Ứng biến nghiên cứu vắc xin Covid-19 trước biến thể siêu lây nhiễm Omicron
Theo thông tin từ Bộ Y tế đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa ghi nhận biến chủng Omicron biến chủng có tốc độ lây nhanh hơn 500% so với biến chủng Delta.
Ngày 25/11/2021, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng lo ngại của vi rút SARS-CoV-2, được gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại một số quốc gia Nam Châu Phi như Nam Phi, Botswana...
Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24/11/2021 và có tới 32 đột biến ở protein gai, là biến thể nhiều đột biến nhất của vi rút SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta).
Tại Việt Nam đến nay qua giám sát dịch tễ của vi rút SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron.
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19; yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gien các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi; đồng thời đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Biến thể siêu lây nhiễm Omicron có tốc độ lây 500 % so với biến thể Delta. |
Bác sĩ Huynh Wynn Trần - Tổ chức y khoa VietMD cho rằng biến chủng mới được gọi tên Omicron được phân tích từ CDC châu Âu cho thấy biến thể này có nhiều đột biến nhất trong các loại biến thể của virus Sars-CoV-2, khoảng 30-32 đột biến ở protein cầu gai.
Tuy nhiên, các phân tích về biến thể này còn ít, phần lớn là phân tích dự đoán.
Việc lo ngại biến thể mới này có 'né tránh' được vắc xin hay không, bác sĩ Wynn cho rằng hiện Pfizer vừa ra thông báo có thể làm ngay vaccine để chống với biến thể này nếu phát hiện có sự lây lan trong cộng đồng. Cho đến nay, vắc xin Pfizer vẫn còn hiệu quả với tất cả các biến thể kể cả Delta.
Ngoài ra, thông tin mới nhất từ hãng Moderna thì đang thử nghiệm liều tăng cường có các biến thể mới kể cả biến thể Omicron, trong khi AstraZeneca đang phân tích gen biến thể này để xem xét cho ra vắc xin mới.
Trước tình hình hiện tại, khi lo lắng cho một làn sóng với biến thể mới có tốc độ lây lan cao, bác sĩ Huynh Wynn khuyến cáo người dân nên bình tĩnh, tiêm đủ hai mũi vắc xin có thể tiêm mũi thứ 3 nếu đã tiêm mũi 2 được 6 tháng. Những người có bệnh nền có thể tiêm thêm mũi tăng cường và kiểm soát thật tốt bệnh nền tránh biến chứng nặng khi mắc Covid-19.
Biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ vào cuối năm 2020 đã lan rộng khắp thế giới, khiến tỷ lệ mắc và tử vong gia tăng. Các biến thể SAR-CoV-2 khác bao gồm Alpha (có nguồn gốc từ Kent ở Anh), Beta (trước đây được gọi là biến thể Nam Phi) và Gamma (ban đầu được tìm thấy ở Brazil).
K.Chi