Vì đâu Mỹ - Trung không tin tưởng nhau?
Theo tờ The Diplomat, phản ứng của Trung Quốc đối với các chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Giám đốc cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ bà Gina McCarthy đến thăm Đài Loan đã chỉ ra rằng mối quan hệ Mỹ-Trung đang tiếp tục có những cái mà các chuyên gia gọi là “mất lòng tin chiến lược”.
Những thông cáo chung giữa Trung Quốc và Mỹ vào các năm 1972, 1979 và 1982 là nền tảng cho mối quan hệ Mỹ - Trung, nhưng cũng đồng thời làm suy yếu đi mối quan hệ giữa hai nước về hai vấn đề quan trọng đó là Đài Loan và Nhật Bản.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc gặp ở Washington hồi năm ngoái. |
Tầm quan trọng của vấn đề Đài Loan trong quan hệ Mỹ-Trung là rõ ràng bởi vì nó là trọng tâm trong cả 3 thông cáo trên. Tuy nhiên, các thông cáo lại chứa ngôn ngữ tạo nên sự ngờ vực trong mối quan hệ hai nước. Ngôn ngữ cho thấy mỗi bên có các giải thích khác nhau và có những quan điểm trái ngược nhau về tương lai chính trị của “Một Trung Hoa”.
Trong thông cáo, Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) cho rằng mình là lãnh đạo hợp pháp của "Một Trung Hoa" và khẳng định lập trường trên để yêu cầu các nhà lãnh đạo Mỹ chấp nhận tính hợp pháp của CPC và trả Đài Loan về cho Trung Quốc.
Quan điểm của Mỹ công nhận CPC nhưng vẫn duy trì một lập trường không rõ ràng rằng chỉ "thừa nhận một chính phủ hợp pháp" của "Một Trung Hoa" mà không chỉ ra đó là chính phủ nào.
Tuy nhiên, sau đó, lập trường mơ hồ của Washington dần trở lên ít mơ hồ hơn khi một số diễn biến liên quan đến mối quan hệ Mỹ - Đài Loan đã trở lên rõ ràng hơn. Những hành động này được cho là đã thể hiện sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ đối với Đài Loan về chính trị, kinh tế, quốc phòng và văn hóa.
Trong thông cáo chung năm 1982, các nhà lãnh đạo Mỹ đã đảm bảo rằng sẽ giảm và tiến đến việc chấm dứt bán vũ khí cho Đài Loan trong khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết sẽ sử dụng giải pháp hòa bình đối với Đài Loan. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc xem việc thảo luận về việc bán vũ khí giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Đài Loan tương đương với sự hỗ trợ chính trị và quân sự chính thức cho Đài Loan.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn bắt tay nhau với vẻ mặt căng thẳng sau cuộc hội đàm ở Bắc Kinh hồi đầu tháng 4/2014. |
Mặc dù Trung Quốc cam kết sử dụng các biện pháp hòa bình, nhưng các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn có quyền sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan, và vào năm 1995 nước này đã xác định có 3 điều kiện để sử dụng vũ lực. Theo quan điểm của Mỹ, một trong những vấn đề chủ yếu là quân đội Trung Quốc vẫn duy trì hơn 1.100 tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại các tỉnh Giang Tây và Phúc Kiến. Điều này không chỉ đe dọa Đài Loan và Nhật Bản, cả hai được cho là cần Mỹ bảo vệ, mà còn cả tài sản quân sự Mỹ tại Nhật Bản.
Nguồn thứ hai gây mất lòng tin giữa Mỹ - Trung là Nhật Bản. Mặc dù mối quan hệ Nhật- Mỹ có tác động lớn đến quan hệ Trung – Mỹ, nhưng chỉ có thông cáo chung Thượng Hải 1972 mới đề cập tới Nhật Bản. Phía Trung Quốc cho rằng: “Trung Quốc phản đối việc chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản phục hồi và mở rộng ra nước ngoài và ủng hộ mạnh mẽ mong muốn của người dân Nhật Bản xây dựng một đất nước Nhật bản độc lập, dân chủ, hòa bình và trung lập”. Phía Mỹ tuyên bố rất coi trọng “mối quan hệ hữu nghị với Nhật Bản; Mỹ sẽ tiếp tục phát triển các mối liên kết chặt chẽ hiện có”. Hai thông cáo chung khác không đề cập gì đến Nhật Bản.
Trong nhận thức của Trung Quốc, Washington là động lực chính của sự hồi sinh và biến đổi của Nhật Bản. Qua thời gian Mỹ đã làm thay đổi lực lượng tự vệ Nhật Bản thành quân đội quốc gia. Và thông qua các mối quan hệ hợp tác chung, Mỹ đã hỗ trợ Nhật Bản trong việc mua và sản xuất các hệ thống vũ khí tiên tiến, một số trong đó có khả năng tấn công.
Trong thông cáo năm 1972 và 1978, cả Mỹ và Trung Quốc đều đồng ý rằng không bên nào nên theo đuổi quyền bá chủ và phạm vi ảnh hưởng. Cả hai thông cáo đều cho rằng: “không nên tìm kiếm quyền bá chủ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và mỗi bên đều phản đối những nỗ lực bởi bất kì nước nào nhằm thiết lập quyền bá chủ như vậy”.
Tuy nhiên, mỗi bên đều cho rằng bên kia đã vi phạm thông cáo chung. Đối với Trung Quốc, các thỏa thuận an ninh Mỹ-Nhật và chiến lược ‘Trục châu Á” của Mỹ chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo Mỹ đang theo đuổi vị trí bá chủ trong khu vực. Trong khi đó phía Mỹ cho rằng Trung Quốc đang muốn chiếm vị trí cường quốc số một thế giới của Mỹ và thiết lập một cấu trúc khu vực mới với Trung Quốc là trung tâm. Ví dụ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tăng cường khả năng quân sự một cách không minh bạch. Mỹ cho rằng khả năng ngày càng tăng của Trung Quốc diễn ra một cách kín đáo cho thấy Trung Quốc có thể là một mối đe dọa. Đáp lại, phía Mỹ đang hợp tác với Nhật Bản, Philippines và Hàn Quốc để tạo ra các trung tâm quyền lực nhằm đối phó và cân bằng sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều khẳng định những ý định cụ thể trong cả 3 thông cáo chung nhưng đồng thời lại theo đuổi những ý định và tăng cường các khả năng khác mâu thuẫn với lập trường ban đầu của họ.
Bởi vì cả 3 thông cáo chung đều chứa nguồn gốc của sự mất lòng tin chiến lược nên các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc có thể xem xét theo đuổi một loạt các sáng kiến quân sự và ngoại giao nhằm xây dựng nền tảng cho một thông cáo thứ tư. Thông cáo thứ tư có thể giúp giảm ngộ nhận, hiểu lầm và tính toán sai lầm giữa các nhà lãnh đạo hai nước. Bằng cách tiếp cận này, hai bên có thể tạo điều kiện cho một sự hiểu biết tốt hơn và tôn trọng hơn đối với lợi ích quốc gia và lâu dài của nhau cũng như những lo ngại về an ninh, giúp xoa dịu những căng thẳng.