Vì sao hải quân Trung Quốc xuất hiện ở Địa Trung Hải?
Vì sao hải quân Trung Quốc xuất hiện ở Địa Trung Hải?
Yếu tố quan trọng góp phần vào sự mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc là sự thay đổi trong những năm gần đây từ lực lượng quân đội với các lực lượng chính quy là trọng tâm của Mao Trạch Đông sang lực lượng quân đội nơi mà các ngành vũ trang khác như Không quân (PLAAF), Hải quân (PLAN) và Quân đoàn pháo binh số 2 (SAC) được trao quyền tự do hành động lớn hơn.
Đặc biệt là lực lượng Hải quân Quân đội giải phóng nhân dân (PLAN) do phát triển cùng với những tham vọng trở thành một cường quốc của Bắc Kinh nên lực lượng này không chỉ có quyền “giương cao thanh thế” cho toàn thể quốc gia như khi làm nhiệm vụ chống hải tặc ngoài khơi vịnh Aden mà còn góp phần phát triển các sứ mệnh chiến lược của Trung Quốc.
Tàu khu trục Type 052 "Thanh Đảo" (số hiệu 113) |
Điều này được chứng minh rõ ràng khi PLAN hộ tống hạm đội bao gồm tàu khu trục Type 052 "Thanh Đảo" (số hiệu 113), tàu tên lửa khu trục Type 054A “Yantai” (số hiệu 538), và tàu phụ trợ tiếp dầu "Weishanhu" (số hiệu 887) vượt qua kênh đào Suez, với sự cho phép của Ai Cập, tới Địa Trung Hải (theo báo cáo của truyền thông Ai Cập).
Mặc dù các phương tiện truyền thông Ai Cập ban đầu cho biết các tàu này có thể sẽ tổ chức tập trận tại vùng Địa Trung Hải nhưng sau đó Ai Cập cũng như các phương tiện truyền thông Trung Đông lại cho biết các tàu này vẫn tiếp tục đi qua Dardanelles tới Ukraine.
Hồi tháng 6, các phương tiện truyền thông Trung Đông đưa tin, các tàu của PLAN đang có kế hoạch tham gia tập trận hải quân ngoài khơi bờ biển Syria cùng với các lực lượng hải quân Syria, Nga, và Iran (Nga và Syria sau đó đã từ chối tham gia cuộc tập trận này).
Giống như Bắc Kinh, Matxcơva phản đối sự can thiệp của nước ngoài tại Syria, và hồi giữa tháng 7 đã gửi một đội gồm 11 tàu chiến đến Địa Trung Hải, và gửi thêm một số tàu nữa tới đây vào cuối tháng đó. Nga cho rằng tàu chiến của Nga không tham gia vào các nhiệm vụ Syria, mà chỉ đang chuẩn bị cho các cuộc tập trận Kaskad-2012 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9 tới.
Về phần mình, Tehran, một đồng minh khác của Bắc Kinh, đang lo sợ về khả năng thay đổi chế độ ở Syria, một phần vì Syria dưới quyền kiểm soát của al-Assad đang là một cầu nối quan trọng để đưa những hỗ trợ của Iran tới Hezbollah ở Lebanon.
Mặc dù có vẻ như cuộc tập trận chung sẽ không diễn ra vào thời điểm này nhưng có một điều chắc chắn là việc xuất hiện của các tàu của PLAN và Nga tại khu vực này không phải là trùng hợp ngẫu nhiên mà là một sự răn đe đối với việc can thiệp của các cường quốc phương Tây vào cuộc khủng hoảng Syria.
Vì những lý do hiển nhiên, hoạt động của các tàu chiến Trung Quốc trong khu vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, đặc biệt là khi mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đang ngày càng căng thẳng vì các tranh chấp ở biển Đông.
Càng có nhiều điểm xung đột và va chạm thì nguy cơ xảy ra các cuộc đụng độ càng tăng. Và khi đó, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh vốn đã có xu hướng coi Trung Quốc là “nạn nhân” sẽ coi một cuộc đụng độ là một kế hoạch nhằm vào mình, để rồi sau đó tiến hành trả đũa với lý do đơn thuần là tự vệ.
Mặc dù vẫn còn quá sớm để cho rằng Trung Quốc đang có biểu hiện bành trướng nhưng chúng ta đang thấy sự xuất hiện và ngày càng mạnh mẽ của một sức mạnh mới với mục tiêu hướng tới các vùng biển trên toàn cầu, với những chiến lược thường đối lập với các nước phương Tây.
Những hiểu lầm và rủi ro rất dễ xảy ra. Ví dụ, mặc dù không trực tiếp tham gia vào chiến sự, các tàu của PLAN và Nga có thể sẽ cố gắng để tạo ra một đường rào trên biển nhằm ngăn chặn tàu của các nước phương Tây tiến vào Syria tiến hành các hành động quân sự hoặc ngăn chặn các lệnh cấm vận. Những hành động như vậy có thể dẫn đến các phản ứng dây chuyền, mà âm vang của nó có thể “dội lại” khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Phạm Khánh