Tuyển sinh đại học 2021: Giải đáp nhiều mối lo “mất ăn mất ngủ” của thí sinh
Hôm nay (11/4), hơn 15.000 người đã có mặt tại Ngày Hội tư vấn Tuyển sinh- hướng nghiệp năm 2021 được tổ chức tại ĐH Bách khoa Hà Nội.
Tại buổi tư vấn Tuyển sinh- hướng nghiệp năm 2021, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết kỳ tuyển sinh năm nay các trường tăng cường các phương thức xét tuyển khác nhau. Trong đó, đáng chú ý là 2 Đại học Quốc gia và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức kỳ thi bổ sung bên cạnh xét tuyển từ kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thứ trưởng mong thí sinh với sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn sẽ xác định đúng năng lực, sở thích và điều kiện thực tế của bản thân để chọn cho mình một ngôi trường và ngành đào tạo phù hợp nhất. Các bậc phụ huynh hãy cùng con em mình tham gia tư vấn để đồng hành, củng cố niềm tin, giúp các em có sự lựa chọn đúng đắn.
Ngày Hội tư vấn Tuyển sinh- hướng nghiệp năm 2021 |
Cũng tại buổi tư vấn, nhiều thí sinh băn khoăn về thông tin năm nay lượng thí sinh tham gia xét tuyển tăng đột biến thì liệu cơ hội trúng tuyển có khó hơn những năm trước không.
Theo TS. Nguyễn Mạnh Hùng, cán bộ Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), thông tin trên là chưa chính xác. “Năm nay số lượng học sinh lớp 12 tham gia xét tuyển không biến động so với những năm trước đây nên thí sinh có thể yên tâm. Bên cạnh đó, chỉ tiêu vào các cơ sở đào tạo do Bộ GD&ĐT quản lý cũng giữ ổn định nên thí sinh không cần lo lắng. Vì thế, về cơ bản việc xét tuyển năm nay vào các trường cũng sẽ không có xáo trộn lớn”, TS. Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Nhiều thí sinh thắc mắc về tương lai của ngành du lịch thế nào khi thời điểm hiện tại dưới ảnh hưởng của dịch bệnh ngành này đang rất ảm đạm.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Đào Tùng - Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết ngành du lịch sắp tới chắc chắn sẽ nóng trở lại và thu hút lượng nhân lực mới bởi lẽ khi chất lượng cuộc sống nâng cao đồng nghĩa với nhu cầu đi du lịch lớn.
Có thể ở thời điểm hiện tại ngành du lịch vẫn chưa sôi động nhưng các em học sinh cũng đừng vì thế mà quay lưng với ngành bởi sau khi trở lại, theo quy luật và xu hướng tất yếu, ngành du lịch sẽ bất ngờ tăng tốc.
Thí sinh tìm hiểu về những cơ hội vào trường đại học yêu thích. |
Với những trường top đầu như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, một số thí sinh lo lắng vì vào được trường là đã một quá trình cố gắng nhưng cầm được tấm bằng tốt nghiệp cũng là điều khá khó khăn, điển hình là việc mỗi năm ĐH Bách khoa Hà Nội cho khoảng 700 đến 800 sinh viên ra khỏi hệ chính quy do không đáp ứng được yêu cầu.
Về việc này, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, những thí sinh bị cho ra khỏi hệ chính quy mỗi năm phần lớn do không đảm bảo được yêu cầu đào tạo mà nhà trường đặt ra.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là do ngay từ đầu các em không xác định rõ mục tiêu chọn ngành, khi vào học chểnh mảng, sa đà vào chơi bời, không dành tâm huyết cho việc học. Ngoài ra có 40% phải trả nợ môn đến năm thứ 6 mới ra trường được.
“Thí sinh phải nhớ rằng vào đại học là quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ bởi lẽ bây giờ gần như tất cả các trường đều siết chặt chất lượng nên các em xác định vào đại học là để học chứ không phải để xả hơi, để chơi bời” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhắn nhủ.
Thí sinh có nên chạy theo những “ngành hot, nghề mốt”?
Theo các chuyên gia, thí sinh nên cân nhắc thật kỹ để có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân.
Hoàng Thanh