Ukraine: Pháo im tiếng ở miền Đông, thêm 2 người chết sau bạo động
Các đợt nã pháo và nổ súng nhỏ lẻ từ cả hai bên đã khiến số người thương vong tăng nhanh, cho dù hiệp ước ngừng bắn được thống nhất tại thủ đô Minsk (Belarus) và tháng 2 năm nay.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) cùng đại sứ OSCE Martin Sajdik trong cuộc gặp mặt tại Kiev ngày 1/9. |
Đại diện của chính phủ và quân ly khai tuần trước quyết định sẽ chấm dứt mọi hoạt động gây xung đột kể từ ngày 1/9.
Một phát ngôn viên của quân đội Kiev cho biết, các bên liên quan đang tuân thủ lời kêu gọi đình chiến để đánh dấu ngày khai trường ở Ukraine.
“Cho đến 12 giờ ngày 2/9 (giờ địa phương), chúng tôi không nhận được báo cáo vi phạm lệnh ngừng bắn của quân địch. Hiện tại tình hình rất yên ắng”, phát ngôn viên Olekssander Motuzyanyk cho biết. Ông cũng tiết lộ rằng không một binh lính nào bị chết hoặc bị thương trong vòng 24 giờ qua.
Trong khi đó, 2 binh sĩ thuộc lực lượng vệ binh Ukraine đã thiệt mạng do bị thương quá năng sau vụ bạo động bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Ukraine. Trước đó, một vệ binh đã thiệt mạng khi vụ bạo động nổ ra, và gần 90 người khác đã bị thương.
Vài thiết bị nổ, bao gồm bom khói và một quả lựu đạn đã bị ném từ đám đông tập trung tại Quốc hội Ukraine trong khi các nghị sĩ đang tranh luận về việc sửa đổi hiến pháp, qua đó xác định quyền tự trị cho khu vực miền Đông.
Cảnh sát đã bắt giữ 18 người, trong đó có một người được cho là đã ném lựu đạn. Cảnh sát cho biết kẻ này là thành viên của đảng cực hữu Svoboda ở Ukraine.
Hiệp ước Minsk do lãnh đạo bốn nước Ukraine, Nga, Đức và Pháp lập ra được coi là nền tảng cho những nỗ lực quốc tế nhằm chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine. Hơn 6.500 người đã bị chết kể từ khi bạo động nổ ra ở khu vực này vào tháng 4/2014.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình do những người theo chủ nghĩa dân tộc nổ ra trước Quốc hội ngày 31/8 và nhiều nghị sĩ phản đối chính sách cải tổ bộ máy cho thấy, Tổng thống Petro Poroshenko có thể sẽ gặp khó khăn để có được sự ủng hộ rộng rãi về việc thực thi hiệp ước Minsk.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới.