Tuyên bố "bất thường" từ Nhật Bản về hành động của Trung Quốc trên Biển Đông
Theo kế hoạch, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono sẽ tới Bắc Kinh để nhóm họp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa vào ngày mai (18/12).
Hạm đội tàu của hải quân Trung Quốc. (Ảnh: Reuters) |
“Trung Quốc đang có những nỗ lực đơn phương và bắt nạt nhằm làm thay đổi hiện trạng theo những tuyên bố phi lý trái với trật tự quốc tế”, NHK dẫn lời Bộ trưởng Kono phát biểu tại Diễn đàn Doha tại Qatar hôm 15/12.
Cũng theo ông Kono, Nhật Bản “hiện vô cùng quan ngại về sức mạnh quân sự gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc nhưng lại thiếu tính minh bạch về năng lực hạt nhân và tên lửa”.
“Quy định luật pháp đóng vai trò quan trọng đối với an ninh và sự ổn định toàn cầu, chính là giá trị được cộng đồng quốc tế cùng chia sẻ bao gồm cả Trung Quốc. Các quốc gia không được phép mở rộng tầm ảnh hưởng bằng vũ lực và những kẻ gây hấn phải trả giá”, ông Kono nhấn mạnh.
Trong khi đó, giáo sư chuyên ngành các mối quan hệ quốc tế tại Đại học Temple ở Tokyo, bà Hiromi Murakami cho biết, bà “khá ngạc nhiên” trước những lời bình luận của Bộ trưởng Kono.
“Những lời bình luận này được đưa ra ngay sau hoạt động đối thoại giữa Nhật Bản và Ấn Độ. Tôi có thể nhận định rằng, đây là thông điệp nhắc nhở Trung Quốc về việc họ không thể làm bất cứ thứ gì mà họ muốn và ở bất cứ đâu”, bà Murakami cũng nhắc tới việc hồi tháng 11, Nhật – Ấn đã cùng đồng thuận tăng cường hợp tác an ninh song phương.
“Nhật Bản cần cộng tác với các quốc gia khác trong khu vực nếu như họ muốn kiềm chế Trung Quốc. Tôi cho rằng, ‘kiềm chế Trung Quốc’ là vấn đề khó khăn và Tokyo đang hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ để làm việc này”, bà Murakami nhận định.
Hiện truyền thông Trung Quốc chưa đưa ra lời bình luận sau tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản. Song một số nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc chắc chắn cần phải chú ý bởi những căng thẳng Mỹ - Trung gần đây đang khiến Bắc Kinh đẩy mạnh tập trung tăng cường quan hệ với các nước láng giềng.
Cụ thể, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho sẽ thực hiện chuyến thăm cấp quốc gia tới Nhật Bản vào tháng 4/2020 nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước vốn rơi vào căng thẳng do những tranh chấp liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trên biển Hoa Đông.
Ông Jun Okumura, một nhà phân tích tại Viện các vấn đề quốc tế Meiji cũng đồng tình với nhận định những bình luận của Bộ trưởng Kono là “bất thường”. Nhưng theo ông Okumura, những bình luận này hoàn toàn đúng với quan điểm của Tokyo liên quan tới các vấn đề nằm trong sách trắng an ninh và quốc phòng thường niên được Nhật Bản công bố hồi đầu năm nay.
Lâu nay, Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền trên phần lớn diện tích Biển Đông thông qua cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn”. Thậm chí, trong những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng cải tạo, xây dựng các hòn đảo nhân tạo và tiến hành quân sự hóa trái phép trên các thực thể này để bảo vệ những tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông.
Tuy nhiên, Mỹ cùng các đối tác và đồng minh gồm Australia, Nhật Bản, Anh, Pháp và Ấn Độ thường xuyên có những hành động nhằm thách thức việc Trung Quốc đưa ra những tuyên bố chủ quyền phi lý và mở rộng quân sự hóa ở Biển Đông.
Theo ông Okumura, trong bối cảnh Bắc Kinh muốn “xoa dịu tình hình”, Tokyo có thể xem đây là cơ hội để giải quyết vấn đề của mình. Cụ thể, ông Okumura cho rằng Nhật Bản dường như sẽ nhắc lại lời kêu gọi Trung Quốc cùng hợp tác trong những nỗ lực buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa.
Một vấn đề nóng khác giữa Trung – Nhật là việc thảo luận để tiến tới thiết lập một đường dây nóng quân sự nhằm ngăn chặn những tai nạn trên không hoặc trên biển trở nên nghiêm trọng hơn hay việc các tàu chiến Trung Quốc tham gia vào lễ diễu binh hải quân cùng Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.