Vấn đề Biển Đông: Philippines bị "bỏ rơi"?
Vấn đề Biển Đông: Philippines bị "bỏ rơi"?
14 tàu Trung Quốc vẫn "giỡn mặt" Philippines ở bãi cạn
Tại sao Hoa Kỳ tuyên bố trung lập trong tranh chấp Biển Đông?
Philippines: Trung Quốc "không dại" dùng quân sự ở biển Đông
Phó đô đốc hải quân Philippines Alexander Pama đưa hình ảnh của hai tàu Trung Quốc chen vào giữa không cho tàu hải quân Philippines tiếp cận tàu đánh cá nước mình. |
Cuộc đối đầu hiện nay giữa hai nước bắt đầu vào đầu tháng Tư, khi hải quân Philippines điều tàu chiến Gregorio del Pilar ra bãi cạn Scarborough sau khi phát hiện một số tàu đánh cá của Trung Quốc tại khu vực này. Hải quân Philippines đã phát hiện ra một trong các tàu đánh cá Trung Quốc chở số lượng lớn trai, san hô và cá mập và có vẻ các tàu này đã đánh bắt trái phép trong khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines.
Hai tàu hải giám của Trung Quốc sau đó đã chen vào giữa tàu chiến Philippines và tàu đánh cá nước mình và cuộc chạm trán bắt đầu. Sau đó cả Trung Quốc và Philippines khẩu chiến qua lại về vụ việc. Trong một nỗ lực nhằm giảm bớt căng thẳng, Philippines đã rút tàu chiến về và thay bằng tàu canh gác bờ biển BRP Edsa.
Trong khi đó, Trung Quốc tăng cường hiện diện tại khu vực chạm trán bằng cách điều thêm tàu thuộc Đội thi hành Luật Ngư nghiệp có vũ khí trước khi rút một tàu hải giám về. Sau đó các tàu đánh cá Trung Quốc rút lui với các sản vật mà họ đánh bắt được và cho đến ngày 20/4 thì Trung Quốc lại tăng cường thêm sự hiện diện của mình tại bãi cạn Scarborough khi điều thêm tàu thi hành Luật Ngư nghiệp hiện đại nhất của mình, tàu Yuzheng 310, đến khu vực này.
Cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền tại khu bãi cạn Scarborough và cho rằng đó là phần không thể tách rời của lãnh thổ nước mình. Theo Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển vùng biển đặc quyền kinh tế của một quốc gia có chiều rộng 200 hải lý (khoảng 370,4 km) tính từ đường cơ sở - đường ranh giới để phân chia lãnh hải sát với bờ biển của quốc gia đó. Philippines tuyên bố vùng lãnh hải xung quanh bãi cạn Scarborough thuộc về vùng đặc quyền kinh tế của nước mình.
Philippines đã mời Trung Quốc ra phân xử tại Tòa án quốc tế về Luật biển. Tuy nhiên đây là cơ quan xét xử không phù hợp cho trường hợp này vì Tòa án này chỉ có quyền xét xử những vi phạm lãnh hải chứ không phải phân định chủ quyền, vấn đề chủ quyền lãnh hải phải được giải quyết trước khi đưa đến tòa án này.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền dựa theo quyền lợi lịch sử do nước này phát hiện ra khu vực này đầu tiên. Còn Philippines tuyên bố chủ quyền dựa trên việc chiếm hữu và quản lí liên tục khu vực này kể từ khi nước này giành được độc lập. Vấn đề này có thể được giải quyết song phương hoặc nếu hai nước đồng ý có thể nhờ tòa án quốc tế phân xử. Tuy nhiên cả hai phương án này đều bất khả thi khi Philippines từ chối đàm phán song phương còn Trung Quốc từ chối nhờ cậy tòa án quốc tế.
Do đó Philippines chuyển sang trông chờ sự ủng hộ của ASEAN và Hoa Kỳ. Nhưng khi vụ chạm trán về bãi cạn Scarborough khiến dư luận nội bộ của Philippines phản đối kịch liệt thì tình hình trở nên rõ ràng là Philippines đã kì vọng nhầm về vai trò của ASEAN và Hoa Kỳ.
Cuộc họp 2 bộ trưởng ngoại giao và 2 bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ và Philippines sau cuộc họp 2+2 vừa diễn ra tại Washington có thảo luận về tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông. |
Tình trạng ASEAN đạt được sự đồng thuận cao trong cách thức giải quyết cuộc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông đã có lịch sử hơn 1 thập kỷ. Các thành viên ASEAN và Trung Quốc bắt đầu tiến hành thương lượng về chủ quyền tại Biển Đông vào năm 2000. Ngay từ thời điểm này, Philippines đã thúc giục mạnh mẽ hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để kiềm chế Trung Quốc khỏi “thái độ hiếu chiến ghê sợ” nhưng Philippines đã không thể thu hút đầy đủ sự ủng hộ của các thành viên ASEAN và cuối cùng đã phải chấp nhận Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).
