Ukraine có Học thuyết quân sự mới coi Nga là “đối thủ”
Trước đó, Học thuyết mới này đã được Chính phủ Ukraine thông qua, hiện tại chỉ chờ sự phê chuẩn cuối cùng của Tổng thống Poroshenko để học thuyết có hiệu lực.
Cơ quan báo chí Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine cho biết trong cuộc họp ngày 2/9, Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine đã xem xét và phê duyệt dự thảo Học thuyết quân sự mới của nước này.
Binh lính Ukraine |
Học thuyết “phân tích bản chất và đặc điểm các cuộc xung đột vũ trang hiện đại, xác định các nguyên tắc và cách thức ngăn chặn chúng”. Tài liệu này sẽ là cơ sở để cải cách Lực lượng vũ trang và ngành Công nghiệp quốc phòng Ukraine (OPK).
Học thuyết quân sự đầu tiên của Ukraine được quốc hội nước này thông qua vào năm 1993. Nó được sửa đổi vào năm 2004 dưới thời Cựu Tổng thống Leonid Kuchma và năm 2012 dưới thời ông Viktor Yanukovych.
Các học thuyết quân sự trước đó đều khẳng định, Ukraine là một quốc gia không liên kết và coi nó là một yếu tố quan trọng nhằm giảm căng thẳng tình hình quân sự - chính trị trong khu vực.
Học thuyết quân sự mới 2015 lần đầu tiên xác định kẻ thù quân sự chính của Ukraine là Liên bang Nga và nhận định khả năng cao Nga sẽ sử dụng vũ lực quân sự chống lại Ukraine.
Học thuyết mới cũng đặt ra nhiệm vụ bố trí lại và hợp nhất các đơn vị quân đội, xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự phù hợp ở miền Đông – Nam Ukraine.
Học thuyết quân sự mới coi khả năng sử dụng vũ lực quân sự của Nga là nguy cơ đe dọa chính tới an ninh quốc gia. Tài liệu đề cao vai trò của “các chiến dịch chiến tranh tâm lý - thông tin” và xác định các điều kiện để giải phóng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời của Ukraine hiện nay, bao gồm Crimea và một số khu vực thuộc vùng Donetsk và Lugansk. Học thuyết cũng đặt ra nhiệm vụ chuẩn bị các biện pháp phòng thủ nhà nước cần thiết để khôi phục chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Một phần của Học thuyết mới dành để nói tới việc hoàn thiện tổng động viên, gia tăng lực lượng chuyên nghiệp trong hàng ngũ Lực lượng vũ trang Ukaine, hiện đại hóa khí tài quân sự và phát triển tiềm năng an ninh và quốc phòng của đất nước.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nhấn mạnh, điểm mới của Học thuyết quân sự 2015 là sự thay đổi phương thức tiến hành các cuộc xung đột vũ trang, không chỉ sử dụng sức mạnh quân sự mà còn kết hợp đấu tranh trên phương diện kinh tế, chính trị và tâm lý.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko |
Ngoài ra, ông Poroshenko cũng lưu ý Ukraine cần thay đổi toàn bộ hệ thống quân sự quốc phòng để tương thích với các tiêu chuẩn của NATO, đạt những tiêu chuẩn của thành viên NATO.
Học thuyết mới nêu rõ Ukraine từ bỏ chính sách không liên kết và phục hồi đường lối chiến lược tiến tới hội nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy thừa nhận hiện tại NATO chưa sẵn sàng xem xét quy chế cho Ukraine, nhưng Tổng thống Ukraine vẫn đề cập tới Hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức ở Bucharest năm 2008, trong đó khẳng định “cánh cửa gia nhập NATO vẫn luôn rộng mở”.
Ông Poroshenko nhấn mạnh, học thuyết quân sự không chỉ đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, mà còn là nền tảng giúp Ukraine hướng tới mục tiêu trở thành một thành viên chính thức của NATO.
Dự thảo Học thuyết quân sự mới nhận được sự chấp thuận của nội các Bộ trưởng Ukraine, sau khi thông qua Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine sẽ được trình lên Tổng thống phê duyệt.
Phát biểu trên tờ Quan điểm, chuyên gia quân sự Nga Alexander Perendzhiev nhận định, Học thuyết quân sự mới của Ukraine một mặt thiết lập các tài liệu pháp lí khẳng định đất nước đang trong tình trạng chiến tranh.
Mặt khác, đây là một hành động báo cáo với các đối tác phương Tây tài trợ cho Ukraine rằng, Ukraine đang thực hiện tất cả các nghĩa vụ và trách nhiệm để gia tăng mối quan hệ căng thẳng với Nga.
Ông Perendzhiev cho biết: “Rõ ràng việc Ukraine chuyển sang đối đầu toàn diện với Nga là điều không thể. Tuyên bố chiến tranh với Nga sẽ đặt Ukraine vào tình trạng nguy hiểm, đem lại những hậu quả khôn lường mà Ukraine sẽ phải đối mặt”.
Vào tháng 7 năm nay, Nga cũng đã điều chỉnh Học thuyết hải quân. Phó Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, ông Mikhail Popov cho biết, nguyên nhân Nga điều chỉnh học thuyết quân sự là do NATO mở rộng về phía Đông, vấn đề phòng thủ tên lửa mang tính toàn cầu do Mỹ triển khai ở Đông Âu và diễn biến xung quanh cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Theo đó, Nga sẽ tập trung phát triển lực lượng quân sự tại khu Bắc Cực và thay thế nhập khẩu vũ khí chiến lược bằng sản phẩm trong nước.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ báo Quan điểm, một trong những tờ báo điện tử uy tín tại Nga.