Từng là học sinh cá biệt, thanh niên 8x "bén duyên" làm kinh doanh và tiết lộ bí quyết khởi nghiệp
Dù từng là một học sinh cá biệt thời phổ thông và chỉ có bằng Trung cấp kế toán,... nhưng Hoàng đã trở thành ông chủ 1 doanh nghiệp hạt điều ở Bình Phước
Từng là một học sinh cá biệt thời phổ thông và chỉ có bằng Trung cấp kế toán, Nguyễn Hoàng Đạt (sinh năm 1989) vẫn không chùn bước và luôn đam mê khởi nghiệp.
“Cá biệt” nhưng không kém phần “đặc biệt”
Sinh ra tại thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước, ngay từ nhỏ, Đạt đã dần “bén duyên” với nghiệp kinh doanh khi phụ mẹ buôn bán hạt điều. Ba của Đạt là bộ đội thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, hiện đã nghỉ hưu. Thời phổ thông, học lực của Đạt hầu như chỉ ở loại trung bình, thậm chí có lúc Đạt được xem là học sinh “cá biệt”. Tuy nhiên, anh có năng khiếu thể thao và giành nhiều thành tích cao trong các kỳ Hội khỏe Phù Đổng cùng Đại hội Thể dục thể thao cấp huyện, cấp tỉnh.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Đạt học khóa Trung cấp Kế toán tại trường Cao đẳng nghiệp vụ cao su (TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước), lập gia đình và bắt đầu phụ gia đình vợ kinh doanh điều. Từ đây, anh học hỏi nhiều kinh nghiệm nhưng thế vẫn chưa đủ cho câu chuyện khởi nghiệp sau này.
Ông chủ trẻ Nguyễn Hoàng Đạt (chính giữa) cùng các nhân viên công ty Vinahe
Khi hai vợ chồng tích lũy được một số vốn, anh Đạt tìm đọc nhiều bài báo về gương startup tiêu biểu và nung nấu khát vọng khởi nghiệp.
Ở thời điểm “vốn liếng” không đáng là bao, vợ chồng Đạt đành vay thế chấp ngân hàng căn nhà nhỏ để có tiền xây dựng nhà xưởng, showroom, thành lập Công ty TNHH Vinahe, mua sắm trang thiết bị, máy móc để kinh doanh và chế biến hạt điều tẩm vị.
Mới khởi nghiệp, Đạt gặp không ít khó khăn. Dù sở hữu một đội ngũ nhân viên được trang bị kiến thức bài bản, máy móc hiện đại, sử dụng nguồn nguyên liệu cam kết 100% là điều của Bình Phước nhưng Vinahe vẫn chưa được người tiêu dùng nhiệt tình đón nhận.
Nửa năm sau, doanh thu của Vinahe vẫn rất kém, không đủ cho Đạt trả lãi ngân hàng, lương cho nhân viên và chi phí quảng cáo. Nguồn tiền dự phòng gần như cạn kiệt... Vợ chồng đành phải nghỉ cách để có doanh thu. Đạt bắt đầu giảm nhân công, sản xuất ít lại và mượn sổ đất của ba mẹ để tiếp tục vay vốn ngân hàng để duy trì hoạt động của công ty.
Đạt chợt nhận ra rằng, bản thân chưa đủ “cứng cáp” để giải quyết tất cả vướng mắc. Ngay sau đó, không ngại đường sá xa xôi, anh đã đăng ký tham gia một số khóa huấn luyện ngắn hạn tại TP Hồ Chí Minh để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của mình,…
Qua đó, Đạt đã học được các kiến thức, kỹ năng quản lý nhân sự, tài chính… tạo nền tảng cho việc tạo lập và phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, Đạt làm quen với rất nhiều doanh nghiệp. Trong đó có nhiều startup năng động và sáng tạo.
