Vì sao F-35 không phải đối thủ của tiêm kích Sukhoi?
Được chế tạo để trở thành phi cơ tìm diệt lợi hại nhất mọi thời đại, thế nhưng F-35 đã trở thành kẻ bị tìm và diệt.
Trong mọi tình huống F-35 giao chiến với Su-30, phi cơ Nga luôn là kẻ chiến thắng. Máy bay tàng hình mới nhất của Mỹ, giá 191 triệu USD, có đầy những lỗi thiết kế đến nỗi nếu chiến đấu thật, F-35 sẽ bị Sukhoi tiêu diệt ngay lập tức.
Hai cánh thô kệch (giảm độ nâng và khả năng điều khiển của máy bay), thân máy bay hơi phình to (khiến máy bay giảm tính khí động học), tốc độ chậm và động cơ cực nóng (khiến máy bay dễ bị rađa địch phát hiện) chỉ là một vài trong số những lỗi lớn có thể khiến những điểm yếu của máy bay bị bộc lộ trong những trận không chiến.
Với hơn 600 máy bay Sukhoi (tên NATO là Flanker, bao gồm Su-27 và những thế hệ tiếp theo) được sử dựng trên toàn thế giới, số phận của phi cơ thế hệ thứ năm F-35 của Mỹ có vẻ mù mờ.
Các chuyên gia hàng không trên thế giới gần như có chung quan điểm rằng sản phẩm của chương trình sản xuất phi cơ chiến đấu đắt tiền nhất của Mỹ (lên đến gần 1,5 nghìn tỷ USD) sẽ là mồi ngon cho các máy bay Sukhoi.
Su-30 - hung thần của F-35? |
Kỹ sư hàng không Pierre Sprey trả lời trong một buổi phỏng vấn rằng F-35 “không khác gì một con gà tây”.
Ít người trên thế giới hiện nay có thể phán xét về máy bay tiêm kích như Sprey. Ông là đồng thiết kế của phi cơ F-16 Falcon và máy bay chống tăng A-10 Warthog, hai loại máy bay được ưa chuộng nhất của Không lực Hoa Kỳ.
Ông Winslow T.Wheeler, giám đốc Trung tâm Thông tin Quốc phòng, trưởng Dự án Cải cách Quân sự Straus, tán đồng quan điểm trên. Ông nói, “F-35 quá nặng và chậm chạp để có thể trở thành một chiếc phi cơ đáng tin cậy. Nếu chúng ta phải đối mặt với một lực lượng không quân thực thụ, chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn”.
Cho đến giờ Mỹ vẫn còn may mắn khi họ chưa thực sự đối mặt với một đội quân thực thụ nào. Trên vùng trời của Iraq, Libya và Afghanistan, máy bay Mỹ hoạt động mà không gặp trở ngại. Nhưng may mắn sẽ chẳng tồn tại lâu, bởi nếu họ gặp phải không quân Nga, Trung Quốc hay Ấn Độ thì kết quả sẽ không tốt đẹp như ở mấy nước kia.
Cụ thể là, Không quân Ấn Độ đã đánh bại phi cơ thế hệ thứ tư tân tiến của Không lực Hoa Kỳ bằng các loại phi cơ cũ hơn. Vấn đề lớn nhất của F-35 là các nhà thiết kế chú trọng vào khả năng tàng hình và hoạt động rađa tầm xa để bù lại sự thiếu tốc độ và thiếu linh hoạt khi bay. Nhưng tàng hình ở loại máy bay này không phải là áo choàng tàng hình ma thuật.
Thêm nữa, các loại rađa của Nga vốn đã rất tuyệt vời, nay lại càng tuyệt vời hơn. Báo chí Nga đưa tin “Hiện nay, các rađa chính đã được nâng cấp và được lắp lên các hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại nhất của Nga, còn hệ thống IRST (hệ thống quét và theo dấu bằng tia hồng ngoại) được lắp đặt trên các máy bay Nga và Châu Âu đang ngày càng có tầm phát hiện kẻ địch xa hơn đối với các loại máy bay tàng hình. Rađa trên các phi cơ sẽ có tầm xa 46km vào năm 2020 và có thể phát hiện được những máy bay siêu tàng hình như F-22, cùng với các hệ thống IRST có tầm xa 92km hoặc hơn nhằm phát hiện các loại tên lửa không đối không tầm trung trên trời cũng như những máy bay ít có khả năng chống hồng ngoại”.
Ngoài ra, ngoài chiến trường sẽ không chỉ có một rađa. Ông Sprey nói: “Ngoài đó có rất nhiều rađa. Anh không thể tránh được hay vô hiệu hóa mọi loại rađa hiện có. Lúc nào cũng sẽ có những rađa ở dưới đất cũng như ở trên trời, tất cả đều nhìn thấy anh”.
Một vấn đề nữa với máy bay F-35 là hình dáng của nó. Sprey cho biết, “Phần lớn các loại phi cơ chất lượng cao đều có hình dáng rất đẹp nhằm hạn chế sức cản của không khí. Nhưng với máy bay này, vì đặt nặng khả năng tàng hình mà máy bay có hình dáng rất tròn, to lớn vì nó phải mang nhiều vũ khí bên trong, vì nếu để vũ khí bên ngoài thì rađa sẽ phát hiện ra. Đây là điểm yếu đối với tính hiệu quả của máy bay, có dáng vẻ to và kềnh càng như máy bay thả bom vậy”.
