Tương lai nào cho Idlib sau thỏa thuận "mong manh" giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ?
Theo báo cáo của Nhật báo Nhân Dân Trung Quốc ngày 10/3, thỏa thuận ngừng bắn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ chỉ nhấn “nút tạm dừng” cho cuộc xung đột ở khu vực tây bắc Syria, các yếu tố ảnh hưởng đến căng thẳng ở Idlib vẫn tồn tại trong một thời gian dài, hòa bình và an ninh trong tương lai của Idlib nói riêng cũng như Syria nói chung vẫn sẽ gặp nhiều thách thức.
Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ký kết thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib hôm 5/3. Nguồn: people.com. |
Thứ nhất, theo nội dung của thỏa thuận ngừng bắn, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thiết lập một cơ chế tuần tra quân sự chung ở Idlib để thay thế “trạm quan sát quân sự” đơn phương trước đây của Ankara; bán kính 6 km xung quanh con đường chiến lược xuyên qua tỉnh Idlib M4 được chỉ định là hành lang an toàn, và từ ngày 15/3, Nga - Thổ sẽ tiến hành tuần tra chung dọc theo đường cao tốc.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện, các khu vực đường M4 và M5 hoặc bị lực lượng chính phủ Syria tiếp quản hoặc nằm trong phạm vi tuần tra chung của Quân đội Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, vẫn chưa có bên nào thực sự có ý thực hiện các biện pháp đã đạt được.
Trong thỏa thuận ngừng bắn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, quyền kiểm soát đường cao tốc M4 được đặt ở vị trí nổi bật. Đây là tuyến đường giao thông chính đi qua các tỉnh Aleppo, Hama và Latakia ở miền bắc Syria, đường cao tốc M4 và M5 thường xuyên bị lực lượng chống chính phủ Syria tấn công kể từ khi chính phủ Syria giành lại Aleppo vào năm 2018.
M4 và M5 là hai tuyến đường cao tốc trọng điểm của Syria. Nguồn: people.com. |
Hiện tại, lực lượng chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát toàn bộ đường cao tốc M5. Nếu có thể “mở thông” đường cao tốc M4, sẽ dễ dàng kết nối các khu vực trong vùng kiểm soát của Chính phủ Syria. Nhưng điều này cũng có nghĩa là sự kiểm soát của các lực lượng chống chính phủ Syria sẽ bị giảm xuống, đồng thời gây nguy hiểm cho các “trạm quan sát quân sự” của Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh Idlib.
Tiếp theo, Chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ luôn có những khác biệt cơ bản về vai trò vị trí của Idlib. Đối với Syria, tỉnh này là lãnh thổ vốn có của Chính quyền Damascus, và Damascus cho rằng, các lực lượng chống chính phủ ở khu vực này là “những kẻ khủng bố”, cần phải bị loại bỏ và trục xuất.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ cung cấp hỗ trợ quân sự cho những “kẻ khủng bố” này mà còn thiết lập các "đài quan sát quân sự" xung quanh Idlib mà không có sự cho phép từ chính phủ Syria. Trong con mắt của chính phủ Syria, Thổ Nhĩ Kỳ là một “kẻ xâm lược nước ngoài”, và việc thu hồi Idlib là nhằm bảo vệ an ninh chủ quyền của Syria.
Trạm quan sát quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib. Nguồn: people.com. |
Trái với quan điểm của chính phủ Syria, Thổ Nhĩ Kỳ muốn duy trì vị trí đặc thù của Idlib. Thổ Nhĩ Kỳ coi Idlib là một trận địa quan trọng để can thiệp vào các vấn đề Syria. Chính quyền Ankara không chỉ hy vọng bố trí các lực lượng chống chính phủ (phần tử khủng bố) trong lãnh thổ Syria (Idlib) và ngăn chặn lực lượng này “làm mưa làm gió” ở trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn muốn Idlib sẽ trở thành cơ sở quan trọng của hơn 3,5 triệu người di dân hiện đang “lang thang” ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng với việc xảy ra chiến sự ở Idlib, những người tị nạn Syria cũng ồ ạt đổ về biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này làm cho Thổ Nhĩ Kỳ, một lần nữa phải đối mặt với làn sóng người tị nạn khổng lồ, do vậy Thổ Nhĩ Kỳ càng tăng thêm quyết tâm đối với việc duy trì vị trí đặc biệt của Idlib.
Thứ ba, về lâu dài, lệnh ngừng bắn tạm thời này vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn các rủi ro của cuộc xung đột Syria trong tương lai. Trước hết, các bên vẫn tồn tại sự khác biệt trong việc sắp xếp, bố trí các tổ chức cực đoan ở khu vực Idlib. Thỏa thuận ngừng bắn cũng không bao gồm cách giải quyết các vấn đề nhạy cảm của các nhóm cực đoan ở Idlib phát sinh trong tương lai.
Idlib còn tồn tại nhiều khác biệt giữa các bên liên quan. Nguồn: people.com. |
Cùng với đó, sự đối địch giữa các lực lượng chính phủ Syria và các lực lượng chống chính phủ vẫn tiếp tục gia tăng. Mặc dù Nga và Liên Hợp Quốc đã tổ chức tiến trình hòa bình ở Sochi vào đầu năm 2018 để giải quyết vấn đề Syria, chính phủ Syria và các nhóm chính trị đối lập đã được mời tham gia để tìm cách tái thiết chính trị, nhưng các lực lượng chống chính phủ Syria ở Idlib đã từ chối công nhận tính hợp pháp của chính phủ Syria và thành lập các tổ chức quản trị khu vực. Sự thù địch và chống đối lẫn nhau đã làm tăng khả năng xung đột vũ trang của chính phủ Syria và lực lượng chống chính phủ.
Yếu tố nữa là, cơ chế đàm phán hòa bình hiện tại ở Syria không thể thu hẹp sự khác biệt giữa các bên. Việc giải quyết vấn đề Idlib phụ thuộc vào cách giải quyết cuối cùng của vấn đề Syria. Tuy nhiên, quá trình tái thiết chính trị Syria hiện tại đang tiến triển chậm, chính phủ Syria và các nhóm chính trị chống chính phủ không có sự tin tưởng lẫn nhau, và có nhiều sự khác biệt trong phân phối quyền lực chính trị quốc gia trong tương lai, cũng như bố cục của hệ thống chính trị quốc gia.
Đến nay vẫn chưa có giải pháp nào để bắt đầu một công cuộc tái thiết chính trị ở Syria, điều này cũng cũng nghĩa là việc duy trì hòa bình ở Syria cũng sẽ khó có thể thực hiện. Do vậy, vấn đề Idlib đã trở thành "quả bom hẹn giờ" cho các cuộc xung đột khu vực, có thể bùng nổ trở lại bất cứ lúc nào.