Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lấy lại đà tăng tài sản, loạt tỷ phú giàu nhất giảm sút
Dưới áp lực tâm lý do tác động tiêu cực từ vụ khủng hoảng Evergrande, VN-Index đã điều chỉnh sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch 20-24/9/2021, chỉ số này giảm 1,47 điểm (0,1%) xuống 1.351,17 điểm.
Theo thống kê đối với Top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán, duy nhất tỷ phú Phạm Nhật Vượng là người được ghi nhận mức tăng về giá trị tài sản sau khi cổ phiếu VIC của Vingroup quay đầu tăng giá nhẹ.
Dù VIC chỉ tăng 0,23% lên 87.000 đồng/cp nhờ có hai phiên tăng giá nhưng cũng giúp ông Vượng có thêm 431 tỷ đồng sau khi kết thúc tuần giao dịch. Hiện ông Phạm Nhật Vượng đang nắm giữ lượng cổ phiếu VIC trị giá 187.564 tỷ đồng.
Trong phiên cuối tuần, 24/09, gần 423 triệu cổ phiếu VIC chính thức niêm yết bổ sung. Đây là lượng cổ phiếu mà Vingroup đã phát hành mới để thực hiện chi trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông với tỷ lệ 12,5%. Như vậy, hiện số lượng cổ phiếu VIC niêm yết và đang lưu hành đã tăng lên tới hơn 3,8 tỷ đơn vị.
Ở chiều ngược lại, người đứng thứ hai trong Top 5 – Tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát – lại ghi nhận tài sản giảm 864 tỷ đồng sau khi cổ phiếu HPG giảm 1,9% và đóng cửa tuần 50.800 đồng/cp. Hiện giá trị cổ phiếu HPG do ông Long sở hữu đang ở mức 43.891 tỷ đồng, dù giảm hơn 800 tỷ đồng trong tuần qua nhưng so với đầu tháng 9, tài sản của “Vua thép” đã tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng là người duy nhất ghi nhận mức tăng về giá trị cổ phiếu trong Top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán tuần qua. |
Đáng chú ý trong tuần qua, cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan sau hơn 1 tuần tăng giá ấn tượng đã quay đầu giảm giá và trải qua 3 phiên giảm giá. Đóng cửa tuần, MSN giảm 2,46% còn 142.400 đồng/cp khiến hai vị tỷ phú đứng thứ ba và thứ tư trên Bảng xếp hạng là ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang cùng đánh mất hơn 900 tỷ đồng từ việc MSN giảm giá.
Dù có sự bù đắp phần nào từ việc cổ phiếu TCB tăng giá 1,7%, nhưng tính chung giá trị tài sản của Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh vẫn giảm 870 tỷ đồng, còn 37.700 tỷ đồng, trong khi giá trị tài sản của Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang giảm 912 tỷ đồng còn 36.413 tỷ đồng.
Người còn lại trong Top 5 là ông Bùi Thành Nhơn cũng ghi nhận sự sụt giảm nhẹ hơn 63 tỷ đồng sau khi cổ phiếu NVL của Novaland giảm 0,1%, đóng cửa tuần ở 103.000 đồng/cp. Hiện giá trị tài sản của ông Nhơn tại NVL đạt 32.686 tỷ đồng.
Theo thống kê thị trường tuần qua, nhóm cổ phiếu chủ chốt có sự phân hóa trong tuần qua. Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất với 1,2% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu như VCB của Vietcombank ( tăng 2,4%), TCB của Techcombank (1,7%), MBB của MB (3,1%), ACB (1,3%), TPB của TPBank (2%), SHB (0,7%)...
Nhóm dịch vụ tiêu dùng với cùng mức tăng 1,2% giá trị vốn hóa, với các mã tiêu biểu như MWG của Thế giới Di động (6,1%), DGW của Digi World (1%)... Ngành hàng tiêu dùng tăng nhẹ với 0,2% giá trị vốn hóa chủ yếu nhờ mức tăng từ trụ cột là VNM của Vinamilk (4,9%).
Ở chiều ngược lại, có khá nhiều ngành chìm trong sắc đỏ. Ngành nguyên vật liệu giảm mạnh nhất 2,3% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu thuộc ngành con thép như HPG của Hòa Phát (giảm 1,9%), HSG (-2,4%), NKG (-1,3%)...; ngành còn hóa chất - phân bón như DPM (-1%), DCM (-2%), DGC (-5,1%)... Ngành công nghệ thông tin (-1,7%) với FPT (-0,4%), CMG (-3,2%)... Ngành công nghiệp (-1,6%) với BMP (-0,6%), CII (-2,8%), GEX (-3,7%), GMD (-6,8%)... Các ngành như dầu khí (-0,9%), tiện ích cộng đồng (-0,4%), tài chính (-0,4%), dược phẩm và y tế (-0,1%) đều giảm nhẹ.
Nhận định về thị trường tuần tới, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo sẽ có biến động đi ngang với biên độ hẹp trong tuần cuối tháng 09. VN-Index sẽ tiếp tục dao động trong vùng 1.335-1.355 điểm. Triển vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong quý 3 dự kiến sẽ kém khả quan. Đây là yếu tố có thể tạo ra ảnh hưởng không tích cực đến diễn biến của nhiều nhóm cổ phiếu trên thị trường. Áp lực chốt lời có thể gia tăng ở nhóm cổ phiếu tăng nóng và chuyển dịch sang các cổ phiếu cơ bản có thông tin lợi nhuận quý 3 khả quan.
BVSC khuyến nghị nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu cao tiếp tục xem xét bán chốt lời dần các vị thế ngắn hạn để giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn, nhằm chủ động hơn cho những diễn biến bất ngờ của thị trường khi thông tin lợi nhuận quý 3 của các doanh nghiệp được hé lộ. Các nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt lớn có thể xem xét mua với tỷ trọng thấp trong các nhịp điều chỉnh của thị trường.
Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) lại dự báo, trong tuần giao dịch tiếp theo 27/9-1/10, VN-Index có thể hồi phục trở lại để hướng đến vùng kháng cự tiếp theo trong khoảng 1.375-1.380 điểm nếu như ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm được giữ vững. Trong kịch bản tiêu cực, nếu VN-Index đánh mất ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.350 điểm thì chỉ số có thể hướng đến vùng hỗ trợ tiếp theo trong khoảng 1.325-1.340 điểm. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể canh những phiên hồi phục để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao đứng ngoài và quan sát thị trường, chưa nên mua vào ở thời điểm hiện tại.
Hiền Anh