Vì đâu điểm tiếng Anh liên tục "đội sổ" nhiều năm liền?
Trước mỗi kỳ thi, giáo viên tiếng Anh nhận được rất nhiều câu hỏi của học sinh về mẹo làm bài để thoát điểm liệt. Thực tế là học sinh ở nhiều nơi không học và không thích môn học này dù đây là môn học hấp dẫn.
Bộ GD-ĐT vừa công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2020 đợt 1. Nhìn chung, mặt bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay được đánh giá là cao hơn năm trước. Song, điều đáng nói là phổ điểm môn Tiếng Anh vẫn tiếp tục “đội sổ”, ở mức thấp nhất trong số các môn thi.
Đây không phải năm đầu tiên môn tiếng Anh đứng cuối bảng, thực tế này đã diễn ra từ nhiều năm nay và vẫn chưa có dấu hiệu khả quan hơn.
Kết quả phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh của cả nước năm 2020 cho thấy có hơn 749.000 thí sinh tham gia thi môn Tiếng Anh. Trong đó điểm trung bình là 4,58 điểm, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,4 điểm. So với năm ngoái, điểm trung bình môn tiếng Anh có nhỉnh hơn - tăng từ 4,36 lên 4,58 điểm.
Cả nước có 543 thí sinh bị liệt bài thi tiếng Anh, tức điểm thi dưới 1, chiếm 0,07%, tăng 1,3 lần so với năm 2019. Đặc biệt, số điểm dưới trung bình cao kỷ lục với 472.000 bài thi, chiếm tỷ lệ hơn 63%.
Trao đổi với VOV.VN về phổ điểm môn tiếng Anh, cô Nguyễn Thanh Hương, giáo viên tiếng Anh hệ thống giáo dục HOCMAI cho biết: “Với tư cách là giáo viên dạy tiếng Anh, tôi thấy buồn khi nhìn phổ điểm năm nay, nhưng không quá bất ngờ vì thực tế nhiều học sinh vẫn chưa thực sự yêu thích môn học này”.
Cô Thanh Hương cho biết, điểm thi môn tiếng Anh có sự khác biệt rõ ràng giữa các địa phương. Ở khu vực thành thị, khi phụ huynh có sự quan tâm đầu tư cho con em học tiếng Anh nhiều hơn, điều kiện tiếp cận với ngoại ngữ tốt hơn, năng lực của các em cũng khá hơn học sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.
“Thực tế hiện nay có nhiều em không xét tuyển đại học bằng môn tiếng Anh, vẫn chưa chú trọng vào môn học này. Các em không học và cũng không thích học. Trước mỗi kỳ thi, tôi nhận được rất nhiều câu hỏi của học sinh về mẹo làm bài để thoát điểm liệt.
Điểm thi năm nay cao hơn so với năm 2019, do đó, khả năng nhiều trường đại học sẽ sử dụng thêm tiêu chí phụ để xét tuyển, không ngoại trừ điểm tiếng Anh sẽ là một trong những tiêu chí phụ đó. Do đó, dù các em không xét tuyển bằng các khối A1, D00 thì điểm tiếng Anh cao vẫn là một thế mạnh”, cô Hương nói.
TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm khảo thí - Đại học quốc gia TP.HCM cũng cho rằng, biểu đồ phân bố điểm thi môn tiếng Anh năm nay giống hệt năm 2019, mặc dù tất cả chỉ số đều có cải thiện hơn năm trước đôi chút nhưng không đáng kể. Với môn tiếng Anh, tình hình chung của cả năm 2019 lẫn 2020 vẫn là điểm trung bình của kỳ thi nằm ở bên trái biểu đồ (dưới điểm 5), số thí sinh dưới điểm 5 chiếm trên 60%, và điểm số có thí sinh đạt nhiều nhất vẫn nằm trong khoảng từ 3 -3.5.