DOC thực chất chỉ là một tuyên bố chính trị không có tính ràng buộc, kêu gọi các bên thực thi các biện pháp xây dựng niềm tin và hợp tác và tạm hoãn việc phân xử các tranh chấp chủ quyền. Thêm vào đó, DOC gần như không được thực thi cho đến tận mùa hè năm 2011 khi Trung Quốc và các quốc gia thành viên ASEAN cuối cùng đã thông qua hướng dẫn thi hành DOC.
Thậm chí ngay cả khi hướng dẫn được thông qua thì cũng chỉ có 4 nhóm chuyên gia hành động được lập nên gồm nhóm bảo vệ môi trường hàng hải, nhóm nghiên cứu khoa học hàng hải, nhóm hoạt động tìm kiếm cứu nạn và nhóm tội phạm xuyên quốc gia và các nước lập kế hoạch cho các cuộc hội thảo trong tương lai.
DOC 2002 có đề cập đến Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) và kêu gọi các quốc gia “hành động dựa trên sự nhượng bộ nhằm tiến tới đạt được mục tiêu này”. Với sự hoàn thiện bộ hướng dẫn thi hành DOC năm ngoái, đề xuất về COC, một văn bản có tính ràng buộc cao hơn, được đề cập trở lại.
Vào năm 2011, các quan chức kì cựu của ASEAN bắt đầu thảo ra một bản COC nhằm hướng đến bản thống nhất rồi gửi cho Trung Quốc. Tuy nhiên khi các bộ trưởng ngoại giao ASEAN nhóm họp tại Campuchia vào tháng 1/2012, các quốc gia thành viên nhận thấy họ không đồng thuận về các đề xuất của Philippines. Đề xuất đầu tiên của Philippines kêu gọi tổ chức một cuộc họp giữa Trung Quốc và các quốc gia tranh chấp khác dưới sự bảo trợ của ASEAN. Hai đề xuất khác liên quan đến các điều khoản thuộc COC nhằm phân định rõ những khu vực đang tranh chấp và những khu vực không tranh chấp trên biển và thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp.
Tình trạng chia rẽ nội bộ của ASEAN còn được thể hiện tại Hội nghị thượng đỉnh cấp cao lần thứ 20 của ASEAN tổ chức tại Phnom Penh từ ngày 3/4 đến 4/4 vừa qua dưới sự chủ trì của Campuchia. Trước khi hội nghị diễn ra, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã tiến hành một chuyến thăm cấp cao đến Campuchia và nói rõ với Thủ tướng Hun Sen rằng Bắc Kinh phản đối các cuộc đàm phán về COC được tiến hành quá nhanh.
Không biết liệu có phải làm theo đề nghị của Trung Quốc hay không mà Campuchia đã bỏ bỏ chủ đề thảo luận về Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự của Hội nghị. Philippines và Việt Nam cùng lên tiếng phản đối và đã nhấn mạnh về vụ việc của mình tại một cuộc họp các bộ trưởng ngoại giao ASEAN được tổ chức trước khi hội nghị diễn ra và lại đề cập một lần nữa ngay tại hội nghị.
Các quốc gia ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 20 diễn ra ở Campuchia. |
Tuy nhiên, sự bất đồng chính tại hội nghị này là về thời điểm đưa Trung Quốc vào tham gia xây dựng COC. Tại cuộc họp tiền hội nghị, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa cho rằng ASEAN nên “lắng nghe các quan điểm của Trung Quốc để chúng ta có thể thực sự xây dựng một vị thế có tính gắn kết và mạch lạc” và Campuchia đã ủng hộ đề xuất này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Philippines Del Rosario phát biểu rằng: “Chúng ta vẫn nói rằng chúng ta sẵn lòng mời Trung Quốc tham gia nhưng việc đó nên được tiến hành sau khi COC được (ASEAN) nhất trí thông qua. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên làm chủ vận mệnh của mình xét về vấn đề COC” và ông nói thêm rằng Việt Nam cũng có cùng quan điểm với Philippines. Ông Del Rosario cũng nhấn mạnh rằng một khi Philippines và Việt Nam còn phản đối thì ASEAN không thể nào đạt được sự nhượng bộ bằng cách đưa Trung Quốc tham gia vào tiến trình thảo COC quá sớm.
