Ung thư gia tăng, dấu hiệu nhận biết sớm ung thư như thế nào?
TS BS Vũ Hữu Khiêm trả lời về dấu hiệu nhận biết sớm ung thư. |
Ung thư gia tăng
Sáng 20/7 tại buổi “Sống chung, sống khỏe với bệnh ung thư” do Tạp chí điện tử VietTimes phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội tổ chức tại Trường Đại học Y Hà Nội, các chuyên gia đã cùng nhau mổ xẻ nguyên nhân cũng như các phương pháp điều trị ung thư mới, người bệnh ung thư sống khỏe với bệnh như thế nào.
Theo công bố mới nhất của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2018 Việt Nam có 164.671 ca mắc ung thư, 114.871 người tử vong và hiện đang có trên 300.000 người mắc. Như vậy, có thể thấy, bệnh ung thư ở Việt Nam có xu hướng gia tăng.
Theo PGS TS Vũ Hồng Thăng - Bệnh viện K trung ương nguyên nhân bệnh ung thư gia tăng là do dân số tăng, tuổi thọ người dân tăng, nhất là ở các nước phát triển. Bên cạnh đó là ảnh hưởng của các yếu tố môi trường, công nghiệp hóa, nếp sống, thực phẩm, các chất kích thích như rượu bia, v.v Tỉ lệ ung thư tăng dần theo thời gian. Năm 2018, 18 triệu người mắc mới ung thư trên thế giới. Dự kiến tỉ lệ này sẽ tăng gấp đôi năm 2040. Đây là gánh nặng bệnh tật lớn cho người bệnh.
Ngoài ra, nhờ biện pháp sàng lọc phát hiện sớm, số lượng người phát hiện mắc ung thư cũng tăng. Mặc dù tỷ lệ mắc bệnh tăng, nhưng phát hiện ở giai đoạn sớm khiến cho bệnh chữa trị dễ hơn, đồng nghĩa với số người chữa trị thành công tăng lên.
Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế xã hội, truyền thông vào cuộc, tuyên truyền, người bệnh có điều kiện tiếp cận gần hơn với tiến bộ khoa học kỹ thuật để chữa bệnh.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS BS Vũ Hữu Khiêm - trung tâm y học hạt nhân và ung bướu Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh ung thư hiện nay ở Việt Nam vẫn đang là căn bệnh gây tử vong hàng đầu. Trên thế giới Việt Nam ở vị trí 78/185 nước về số ca mắc nhưng tử vong lại ở vị trí 56/185 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đa số người bệnh ung thư hiện nay đến viện điều trị đều ở giai đoạn muộn. Nếu phát hiện sớm, ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi. Càng phát hiện sớm bao nhiêu tỷ lệ chữa thành công càng cao, chi phí điều trị lại thấp. Còn người dân phát hiện muộn thì chi phí điều trị cao mà tử vong vẫn nhanh.
Tầm soát ung thư được xem là chìa khóa vàng trong chẩn đoán và điều trị ung thư. Tuy nhiên, bác sĩ Khiêm cho biết người dân vẫn còn thờ ơ với việc tầm soát ung thư. Bác sĩ Khiêm khuyến cáo việc phát hiện sớm ung thư người dân cần chú ý 4 điểm:
Thứ nhất, người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ, 6 tháng, 1 năm hoặc khám sức khỏe hàng tháng, để tầm soát ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.
Thứ hai, cần tăng cường tầm soát ung thư soát đối với các đối tượng mắc các bệnh có nguy cơ tiến triển thành ung thư. Điển hình là người mang virus viêm gan B,…).
Hiện nay, tại Việt Nam có nhiều người mang virus viêm gan B, có tới 10-15% tiến triển thành ung thư gan và xơ gan. Chính vì vậy, người dân cần tăng cường tầm soát để kịp thời phát hiện các dấu hiệu mắc bệnh như: polyp đại tràng, dạ dày,…
Ngoài ra, đối với người trong gia đình có người mắc ung thư vú thì nguy cơ mắc ung thư vú cao gấp 10 đến 20 lần so với cộng đồng.
Hiện, đã có những xét nghiệm gen hiện đại để xác định ung thư, cảnh báo cho các đối tượng có nguy cơ mắc ung thư cao.
Thứ ba, người dân cần nâng cao ý thức tự khám bệnh, tự phát hiện bệnh. Hiện đã có các chương trình giúp người bệnh có thể tự khám bệnh cho bản thân. Điển hình là chương trình tự khám vú sau khi sạch kinh (tự khám trước gương, nằm khám,…) khi phát hiện các biểu hiện bất thường, người dân cần các cơ sở y tế để kịp thời khám và điều trị.
Thứ tư, cần đặc biệt quan tâm đến các triệu chứng báo hiệu ung thư theo 10 khuyến cáo của Bộ Y tế. Nếu thấy có các triệu chứng như: xuất hiện các vết loét ở da, niêm mạc miệng, lưỡi; ho kéo dài, ho ra máu,… cần đến bệnh viện để kiểm tra.
Khi phát hiện các dấu hiệu như: đau hạ sườn phải âm ỉ, khó tiêu, đầy bụng, đi ngoài ra máu,…. cần phải cảnh giác với bệnh ung thư đại trực tràng.
Khi sờ thấy khối u bất thường ở ngực, ở vú,… cần đến các cơ sở y tế để tầm soát ung thư vú.
Khi bị ù tai, ho khạc ra máu,… cần cảnh giác với ung thư vòm họng.
Thấy có triệu chứng xuất huyết âm đạo bất thường cần đề phòng ung thư cổ tử cung.
Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bệnh nhân đến khám khi ung thư đã ở giai đoạn muộn tiêu tốn rất nhiều thời gian và chi phí để chữa trị.
Chính vì vậy, để phát hiện sớm ung thư và điều trị bệnh có hiệu quả, người dân cần quan tâm các khuyến cáo trên: khám sức khỏe định kỳ, tăng cường sàng lọc đối tượng có nguy cơ, tự khám khi có biểu hiện bất thường.