TS Vũ Thị Phương Anh cho rằng phương pháp giảng dạy tiếng Anh cần được nhanh chóng cải thiện, thay đổi. |
Từ những số liệu trên, TS Vũ Thị Phương Anh cho rằng, mặc dù năm học 2019-2020 có nhiều biến động do đại dịch, nhưng kết quả của năm học (chỉ xét riêng môn tiếng Anh) vẫn không bị ảnh hưởng (đề thi môn tiếng Anh năm 2020 vẫn giữ nguyên cấu trúc và có độ khó tương đương).
Mặt khác, hiệu quả giảng dạy môn tiếng Anh trong trường phổ thông vẫn tiếp tục ở mức thấp và cần nhanh chóng có những giải pháp căn bản để cải thiện.
“Chỉ có thể nói rằng chúng ta chưa thực sự tìm được giải pháp hiệu quả để cải thiện cách tổ chức giảng dạy và học tập môn tiếng Anh trong trường phổ thông. Cần có những giải pháp đột phá. Lâu nay chúng ta vẫn chỉ tập trung vào chương trình, sách giáo khoa, thiết bị dạy học, và thi cử. Phương pháp dạy học trong trường chủ yếu nhấn mạnh kiến thức ngôn ngữ, như được phản ánh rất rõ ràng qua đề thi (ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, đọc hiểu).
Tất cả những điều đó đều cần thiết nhưng chưa đủ và chắc chắn là không hiệu quả, vì nó biến một môn học mang tính kỹ năng xã hội, giao tiếp giữa con người với con người thành một hệ thống kiến thức khô khan khiến học sinh chán học. Trong khi đó, lẽ ra môn ngoại ngữ phải là một môn học thú vị, hấp dẫn vì nó giúp học sinh hiểu biết về các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau, đồng thời có khả năng trở thành một công dân toàn cầu, tự tin giao tiếp với cộng đồng thế giới”, TS Vũ Thị Phương Anh lo ngại.
Chuyên gia này cũng cho rằng, để đạt được hiệu quả giảng dạy của môn ngoại ngữ, học sinh cần phải có điều kiện để thường xuyên tiếp cận và sử dụng với ngoại ngữ ngay trong thời gian học tại nhà trường. Nhà trường cần đặc biệt chú trọng năng lực tổ chức lớp học mang tính tích cực, chú ý các hoạt động như xem phim, đọc sách/ truyện bằng tiếng Anh, tổ chức giao lưu, dã ngoại, viết nhật ký bằng tiếng Anh... Để làm được điều này, trước hết giáo viên cũng cần có cơ hội được thường xuyên giao lưu, tiếp xúc với người bản ngữ, với nền văn hóa của ngôn ngữ mình đang giảng dạy, và được thường xuyên tập huấn về năng lực, những phương pháp và kỹ thuật giảng dạy mới nhất.
TS Vũ Thị Phương Anh cho rằng, trong thế kỷ 21 với cuộc cách mạng 4.0 và sự phát triển vượt bậc của ngành AI (trí tuệ nhân tạo), một người trẻ tốt nghiệp THPT thiếu năng lực tiếng Anh cũng gần giống như người không biết chữ ở đầu thế kỷ 19 tại Việt Nam, mọi con đường phát triển đều bị cản trở.
“Từ cuối thế kỷ 20, tôi đã nghe khẩu hiệu “tiếng Anh như một công cụ phát triển” (English as a tool for development) được nhắc đến tại một số nước Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia... . Tôi nghĩ, khẩu hiệu đó đặc biệt đúng cho Việt Nam hiện nay. Tất cả mọi người Việt Nam đều cần phải có ý thức rằng, nếu không có tiếng Anh thì quá trình hội nhập và phát triển của từng cá nhân và của cả đất nước Việt Nam sẽ rất khó khăn, vất vả”, TS Vũ Thị Phương Anh nhấn mạnh.
Theo vov.vn