Ùn ùn đàm phán lại giá mua máy xét nghiệm Covid: Làm rõ ai là người duyệt giá?
Sau vụ bắt giám đốc CDC Hà Nội, một loạt Sở Y tế các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Thái Bình… đàm phán lại với đối tác để giảm giá mua máy xét nghiệm Covid-19. Nếu vụ CDC Hà Nội không phanh phui, liệu có chuyện đàm phán lại hay không?
Vụ việc Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng một loạt thuộc cấp bị khởi tố và bắt tạm giam vì "thổi giá" máy xét nghiệm Covid- 19 đã khiến dư luận dậy sóng. Nhưng lạ lùng hơn, vẫn một dòng máy ấy, cùng một công ty cung cấp thì mỗi địa phương lại có mức giá khác nhau. Sau khi vụ việc ở Hà Nội bị vỡ lở, một loạt địa phương đã "vội vàng" đàm phán với nhà cung cấp để giảm giá.
ĐBQH Phạm Văn Hoà: Nếu vụ việc ở CDC Hà Nội không được phanh phui, các địa phương có giảm giá? |
Khi nghe thông tin Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và một số cán bộ thuộc cấp bị bắt vì nâng khống giá mua máy xét nghiệm Covid- 19 cá nhân tôi rất bực bội. Có thể nói rằng đây là những hành vi vô lương tâm, vô đạo đức của số cán bộ trên. Bởi, trong lúc cả nước, nhân dân đang đồng lòng, chung sức để chống lại dịch bệnh Covid-19 thì lại xảy ra một sự việc như vậy là quá đau lòng.
Có thể thấy rằng, dịch bệnh Covid-19 khiến người dân rất hoang mang, cuộc sống bị đảo lộn. Bản thân tôi đã sống gần 60 năm nay thấy rằng, kể cả thời kỳ thời chiến tranh biên giới Tây Nam thì cuộc sống người dân chưa bao giờ bị đảo lộn như vậy.
Chiều tối 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra quyết định khởi tố bị can Nguyễn Nhật Cảm (57 tuổi, Giám đốc CDC Hà Nội) cùng 6 người khác về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự. Các quyết định và lệnh nêu trên đã được VKSND Tối cao phê chuẩn. Cùng ngày, cơ quan điều tra thi hành lệnh bắt và khám xét đối với bị can. Quá trình điều tra bước đầu xác định các bị can đã câu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm COVID-19 gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước. |
Dù khó khăn là thế nhưng người dân vẫn đồng lòng, đóng góp bằng các hành động cụ thể, vật chất. Chúng ta vẫn chứng kiến những hình ảnh các cụ già đạp xe đến nơi cách ly để tặng từng cân gạo, bó rau, rồi những em bé đập heo đất lấy tiền tiết kiệm ủng hộ cho công tác phòng, chống dịch.
Trong bối cảnh cả nước đang đồng lòng chống dịch như vậy, ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương phải bỏ ra để mua các trang thiết bị phòng chống dịch Covid- 19, đáng lẽ ra các cán bộ đó khi được giao nhiệm vụ thì phải cố gắng để mua được thiết bị tốt, giá rẻ để nhà nước, nhân dân được nhờ. Đằng này, họ lại câu kết để nâng khống, trục lợi, đó là việc làm phi đạo đức.
Đáng ngờ hơn, sau vụ việc ở CDC Hà Nội thì những ngày này một loạt Sở Y tế, các tỉnh thành Quảng Ninh, Quảng Nam, Thái Bình… lại đàm phán với đối tác xuống giá dù trước đó đã mua với giá khác. Nếu vụ việc ở Hà Nội không được phanh phui các địa phương này liệu có giảm giá hay không?
Tôi cho rằng có vấn đề mờ ám cần thiết cơ quan điều tra vào cuộc làm rõ để xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng trục lợi trong thời điểm này để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Theo đó, cơ quan chức năng cần phải xem xét giá mua, cơ quan nào duyệt giá, cơ quan thẩm định giá như thế nào, giá đó có đúng thực tế hay không? Tại sao mỗi tỉnh có một giá khác nhau nhưng đều cùng một thương hiệu do duy nhất một công ty cung cấp?.
Tôi cho rằng đây là một vấn đề cần phải làm rõ. Đây là hành vi phi đạo đức của một số cán bộ ngành y cần phải nghiêm trị một cách đích đáng dù đó bất cứ là ai, không thể có vùng cấm.
Câu chuyện đã đến mức này rồi tôi nghĩ cần phải làm rõ để trả lời cho công luận, để trả lại sự trong sáng cho những địa phương, cho những ngành mà họ làm tốt, làm đúng. Còn những địa phương, những ngành có lợi dụng, trục lợi cho tổ chức, cá nhân phải trừng trị nghiêm minh.
Tôi không hiểu tại sao lại sản sinh những con người bất lương, bất hảo, vô đạo đức như thế?. Tôi cho rằng, lực lượng công an vào cuộc điều tra, truy tố là rất kịp thời, người dân rất ủng hộ. Người dân mong muốn luật pháp trừng trị những con người này với hình thức cao nhất đáng để răn đe đối với những đối tượng khác.
Liên quan đến vụ việc này, Bộ Y tế đã gửi 2 công văn đến Sở Y tế các địa phương và nhiều bệnh viện đề nghị báo cáo kết quả mua sắm thiết bị. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các nơi bổ sung số liệu và tổng hợp báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống. Thời gian báo cáo bổ sung thêm gồm tất cả hợp đồng đã được ký trong 2 năm (từ 1/3/2018 đến 29/2). Các tài liệu đề nghị photocopy, đóng dấu sao y bản chính và gửi kèm báo cáo về Bộ Y tế gồm: Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu; hợp đồng mua bán giữa các bên, tài liệu về thông số, tính năng kỹ thuật của hệ thống; catologue của thiết bị chính và các thiết bị thành phần của hệ thống, chụp ảnh của các thiết bị nêu trên. |
Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hà Nội bị bắt tạm giam
Giám đốc Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm vừa bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
ĐBQH Phạm Văn Hoà
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp
Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội