Tương lai EU sẽ ra sao nếu thiếu Nga?
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker |
Tờ LaLibre của Bỉ cho biết, tại cuộc gặp này với giới sinh viên Luxembourg, ông Jean-Claude Juncker cho biết, so với Nga, Liên minh châu Âu (EU) vẫn nhỏ bé hơn với Nga về mặt diện tích lãnh thổ. Do đó, EU cần tăng cường hơn nữa quan hệ với người láng giềng lớn nhất của mình vì trong vòng những năm tới, theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu, EU có thể sẽ phải đối mặt với các suy thoái về kinh tế và nhân khẩu.
Ông Jean-Claude Juncker cũng lên tiếng kêu gọi EU khôi phục lại quan hệ với Nga, nhất là sau khi quan hệ hai bên chịu tổn hại nặng nề bởi các lệnh cấm vận qua lại lẫn nhau giữa Nga với EU sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào thành phần của Nga hồi tháng 3/2014.
“Chẳng nhẽ chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể hình dung ra tương lai của châu Âu mà không cần đến nước Nga rộng lớn? Nga là quốc gia láng giềng lớn nhất của châu Âu và châu Âu cần phải khôi phục lại quan hệ với Nga”- ông Jean-Claude Juncker nhấn mạnh.
Vị Chủ tịch Ủy ban châu Âu này cũng nhắc nhở rằng diện tích của EU là 5,6 triệu km2 và đây là con số khá khiêm tốn nếu so với diện tích của Nga là 17 triệu km2. EU được hình thành từ 27 trong số 44 quốc gia châu Âu sau sự kiện “Bức tường Berlin” sụp đổ.Tuy nhiên, trong nội bộ châu Âu từ trước đến nay vẫn còn tồn tại các cuộc xung đột chưa thể giải quyết, điển hình như cuộc khủng hoảng Ukraine và những bất ổn ẩn chứa có thể bùng phát bất cứ khi nào ở Moldova và Gruzia.
Ngoài ra, ông Jean-ClaudeJ uncker còn tuyên bố rằng châu Âu không phải là ông chủ của thế giới và trong vòng những năm tới, châu Âu sẽ phải đối mặt với các cuộc suy thoái về kinh tế và nhân khẩu.Ông Jean-Claude Juncker đưa ra dự báo rằng sau 25 năm nữa, sẽ không một quốc gia châu Âu nào có thể coi mình là quốc gia nhóm G-7 và dân số châu Âu sẽ chỉ chiếm hơn 1% dân số toàn thế giới. Chính vì vậy, lối thoát cho tình trạng này là châu Âu cần phải gia tăng các quá trình liên kết chung toàn châu Âu, trong đó có liên kết với người láng giềng Nga.
Được biết, ông Jean-Claude Juncker không phải là chính trị gia duy nhất của EU kêu gọi liên minh này nên cải thiện quan hệ với Nga. Hiện trong nội bộ châu Âu đang ngày càng có nhiều ý kiến kêu gọi tổ chức này nhanh chóng cải thiện quan hệ với Nga. Một số thậm chí còn lên tiếng phản đối mạnh mẽ việc đồng minh quan trọng nhất của châu Âu là Mỹ siết chặt các lệnh cấm vận chống Nga.
Điển hình là trong dự án “Dòng chảy phương Bắc-2” đưa khí đốt của Nga sang châu Âu, dù Mỹ tiến hành cấm vận chống dự án này nhưng Đức và một số quốc gia châu Âu khác đã phản đối kịch liệt lệnh cấm này của Mỹ.