, các máy bay quân sự của không quân Nga chưa được cấp quyền bay vào lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền như Thổ Nhĩ Kỳ”, các chuyên gia nhận định.
Liên quan tới các UAV Thổ Nhĩ Kỳ, giới phân tích cho biết các hệ thống phòng không Syria đã làm rất tốt nhiệm vụ phát hiện và tiêu diệt mục tiêu thù địch. Theo đó, trong vòng 2 tuần, hệ thống phòng không Nga đã bắn hạ ít nhất 40 UAV Thổ Nhĩ Kỳ.
Còn những thông tin liên quan tới việc các đợt tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ gây ra thương vong lớn cho quân đội Syria được xác định chỉ là tin giả. Trong khi đó, khoảng 200 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị thương hoặc thiệt mạng trong quá trình tham chiến ở Syria. Điều này đã phần nào chứng minh năng lực chiến đấu của quân đội Syria trước một trong những thành viên hùng mạnh nhất trong khối quân sự NATO.
Sukhoi Su-35 mà NATO gọi là Flanker-E+ và có tên cũ là Su-27M hay T-10S-70 là máy bay tiêm kích hạng nặng, tầm xa, đa năng, hai động cơ, thế hệ 4++ do Tập đoàn máy bay quân sự Sukhoi phát triển dựa trên thiết kế Su-27 Flanker từ thời Chiến tranh Lạnh.
Giữa những năm 2000, bằng các công nghệ tiên tiến, Sukhoi bắt đầu hiện đại hóa Su-35 thành máy bay tiêm kích thế hệ 4.5. Su-35 được trang bị bằng động cơ phản lực AL-41F1S, cho phép máy bay tấn công từ những góc rất cao, thực hiện các thao tác phức tạp và dễ dàng né tránh tên lửa của đối phương. Su-35 có thể tăng tốc tới 2,25 Mach và bay tới độ cao 18 nghìn mét. Tầm bay xa tối đa của máy bay là 4.500 km.