Uống 1 lít rượu mỗi ngày, nhiều 'tiên tửu' nôn ra máu
Các bác sĩ BV Đa khoa Hùng Vương vừa cấp cứu một bệnh nhân đến viện trong tình trạng nôn ra dịch màu đen, hoa mắt chóng mặt, huyết áp tụt, da niêm mạc vàng, thể trạng gầy, mệt mỏi.
Khai thác bệnh sử, người nhà cho biết, 10 năm nay mỗi ngày bệnh nhân đều uống khoảng 1 lít rượu. Trước vào viện 1 ngày bệnh nhân xuất hiện nôn ra dịch màu đen, đi ngoài phân đen, tình trạng ngày càng nặng – bệnh nhân nôn nhiều kèm hoa mắt chóng mặt.
Ngay lập tức bệnh nhân được bác sĩ cấp cứu hồi sức tích cực để ổn định huyết động. Qua thăm khám và các kết quả cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá trên xơ gan, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn ngay với bác sĩ khoa Hồi sức tích cực và bác sĩ nội soi tiêu hóa đưa ra phương án xử trí cấp cứu, truyền 2 khối hồng cầu toàn phần 350ml và dự trù sẵn máu.
Ê kíp nội soi tại Trung tâm Tiêu hóa – Hô hấp đã tiến hành nội soi thực quản, dạ dày tá tràng, phát hiện bên trong có rất nhiều máu cục lẫn máu tươi trong dạ dày.
Tại tâm vị có điểm mạch chảy máu phun thành tia, giãn tĩnh mạch thực quản độ II, ngay lập tức đã được bác sĩ nội soi can thiệp kẹp 2 clip cầm máu.
Sau khi nội soi can thiệp cấp cứu kết hợp truyền bù máu bệnh nhân đã được cầm máu hoàn toàn, mạch, huyết áp ổn định và được chuyển khoa hồi sức tích cực bệnh viện điều trị.
Trường hợp H.V.C. (63 tuổi, trú tại Tân Sơn, Phú Thọ) được đưa vào viện trong tình trạng nôn ra máu, đi ngoài phân đen số lượng nhiều.
Bác sĩ cho biết ông bị vỡ tĩnh mạch thực quản và tĩnh mạch phình vị dạ dày. Bệnh nhân được điều trị tại Đơn vị Hồi sức cấp cứu trong 3 ngày sau đó đột ngột xuất hiện nôn ra máu với số lượng nhiều do búi giãn tĩnh mạch vỡ lại.
BV Đa khoa Hùng Vương liên tiếp cấp cứu bệnh nhân vào viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hoá nặng trên nền xơ gan và nguyên nhân chủ yếu do uống quá nhiều rượu trong thời gian dài.
Các bác sĩ cho biết xuất huyết tiêu hóa do vỡ búi giãn tĩnh mạch thực quản, tĩnh mạch dạ dày là biến chứng nặng của xơ gan. Tỷ lệ tử vong rất cao, có thể lên đến 30 - 50%. Có nhiều người bệnh bị nôn ra máu còn chưa kịp đến bệnh viện đã tử vong.
Theo GS Đào Văn Long – nguyên trưởng khoa Tiêu hoá, BV Bạch Mai, Hà Nội chảy máu tiêu hoá là bệnh lý cấp tính bắt buộc bệnh nhân phải đến cơ sở y tế cấp cứu để bù máu, nội soi tìm nguyên nhân.
Hai nguyên nhân chính gây chảy máu tiêu hoá hay gặp là loét dạ dày và vỡ giãn tĩnh mạch thực quản do biến chứng của xơ gan. Khi gan bị xơ lâu năm làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa giãn tĩnh mạch thực quản và vỡ ra và gây chảy máu ồ ạt và bệnh nhân nôn ra máu. Có trường hợp người bệnh nôn ra hàng lít máu.
Khi bị chảy máu tiêu hoá, BS Long cho biết cần cấp cứu cơ sở y tế gần nhất để đặt truyền dịch, máu để truyền máu đã mất để không ảnh hưởng tới mạng.
Hiện nay tỷ lệ xuất huyết tiêu hoá nói chung do loét dạ dày tá tràng tỷ lệ tử giảm so với trước đây. Nhưng đối với giãn tĩnh mạch thực quản, các bác sĩ sẽ thắt vòng cao su để cầm máu. Tuy nhiên bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch thực quản đều có nền bệnh gan nặng sau một đợt vỡ giãn tĩnh mạch làm nặng thêm bệnh xơ gan nên tăng tỷ lệ tử vong do xơ gan.
Theo bác sĩ Long, khi bị xơ gan bệnh nhân không thể chữa được, nếu xơ gan do rượu thì chỉ dừng uống rượu mới được. Vì vậy, việc tuyên truyền bệnh nhân uống rượu về bệnh lý xơ gan do rượu để bệnh nhân phải bỏ rượu tránh xơ gan tiến triển.
Các bác sĩ khuyến cáo đối với bệnh nhân đã xơ gan nên thực hiện nội soi tiêu hóa định kỳ để phát hiện sớm các búi giãn tĩnh mạch thực quản. Bệnh nhân xơ gan khi có dấu hiệu nôn ra máu, đại tiện phân đen, máu đỏ tươi cần đến bệnh viện ngay để được cấp cứu kịp thời, tránh nguy hiểm đến tính mạng.
Khánh Chi