Tướng Mỹ thừa nhận “đánh bom nhầm” bệnh viện ở Afghanistan
Cuộc họp tại Quốc hội Mỹ diễn ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ thừa nhận trách nhiệm cho một cuộc không kích vào một bệnh viện của tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (MSF) ở thành phố Kunduz, Afghanistan khiến 19 người thiệt mạng, trong đó có 9 nhân viên MSF và 3 trẻ em.
Một nhân viên y tế của MSF được chăm sóc tại bệnh viện ở Afghanistan sau vụ không kích xảy ra. |
Ông Campbell phát biểu rằng quyết định tiến hành cuộc không kích trên được chính phía Mỹ đồng ý. Ông nói, “mặc dù Afghanistan đã yêu cầu hỗ trợ, quyết định không kích phải được xem xét một cách kỹ càng” trước khi thực hiện.
“Nói một cách rõ ràng hơn, quyết định cung cấp hỏa lực từ trên không được đưa ra bởi đơn vị chỉ huy của Mỹ”, ông Campbell nói. “Một bệnh viện đã vô tình bị trúng bom. Chúng tôi hoàn toàn không muốn nhằm vào một cơ sở y tế”.
Theo tướng Campbell, báo cáo ghi nhận vụ không kích ở bệnh viện Kunduz có thể sẽ có trong vòng 30 ngày. Ông còn nói thêm rằng ông đã ra lệnh huấn luyện kỹ càng cho lực lượng của mình để phòng tránh những vụ việc tương tự.
Ông Campbell thừa nhận, quân đội Afghanistan “đôi lúc đã bị dao động về tinh thần”, tuy nhiên ông khẳng định họ có thể giành lại Kunduz từ tay Taliban.
Tướng Campbell đã đưa ra một số lựa chọn cho chính quyền Obama nhằm rút bớt quân số của Mỹ trong vòng 15 tháng. Các quan chức Mỹ mới đây nói với hãng AP rằng quyết định giữ lại số binh lính nhiều hơn kế hoạch là nhằm hỗ trợ quân đội Afghanistan và không để bị mất lãnh thổ vào tay Taliban.
Một trong những lựa chọn mà ông Campbell đưa ra đó là hoãn bất kỳ kế hoạch rút quân lớn nào trong năm nay, “nhằm đảo bảo tại Afghanistan vẫn có 8.000 quân” và “cho phép các đơn vị chống khủng bố tiếp tục hoạt động cho đến năm 2017”.
Ông Campbell cũng cho biết chính phủ Mỹ nên xem xét lại việc mở cửa trở lại đại sứ quán Mỹ ở Afghanistan vào năm 2017, trong lúc sự xuất hiện của Taliban tại miền Bắc nước này đã khiến Washington phải lo lắng.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo hãng tin Russia Today (RT). RT hiện có khoảng 1.000 chuyên gia truyền thông trên toàn thế giới. RT chuyên nắm bắt những câu chuyện và vấn đề thường bị các phương tiện truyền thông bỏ qua để tạo ra những tin tức ở một khía cạnh rất khác biệt.