Vì sao Mỹ không thể ngăn cản Dòng chảy phương Bắc 2?
Nhận định trên do chuyên gia phân tích Igor Yushkov, chuyên gia hàng đầu của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga, đưa ra trong bài trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Sputnik của Nga.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
Trước đó, chính Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đã lên tiếng nói về sự “thực dụng” của Mỹ khi muốn sử dụng các lệnh cấm vận để ngăn chặn dự án xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” của Nga.
“Sự thực dụng nhất của Mỹ là Mỹ muốn sử dụng các lệnh cấm vận để vừa ngăn chặn dự án đường ống đưa khí đốt của Nga sang châu Âu, vừa muốn gây áp lực để châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Mỹ”- Thủ tướng Nga Medvedev nhấn mạnh. Theo Thủ tướng Nga, chính quyền và Quốc hội Mỹ đã thông qua các lệnh cấm vận để “đẩy lùi các nhà cung cấp Nga ra khỏi thị trường châu Âu để nhảy vào thị trường này”.
Thủ tướng Medvedev cũng nhấn mạnh rằng quyết định cuối cùng của EU về thỏa thuận bổ sung cho dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” cần phải được chính Ủy ban châu Âu và từng quốc gia châu Âu thông qua, chứ không phải là Mỹ.
Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia Igor Yushkov nhấn mạnh rằng các lệnh cấm vận của Mỹ là một kiểu cạnh tranh không lành mạnh.
“Chính người Mỹ đã tự công nhận một cách thô bỉ rằng các lệnh cấm vận mới chống “Dòng chảy phương Bắc 2” được áp dụng chủ yếu là nhằm để đưa khí hóa lỏng của Mỹ đến thị trường châu Âu. Ngăn cản dự án này cũng đồng nghĩa với việc sẽ làm tăng giá khí đốt ở châu Âu để Mỹ kiếm được nhiều lợi nhuận nhất khi đưa khí hóa lỏng của mình đến thị trường này. Do đó, các lệnh cấm vận của Mỹ chống dự án khí đốt của Nga là sự cạnh tranh không lành mạnh”- chuyên gia Yushkov nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Yushkov cũng khẳng định rằng hàng loạt quốc gia châu Âu, nơi mà các yếu tố kinh tế có phần quan trọng hơn chính trị, đang có quan điểm rất tích cực đối với “Dòng chảy phương Bắc 2” của Nga.
Dự án khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 |
“Họ (các nước châu Âu) đang mong muốn thông qua dự án này để có được nguồn cung khí đốt ổn định và với giá thành thấp. Chính vì vậy, Đức kiên quyết bảo vệ quyền được xây dựng các đường ống của “Dòng chảy phương Bắc 2” thông qua đàm phán trực tiếp với Tập đoàn Gazprom của Nga. Chính vì vậy, châu Âu sẽ khó có thể hủy bỏ dự án này. Khi dự án này càng được thúc đẩy thì sẽ càng khó (cho Mỹ) trong “chọc gậy bánh xe” với dự án”- chuyên gia Igor Yushkov nhấn mạnh.
Theo chuyên gia Nga, sở dĩ Mỹ sẽ khó có thể “chọc gậy bánh xe” với dự án này là do châu Âu đang cần khí đốt giá rẻ và ổn định của Nga. Hơn nữa, Gazprom đã căn cứ vào luật pháp châu Âu để đề nghị lắp đặt các đường ống dẫn dưới đáy biển Baltic rồi đi vào các quốc gia này.
Các nước châu Âu đã cam kết sẽ cấp giấy phép cho dự án của Nga. Do đó, cơ hội để Nga và các nước châu Âu triển khai thực hiện dự án này là rất cao và Mỹ sẽ khó có cơ hội can thiệp vào. Rất nhiều quốc gia châu Âu, điển hình là Đức, đã công khai bày tỏ sự tức giận đối với các lệnh cấm vận của Mỹ chống dự án khí đốt này của Nga nên sẽ không tuân theo các lệnh cấm của Mỹ.
Dự án khí đốt “Dòng chảy phương Bắc 2” là dự án xây dựng 2 nhánh của tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua đáy biển Baltic sang Đức. Khi vận hành, đường ống này có công suất vận chuyển là 55 tỷ mét khối khí đốt/năm.