Anh Anthony Phan - Phó tổng thư ký Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc - VBAA (mặc áo nâu) gặp gỡ Đạt và giúp “chào hàng” các sản phẩm của Vinahe với một cửa hàng tại Úc
Bên cạnh việc giao lưu, kết nối tại lớp học, Đạt còn chăm chút gìn giữ các mối quan hệ xã hội với “đàn anh, đàn chị” trong lớp thông qua việc thường xuyên liên lạc qua Zalo,Viber,… để trao đổi kinh nghiệm làm ăn.
Đạt cho rằng, để gặt hái thành công thì cần tạo dựng mối quan hệ trong học tập, kinh doanh và tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương để trau dồi vốn sống và rèn luyện kỹ năng. Hiện tại, anh là Bí thư Chi đoàn Khu phố Phước Trung - Phường Phước Bình, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp sáng tạo Thị xã Phước Long, ủy viên Ủy ban Hội LHTN Việt Nam phường Phước Bình, hội viên Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Bình Phước.
Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Bình Phước Trần Quốc Duy, Đạt là một trong những cán bộ Đoàn - Hội tiêu biểu trong lĩnh vực khởi nghiệp của tỉnh.
“Startup trẻ tuổi này luôn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện. Qua đó thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hiện nay, cần khuyến khích, thúc đẩy và lan tỏa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hướng đến phát triển bền vững vì cộng đồng”, anh Duy chia sẻ.
Với những nỗ lực của Đạt, trong năm thứ 2 kể từ khi thành lập, Vinahe đã có những bước tiến vượt bậc. Được anh Anthony Phan (Khoa Phan), Phó tổng thư ký Hội Doanh nhân Việt Nam tại Úc (VBAA) tư vấn nhiệt tình, Đạt đã bước đầu kết nối và tiếp cận hệ thống siêu thị quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Đạt đã chủ động giới thiệu, trưng bày sản phẩm của Vinahe tại nhiều hội thảo kết nối giao thương trong và ngoài nước. Từ đó, các sản phẩm của Vinahe đã dần hiện diện ở những siêu thị, hệ thống trung tâm thương mại lớn (Aeon mall, Satra food, Amart…) cùng các kênh thương mại điện tử uy tín (Tiki, Lazada, Shoppee...)
Cuối năm 2019, các sản phẩm của Vinahe không được tiêu thụ mạnh do dịch bệnh. Để vượt qua khủng hoảng, Đạt bình tĩnh phát triển nhiều chiến thuật bán hàng trong thời điểm dịch bệnh thông qua các kênh điện tử, kênh truyền hình và vẫn tiến hành sản xuất ở mức “cầm chừng”, chờ dịch bệnh qua đi. Nhờ đó, tháng 5 vừa qua, Vinahe đã ký hợp đồng bán trên trang thương mại điện tử quốc tế của Alibaba.
Hiện nay, Đạt đang học Đại học chuyên ngành Luật Kinh tế của Trường Đại học Bình Dương để chuẩn hóa trình độ. Gần đây, anh tham gia BNI Chapter Bombo - một cộng đồng startup Bình Phước ra đời vào ngày 28/8/2020, qua đó tìm cơ hội kết nối với các doanh nghiệp trong nước và 79 quốc gia khác.
Với khao khát quảng bá hạt điều Bình Phước đến người tiêu dùng trên thế giới và xây dựng, phát triển thương hiệu Vinahe bền vững, Đạt vẫn đang cố gắng từng ngày. Anh bảo rằng anh học được đức tính kiên trì, mạnh mẽ, lòng trung thực và sự chân thành từ ba anh - một người lính cụ Hồ và đó chính là bệ phóng để anh “chèo lái” Vinahe đến bờ bến thành công trong chặng đường phía trước.
Bỏ nghề báo, chàng trai Hà Nội về quê trồng dưa lưới, thu tiền tỷ mỗi năm
Bỏ ra cả tỷ đồng để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với mô hình trồng dưa lưới và măng tây, anh Phan Đức Bình ở xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã bắt đầu thu trái ngọt.
Theo baobinhphuoc.com.vn