Vắng bóng Nga – Iran, quân đội Syria đành “bó tay” ở Idlib?
Sau 7 năm nội chiến, quân đội của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ khỏi các nhóm nổi dậy vũ trang trái phép và khủng bố. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nga và Iran không mặn mà tham gia cuộc chiến cuối cùng của quân đội Syria ở tỉnh Idlib, lực lượng vũ trang của chính quyền Damascus tỏ ra khá lúng túng. Idlib hiện được xem là thành trì cuối cùng của quân nổi dậy ở Syria.
Binh sĩ thuộc quân đội của Tổng thống SyriaBashar al-Assad. |
Theo Guardian, chính phủ Syria thừa nhận việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn với phe đối lập đang nắm quyền kiểm soát ở tỉnh Idlib là phương án tạm thời nhằm tránh gây ra thêm thương vong cho dân thường. Trong lúc sắp bước vào trận chiến lớn cuối cùng nhưng lại thiếu vắng sự hỗ trợ từ phía quân đội Nga và Iran, sứ mệnh mà quân đội Syria phải đảm nhận lại càng trở nên khó khăn.
Cụ thể, số lượng lớn binh sĩ bị thương, đào ngũ và trốn nghĩa vụ quân sự trở thành gánh nặng cho đội quân hiện thời của Tổng thống Assad vốn gần như kiệt sức sau 7 năm nội chiến.
Trong mùa hè năm nay, dù đã thay đổi quy định trúng tuyển vào các trường đại học nhằm tuyển thêm nam giới nhập quân ngũ, chính phủ Syria vẫn gần như tuyệt vọng khi không thể tuyển thêm được quân giữa lúc cuộc chiến ở Idlib cận kề.
Một nữ sinh ở Damascus chia sẻ, 70% trong tổng số 300 sinh viên cùng khóa với cô trượt kỳ vừa qua nhưng họ trượt là có mục đích nhằm trì hoãn thời gian nhập ngũ.
Elie (23 tuổi) từng sinh sống ở Damascus nhưng đã tới thủ đô Beirut của Lebanon sau khi trượt đại học năm thứ hai liên tiếp và nhận được quyết định nhập ngũ hồi tháng trước. Để tránh phải nhập ngũ, Elie phải nộp số tiền phạt là 8.000 USD, nhưng giống như bao gia đình khác, bố mẹ Elie không có tiền để nộp phạt.
“Sống ở đây cũng không hề dễ dàng gì nhưng còn tốt hơn là ra chiến trường đẫm máu. Chú của tôi đã vào quân ngũ 5 năm và chưa biết ngày nào về. Ông ấy từng bị thương nặng và mất đi 50 đồng đội. Tôi đã chạy trốn để không phải rơi vào cảnh giống ông ấy”, Elie thừa nhận.
Còn theo giới chuyên gia, ngay cả khi tuyển được thêm quân là cựu sinh viên đại học, quân đội của chính phủ Syria vẫn khó có thể giành lại quyền kiểm soát tỉnh Idlib nếu như không có sự hỗ trợ từ phía quân đội Nga và Iran. Bởi năng lực của đội quân gồm các cựu sinh viên và những tay súng từng đầu quân cho các nhóm nổi dậy thì chưa được kiểm chứng, còn những binh sĩ dày dặn kinh nghiệm chiến đấu lại dường như kiệt sức sau thời gian dài chiến đấu liên tiếp.
Trong khi đó, để có thể giành thắng lợi trước ít nhất 70.000 tay súng nổi dậy đang cố thủ ở Idlib, quân đội Syria cần từ 20.000 – 25.000 binh sĩ tham gia trận đánh này.
“Idlib sẽ là trận đánh khó nhằn nhất của quân đội Syria. Khả năng quân chính phủ sẽ thiệt hại nặng nề do thiếu đội quân tinh nhuệ chiến đấu. Trong khi đó, Iran vẫn chưa đưa ra lời cam kết hỗ trợ quân đội Syria trong trận đánh này”, một nhà ngoại giao châu Âu chia sẻ.
Hiện tại, cả Nga, Iran và các tay súng thuộc phong trào Hezbollah ở Lebanon đều cho rằng, vai trò quân sự của mình ở Syria đã kết thúc vì vị thế của Tổng thống Assad đã được củng cố vững chắc. Bên cạnh đó, áp lực lớn từ dư luận trong nước về việc tránh sa lầy vào cuộc chiến đẫm máu và đắt đỏ ở Syria cũng là lý do khiến các đồng minh của Syria thờ ơ với cuộc chiến ở Idlib.
Về phần mình, phát ngôn viên lực lượng cảnh sát của phiến quân ở Idlib, ông Mahmoud Abbi khẳng định, “Chúng tôi không còn nơi nào để đi. Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu một khi thỏa thuận ngừng bắn bị phá vỡ”.
Trong thời gian qua, dù vận dụng nhiều phương thức kêu gọi lực lượng nổi dậy ở Idlib hạ vũ khí để tránh thương vong như đã làm ở Aleppo và Ghouta, quân đội Syria vẫn không thành công.