
Tuyệt chiêu 'đánh bay' nỗi sợ bóng tối, giúp con ngủ một mình ngon lành
Trẻ em ở các độ tuổi khác nhau lại sợ những thứ khác nhau, trẻ em dưới 6 tháng tuổi sợ âm thanh cao đột ngột, trẻ em từ 1-2 tuổi sợ bị tách khỏi người lớn và trẻ em từ 3-6 tuổi sợ những điều trong tưởng tượng. Nhưng nhìn chung, trẻ nhỏ thường sợ bóng tối. Một đứa trẻ sợ bóng tối sẽ cảm thấy an toàn khi có người bên cạnh.
Nguyên nhân trẻ sợ bóng tối có thể do những câu chuyện kể, phim ảnh hoặc do bị dọa. Để giúp trẻ vượt qua nỗi sợ bóng tối, cha mẹ nên áp dụng các biện pháp sau đây:
- Giúp trẻ không bị áp lực với nỗi sợ của mình: Để làm được điều này, thay vì nói “con đừng sợ”, bố mẹ hãy nói “bố mẹ biết là con đang sợ”. Câu nói này có thể giúp trẻ hiểu được rằng nỗi sợ hãi là bình thường, sẽ không bị áp lực sẽ bị trách mắng.
- Giúp trẻ chiến thắng những nguyên nhân dẫn đến nỗi sợ hãi: Bố mẹ có thể cho trẻ diễn kịch, cho bé vào vai anh hùng tiêu diệt những con quái vật. Khi quái vật không còn nữa, nỗi sợ của trẻ sẽ giảm đi, dần dần giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi.

- Giúp trẻ làm quen với nỗi sợ: Thông thường, khi quen với điều gì đó thì trẻ sẽ không còn sợ nữa. Vì vậy, cha mẹ hãy cho trẻ làm quen với nguồn gốc nỗi sợ, chẳng hạn như vẽ một con quái vật, sau đó miêu tả con quái vật với những tính cách rất bình thường. Từ đó cũng giúp trẻ thoải mái hơn và giảm nỗi sợ hãi khi nghĩ đến quái vật.
- Giúp trẻ đối mặt và hiểu rõ nỗi sợ hãi: Chẳng hạn như bé sợ con quái vật dưới gầm giường thì cha mẹ hãy khuyến khích, cổ vũ bé cùng nhìn xuống gầm giường. Khi trẻ thấy rằng dưới đó không có gì, trẻ sẽ không còn sợ nữa.
- Tập cho trẻ quen với môi trường bóng tối: Cha mẹ có thể tổ chức cho trẻ những trò chơi trong bóng tối như đếm những ngôi sao nhỏ phát sáng trên tường, tắt đèn và kể chuyện cho bé nghe, vui chơi với một cái đèn pin trong tay…
- Cho trẻ thực hiện những hành động mà trẻ sẽ cảm thấy an toàn trong bóng tối: Chẳng hạn cho bé ngủ cùng một đồ chơi bé yêu thích, bé sẽ cảm nhận được như có một “người bạn” bên cạnh. Điều này sẽ giúp trẻ can đảm hơn.
- Tập cho trẻ quen dần với bóng tối: Cha mẹ không nên ngay lập tức “vứt” trẻ vào môi trường tối, sẽ làm cho trẻ hoảng sợ. Điều cần làm là giảm dần độ sáng của căn phòng. Cha mẹ có thể cho bé ngủ cùng một chiếc đèn ngủ với ánh sáng yếu rồi tiến tới không cần dùng đèn.

- Cha mẹ cần kiên quyết trog việc rèn cho con không sợ bóng tối: Nếu bé sợ và cha mẹ thỏa hiệp cho bé rời khỏi giường, trì hoãn việc đi ngủ, hoặc phá bỏ những nguyên tắc mà cha mẹ cố tập cho con thì bé khó có thể rèn được thói quen tự lập.
- Trước giờ đi ngủ nên cho trẻ tiếp xúc với những thứ vui tươi, thoải mái. Tránh để cho trẻ xem những chương trình có thể mang đến nỗi sợ hãi cho con.
Sợ bóng tối không phải là bệnh nhưng sẽ gây bất tiện lớn cho trẻ trong hiện tại và tương lai. Cha mẹ hãy tìm ra nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi của trẻ để tìm ra biện pháp khắc phục hiệu quả nhất.
Bất kỳ ai cũng phải mất một quá trình để chấp nhận những điều mới và trẻ cũng không ngoại lệ. Bạn có thể tiếp tục ngủ với trẻ, nói với trẻ rằng bố mẹ luôn ở bên cạnh và sau đó từ từ để trẻ chấp nhận rằng mình sẽ ngủ một mình.
Hạ Thảo (theo Sohu)
