Vay tiêu dùng “đợi” hành lang pháp lý
Hoạt động “chung” là chưa hợp lý
Trong lĩnh vực vay tiêu dùng hiện nay đang tồn tại sự mâu thuẫn giữa Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Dân sự, gây nhiều tranh cãi cho bên đi vay và cho vay. Cụ thể, theo khoản 2 điều 91 trong Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010, Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Song, theo điều 468 Bộ Luật Dân sự hiện hành quy định về việc không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản (lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước áp dụng là 9%/năm suốt từ năm 2010 tới nay - nghĩa là không cho vay quá 13,5%/năm).
Điều này đã gây nên một sự khó hiểu trong tâm lý người tiêu dùng. Thực tế, đã có trường hợp người đi vay không còn khả năng trả nợ và cảm thấy vô lý khi phải trả lãi suất cao hơn so với ngân hàng thương mại (NHTM), họ đã đâm đơn khiếu kiện các công ty tài chính (CTTC) với căn cứ dựa trên nền tảng Luật Dân sự có quy định về trần lãi suất. Tuy nhiên, ngay chính các cơ quan chức năng khi xử lý cũng lúng túng trong việc xác định mức lãi suất thỏa thuận.
Trao đổi về vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, vì chưa có quy định riêng cho vay tiêu dùng, cho nên toàn bộ vấn đề cho vay tiêu dùng chủ yếu dựa vào quy định chung tại Luật Các tổ chức tín dụng. Trong khi, tại Luật này các quy định liên quan tới giới hạn, hạn mức, thủ tục cho vay đối với các ngân hàng, CTTC đã quá lạc hậu đối với cho vay tiêu dùng.
Hơn nữa, việc để CTTC và NHTM hoạt động chung một hành lang pháp lý là chưa hợp lý, bởi hai sản phẩm và hình thức kinh doanh tài chính là hoàn toàn khác nhau. Việc áp dụng mức lãi suất nào, hợp đồng vay ra sao…phải được quy định riêng theo đặc thù của mỗi tổ chức tài chính, không nên “đánh đồng”, có như vậy mới kích thích được thị trường này phát triển mạnh mẽ.
Hiện tại, nếu không có loại hình tín dụng tiêu dùng, có lẽ không ít người dân sẽ phải tìm đến tín dụng “đen”. So với lãi suất cho vay cầm đồ hiện lên tới trên 100% và thậm chí là vài trăm %/năm, thì lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính thấp hơn nhiều.
Thế nhưng, vì không hiểu hết bản chất của vay tiêu dùng, vẫn còn có nhiều trường hợp khách hàng nhầm lẫn, hoặc chưa phân biệt rõ mức lãi suất cho vay giữa các NHTM với các CTTC; không đọc kỹ những điều khoản trong hợp đồng, đã dẫn đến không hiểu đúng nghĩa vụ trả lãi, dẫn tới kiện cáo hoặc không trả được nợ.
Như vậy, việc tạo hành lang pháp lý để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng là hết sức cần thiết, theo hướng bảo đảm tính chủ động của tổ chức tín dụng, sự minh bạch, lành mạnh trong áp dụng lãi suất cho vay để tăng tính cạnh tranh.
Đợi hành lang pháp lý
Theo đánh giá, mặc dù hiện nay vẫn còn tồn tại những băn khoăn về mức lãi suất cho vay tiêu dùng, song điều đó không thể cản trở sự phát triển tất yếu của loại hình sản phẩm tài chính này. Bởi lợi ích mà nó mang lại đáp đã ứng được được nhu cầu cá nhân trong tiêu dùng trước khi có thu nhập.
Thực tế này đòi hỏi, các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng khung pháp lý, điều chỉnh việc thành lập và hoạt động của các công ty tài chính. Trong đó, cần tách biệt, độc lập với hệ thống quy định điều chỉnh đối với NHTM, tạo điều kiện để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh và có tính cạnh tranh cao. Bên cạnh đó, cũng cần có các chính sách phù hợp để giúp giảm chi phí đầu vào cho các khoản vay tiêu dùng.
Luật sư Bùi Quang Minh, đoàn luật sư Hà Nội từng chia sẻ, dịch vụ tài chính tiêu dùng sẽ chỉ thực sự phát triển khi có một hành lang pháp lý đủ mạnh và hiệu quả để các bên liên quan trong quan hệ tín dụng này tuân thủ nghiêm túc các điều khoản cam kết, bên nào vi phạm sẽ bị xử lý một cách thích đáng. Qua đó, tạo điều kiện cho các CTTC hoạt động, hình thành thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, thu hút khách hàng tham gia.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN cho rằng, nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, đẩy lùi tín dụng đen, Ngân hàng Nhà nước hiện đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng. Đây sẽ là một hành lang pháp lý điều chỉnh hoạt động tín dụng tiêu dùng của các CTTC, giúp các CTTC hướng đến đối tượng khách hàng dưới chuẩn một cách hiệu quả và lành mạnh.