Philippines và Việt Nam cũng phản đối thẳng thừng đề xuất của Trung Quốc thành lập một nhóm 10 thành viên gồm các chuyên gia và các chính khách có uy tín giúp thảo ra nội dung. Các thành viên khác của ASEAN, đặc biệt là Indonesia, lại phản đối đề xuất của Philippines đưa cơ chế giải quyết tranh chấp vào bản thảo COC.
Sự bất đồng lại tái diễn ngay trong Hội nghị. Trong ngày đầu tiên, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho rằng “điều quan trọng là chúng ta phải duy trì sự tập trung vào ASEAN” và ASEAN chỉ nên mời Trung Quốc tham gia thảo COC sau khi bản thảo được các nước thành viên ASEAN nhất trí.
Tại cuộc họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Indonesia đã tiết lộ rằng các quốc gia đã đạt được thỏa hiệp về sự tham gia của Trung Quốc. Theo Ngoại trưởng Marty Natalegawa: “Đó không nhất định phải là một qui trình tuần tự chặt chẽ. Tất nhiên, điều đầu tiên và trên hết là ASEAN phải có một vị thế đoàn kết vững chắc. Nhưng trong lúc chúng tôi tiến hành, sẽ có sự liên hệ liên tục thông qua khung hành động ASEAN- Trung Quốc sao cho dù vị trí cuối cùng của ASEAN là gì đi nữa thì cũng phải có lợi từ việc liên hệ với Trung Quốc”.
Vụ chạm trán tại bãi cạn Scarborough diễn ra chưa đầy 1 tuần sau Hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Những hành động của Trung Quốc khiến dư luận Philippines phản đối dữ dội. Những nghị sĩ quan trọng của Philippines đều lên tiếng chỉ trích ASEAN và Hoa Kỳ vì không ủng hộ Philippines ngay từ đầu.
Thượng nghị sĩ Joker Arroyo phát biểu rằng “ngay cả một nghị quyết bày tỏ mối lo ngại hay thông cảm” cũng không được ASEAN đưa ra. “Chúng ta bị bỏ rơi và phải tự bảo vệ chính mình. Chuyện gì đã xảy ra với chúng ta vậy? Chúng ta như những đứa trẻ mồ côi, không có đồng minh. Đó là tình thế tiến thoái lưỡng nan của chúng ta”.
Những câu nhận xét của ông Arroyo được nhiều đồng nghiệp của ông hưởng ứng cho thấy Philippines đã kì vọng nhầm về vai trò của ASEAN và Hoa Kỳ. Trong nội bộ ASEAN không chỉ có sự bất đồng và một số quốc gia thành viên còn chỉ trích cách Philippines xử lý tranh chấp với Trung Quốc. Một nhà bình luận Malaysia thậm chí còn cho rằng Philippines đã “cướp diễn đàn” tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Và mặc dù Philippines và Hoa Kỳ là đồng minh, Hiệp ước quốc phòng song phương giữa hai nước chỉ được thực thi khi “lãnh thổ, sự độc lập hay an ninh của hai bên bị đe dọa bởi một vụ tấn công có vũ trang từ bên ngoài tại Thái Bình Dương”. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa có hành động đe dọa hay vũ lực còn Hoa Kỳ thì tuyên bố trung lập trong tranh chấp về lãnh thổ.
Cuộc chạm trán tại bãi cạn Scarborough cho thấy Trung Quốc tiếp tục khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” tại Biển Đông dựa theo cơ sở lịch sử, không tạo nền tảng để giải quyết tranh chấp dựa theo luật quốc tế.
Trong khi đó, việc ASEAN chỉ “chăm chăm” vào thực thi các biện pháp xây dựng niềm tin và hợp tác như đề cập trong DOC lại không làm nổi rõ mối đe dọa về an ninh do sự hiếu chiến của Trung Quốc. Một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) không xác định rõ rằng khu vực này đang thuộc tranh chấp và không có cơ chế thi hành sẽ không thể nào kìm chân Trung Quốc khỏi hành động đơn phương.
Nhưng cả DOC và COC đều dựa trên giả định tình hình sẽ giữ nguyên hiện trạng cho đến lúc tranh chấp chủ quyền được giải quyết. Nhưng đây là một giả định sai nếu Trung Quốc tiếp tục đáp trả đơn phương bất kì hoạt động nào mà nước này phản đối dựa theo cơ sở tuyên bố chủ quyền 9 đoạn của nước này trên Biển Đông. Và dù Philippines có kỳ vọng như thế nào, Hiệp ước quốc phòng song phương của nước này với Hoa Kỳ không phải là công cụ phù hợp để đáp trả lại chiến thuật dùng tàu bán quân sự và đe dọa khẳng định chủ quyền của Trung Quốc.
Tùng Lâm