Việc giảm không gian chứa vũ khí cũng đồng nghĩa với việc các nhà thiết kế hãng Lockheed-Martin ký giấy báo tử cho F-35. Máy bay chỉ mang 2 quả bom lớn và 4 quả nhỏ, và có tổng cộng 4 tên lửa không đối không tầm siêu xa (BVR).
Không lực Hoa Kỳ khẳng định rằng rađa hiện đại của F-35 sẽ phát hiện máy bay địch trước và có thể tiêu diệt địch bằng một trong số 4 tên lửa siêu xa nó có. Nhưng số lượng máy bay bị tiêu diệt bởi loại tên lửa này rất hiếm và dường như chỉ là thứ nằm trong mơ hiện nay.
Thực tế, việc lệ thuộc vào rađa và tên lửa không đối không có thể nói là bước đi tự sát, giống như sự việc đã từng xảy ra trước đây. Trong Chiến tranh Việt Nam, Không lực Hoa Kỳ yêu thích ý tưởng không chiến bằng tên lửa siêu xa đến nỗi các phi cơ F-4 chỉ được trang bị tên lửa. Thế nhưng khi Không quân Việt Nam liên tục bắn rơi hàng loạt F-4, người Mỹ phải trang bị thêm súng máy cho phi cơ này.
Hiện nay, dù nước Nga là nước có số lượng tên lửa tầm siêu xa tân tiến và nhiều chủng loại nhất, nhưng các máy bay Sukhoi vẫn được trang bị ít nhất 8 tên lửa vì lý do rất đơn giản là cần rất nhiều phát bắn mới có thể thực sự hạ được mục tiêu.
Trên lý thuyết, phi công Mỹ sẽ lái phi cơ và hạ gục máy bay địch ở tầm xa 1000km. Trên thực tê, không chiến cũng tương tự như đấu dao vậy. F-35 nhiều khả năng sẽ phải chống lại rất nhiều kẻ địch ở tầm khá gần và phải chống lại địch được trang bị với những tên lửa tầm xa có tính chính xác cao.
Không như F-22, F-35 được coi là kém so với dòng máy bay Su-30 về tầm nhìn quan sát từ buồng lái. Máy bay địch có nhiều loại tên lửa lớn, cộng với khả năng di chuyển tuyệt vời của phi cơ Sukhoi, cho phép Su-30 lợi thế không hề nhỏ trong không chiến hiện đại.
Theo như kế hoạch của hãng Lockheed-Martin, chiếc F-35 chứa nhiều vũ khí sẽ thay thế tất cả các loại phi cơ chiến đấu cũng như phi cơ đánh bộ khác.
Tuy nhiên, vấn đề nằm ở đây. Bởi F-35 rất đắt tiền, không quân các nước sẽ hạn chế mua nó. Ví dụ, Nhật Bản hiện có 100 chiếc F-15 nhưng sẽ chỉ thay chúng với 70 chiếc F-35. Một lần nữa, vì giá thành bay cũng như bảo dưỡng phi cơ đắt tiền, các không quân sẽ giới hạn giờ bay của phi công. Cụ thể, việc cắt giảm chi tiêu đã khiến Không lực Hoa Kỳ bỏ đi hơn 44.000 giờ bay và cấm bay 17 phi đội.
Ngoài ra, “tàng hình” cũng có giá của nó. Với F-35, phần lớn việc bảo dưỡng sẽ nằm ở lớp tàng hình của máy bay. Ông Sprey cho biết, “Đây là một trở ngại ngớ ngẩn đối với không chiến. Anh ngồi trên mặt đất suốt 50 giờ đồng hồ hiệu chỉnh máy bay để làm nó có thể tàng hình khi mà nó chẳng tàng hình chút nào cả”. Ngoài ra, khả năng sẵn sàng chiến đấu 100% với F-35 là điều không thể. Máy bay của Không lực Hoa Kỳ có tỉ lệ sẵn sàng khoảng 75%, nhưng với các loại máy bay tàng hình, con số này giảm đi rất nhiều. Máy bay đánh bom tàng hình B2A có tỉ lệ sẵn sàng chỉ có 46.7% và phi cơ F-22 chỉ 69%.
Ông Wheeler, người đã quản lý hệ thống an ninh trong nước của Mỹ trong vòng 3 thập kỷ, đưa ra kết luận đối với không quân các nước có nhu cầu mua F-35: “Phi công rồi sẽ có ít kỹ năng hơn vì sẽ ít được huấn luyện hơn, điều này đáng chú ý hơn bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào. Số lượng phi công rồi sẽ giảm đi khi toàn lực lượng thu nhỏ lại do ngân sách, và trong tay họ sẽ là một máy bay chỉ có tác dụng trang trí. Thực sự nó rất vô dụng, nó sẽ làm không quân các nước sử dụng nó phải khốn đốn”.
Cuộc chiến vẫn chưa bắt đầu, nhưng tỉ số hiện là 1-0 nghiêng về phía phi cơ Sukhoi.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Russia & India Report (RIR), ấn bản tại Ấn Độ của website tin tức Russia Beyond the Headlines của Nga.