Ứng viên Tổng thống Pháp tuyên chiến với chính khách Thổ Nhĩ Kỳ
Ứng viên Tổng thống Pháp Le Pen và F.Fillon |
Hôm Chủ nhật (12/3) trên trang Twitter của mình, ứng cử viên Tổng thống Pháp, lãnh đạo đảng "Mặt trận dân tộc" bà Marine Le Pen đã lên tiếng phản đối việc tổ chức biểu tình, mít tinh tại Pháp với sự tham gia của các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ.
Bà nhấn mạnh: "Vì lẽ gì mà chúng ta phải chịu đựng điều mà các nước dân chủ khác không muốn trên thế giới? Sẽ chẳng có chiến dịch vận động nào của Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức ở Pháp hết".
Tuyên bố trên của nữ chính trị gia được đưa ra trong bối cảnh xung đột ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan đang căng thẳng. Xung đột xảy ra sau khi Amsterdam không cho phép máy bay của Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu được hạ cánh vào Hà Lan. Ông Cavusoglu dự tính đến Rotterdam để vận đồng người dân nước này đang sinh sống tại Hà Lan bỏ phiếu cho cuộc trưng cầu sửa đổi hiến pháp, nhằm tăng quyền lực cho Tổng thống, được tổ chức vào hôm 16/4 tới.
Thêm vào nữa, các nhà chức trách Hà Lan đã trục xuất Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ Fatma Betul Sayan Kaya. Đáp lại, Tổng thống Erdogan đã gọi Hà Lan là phát xít và tuyên bố Ankara có thể sẽ cấm các nhà ngoại giao Hà Lan nhập cảnh.
Trước đó, một cuộc xung đột tương tự đã xảy ra giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Đức. Nguyên nhân là do ba thành phố của Đức từ chối cho các Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức phát biểu để vận động cho chiến dịch trưng cầu. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã so sánh chính sách Berlin đối với Ankara không khác gì với chính sách của phát xít.
Ngoài Hà Lan và Đức, các cuộc biều tình của đảng cầm quyền Công lý và phát triển của Thổ Nhĩ Kỳ còn bị bãi bỏ ở Áo và Thụy Sĩ. Nhưng về phía mình, Pháp là nước ngoại lệ trong vấn đề này.
Hôm Chủ nhật 12/3, chính quyền nước này đã cho phép công dân Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức một cuộc mít tinh với sự tham dự của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ là ông Mevlut Cavusoglu. Cuộc biểu tình được tổ chức tại thành phố Metz đã thu hút được gần 1000 người tham gia.
Với hành động này, chính quyền Pháp đã gây ra một cơn bão chỉ trích từ phe đối lập. Đặc biệt, ứng cử viên Tổng thống Pháp đồng thời là cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon cáo buộc Tổng thống Francois Hollande đã vi phạm các nguyên tắc liên đới, dân chủ châu Âu.
Một ứng cử viên Tổng thống khác – ông Emmanuel Macron cũng kêu gọi các quốc gia thành viên EU tôn trọng quan điểm chung đối với lệnh cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vận động chính trị trên lãnh thổ của họ.