Vấn đề Triều Tiên: Mỹ gửi thông điệp ngầm nhưng dứt khoát tới Bắc Kinh
Chỉ bốn ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố nước này đã cho nổ một quả bom nhiệt hạch, Mỹ đã điều máy bay ném bom B-52 đến Hàn Quốc, và Washington cũng đang xem xét đưa thêm các loại vũ khí chiến lược khác tới khu vực này.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cùng những người đồng cấp của Nhật Bản và Hàn Quốc có mặt trong cuộc họp cấp cao ở thủ đô Tokyo. |
Hiện tại, Mỹ và Hàn Quốc đang thỏa thuận với nhau nhằm đưa ra phương án gây sức ép đối với Triều Tiên. Trong một cuộc họp báo diễn ra vào ngày 11/1, một quan chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết, nước này đang “thảo luận kỹ càng về việc triển khai các loại vũ khí quân sự hạng nặng của Hoa Kỳ” tới bán đảo Triều Tiên. Rất có thể, đây sẽ là các loại khí tài có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Cả Washington và Seoul đều giữ kín nội dung cuộc họp, nhưng một số chuyên gia phân tích cho rằng một trong những khả năng lớn nhất có thể xảy ra đó là Mỹ sẽ đưa các máy bay ném bom B-52 và B-2, cùng với các tàu ngầm hạt nhân tới các vùng biển gần bán đảo Triều Tiên với lý do thực hiện tập trận quân sự.
Các chuyên gia cũng tin rằng Mỹ cũng sẽ đưa tàu USS Ronald Reagan, tàu sân bay đóng tại căn cứ quân sự Yokosuka của Nhật Bản tới khu vực này. Mặc dù không mang theo vũ khí hạt nhân, trên tàu cho nhiều loại máy bay quân sự lợi hại. Một lựa chọn khác đó là Không quân Mỹ bố trí tạm thời máy bay tiêm kích siêu thanh F-22 Raptors tới Căn cứ không quân Kadena tại đảo Okinawa (Nhật Bản).
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có gì đảm bảo rằng những biện pháp gây áp lực trên sẽ có hiệu quả hay không. Mặc dù Mỹ đã nhiều lần cảnh báo, Triều Tiên vẫn tiếp tục đẩy mạnh các chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân của họ. Đây là lý do vì sao Bình Nhưỡng không phải là mục tiêu duy nhất của chiến lược gây sức ép của Mỹ.
Một cựu quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, việc Washington điều các loại máy bay chiến đấu và tàu ngầm hạt nhân tới khu vực Đông Bắc Á sau khi Triều Tiên thử nghiệm bom nhiệt hạch không chỉ nhằm vào ngăn chặn Bình Nhưỡng mà là gây sức ép lên Bắc Kinh. Trung Quốc tiếp tục viện trợ kinh tế cho Triều Tiên mặc dù nước này cũng không hài lòng với tham vọng cường quốc hạt nhân của người đồng minh láng giềng.
Nhà nghiên cứu Junichi Fukuda của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Nhật Bản (IIPS) cũng có quan điểm tương tự. “Washington có lẽ đang muốn Trung Quốc nhận ra rằng nếu nước này cho phép Triều Tiên tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, tình hình an ninh trong khu vực sẽ không mấy thuận lợi cho Bắc Kinh khi Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ củng cố quan hệ hợp tác”.
Mỹ đã điều máy bay B-52 đến Hàn Quốc sau khi Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm vũ khí hạt nhân. |
Mỹ tin rằng, để có thể thực sự buộc Bình Nhưỡng từ bỏ các chương trình vũ khí hạt nhân, Bắc Kinh phải áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc đối với Triều Tiên. Nhưng Trung Quốc tỏ ra lo ngại thực hiện những bước đi này do lo ngại rằng đồng minh của mình sẽ sụp đổ.
Thực tế, từ thời Tổng thống Mỹ George W. Bush, Mỹ đã có những động thái để buộc Trung Quốc hành động nhằm gây sức ép cho Triều Tiên, nhưng không thu được kết quả như mong muốn. Họ cũng tuyên bố rằng Nhật Bản và các nước khác trong khu vực cũng sẽ được cung cấp vũ khí hạt nhân nếu Triều Tiên trở thành một cường quốc hạt nhân. Nhưng Trung Quốc không tin rằng điều này sẽ xảy ra.
Trung Quốc có thực sự muốn trừng phạt Triều Tiên hay không, điều này còn phụ thuộc và tình hình hiện tại. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang xem xét thắt chặt lệnh cấm vận đối với Bình Nhưỡng, và phản ứng của Trung Quốc môt khi nghị quyết trên được thông qua sẽ được nhiều nước chú ý.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Nikkei Asian Review, ấn bản tiếng Anh chuyên về kinh tế - chính trị của tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật, ra đời từ năm 2013.