Tục tảo mộ - nét truyền thống văn hoá của người Việt
Mặc dù thời tiết ngày 29 Tết rét đậm nhưng nhiều gia đình mới bắt đầu đi tảo mộ, mời ông bà tổ tiên về quê ăn Tết.
Sáng 28 Tết, anh Nguyễn Văn Tý ở TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) và gia đình dậy từ sớm để sửa soạn đồ lễ về tận nghĩa trang ở Phú Thọ mời ông bà về nhà ăn Tết với gia đình. Những ngày trước công việc của mọi người bận rộn nên đến ngày nghỉ mới có thể đi tảo mộ được.
Anh Tý cho biết, gia đình anh có mặt tại nghĩa trang từ 8 giờ sáng để dọn cỏ, lau bia mộ, bát hương cho phần mộ của ông bà nội.
Theo chia sẻ của anh Tý, hàng năm, cứ vào ngày gần Tết, anh cùng với các anh em trong họ lại về tảo mộ. "Dù mình có đi làm ăn xa, bận bịu như thế nào thì công việc này cũng không thể nhờ người khác làm giúp nên tôi luôn trực tiếp đi tảo mộ'', anh Tý nói.
Mỗi lần đi tảo mộ, anh lại cho con đi cùng để cho con nhớ về tổ tiên. Bên cạnh thắp hương, anh còn kể cho các con nghe về ông bà mình ngày xưa ra sao, họ sinh sống, làm ăn như thế nào. Bản thân anh được bà nội vô cùng yêu thương mà tình cảm dành cho bà rất lớn nên anh kể hết công ơn của bà vất vả, gian khó như thế nào các con có ngày hôm nay. Đây là cách mà anh Tý muốn con mình nhớ về tổ tiên, nguồn cội cũng như con cháu biết tới phong tục tảo mộ, mời tổ tiên về ăn Tết với gia đình.
Chuẩn bị lễ tảo mộ cho các cụ. |
Gia đình bà Nguyễn Thị Luyến (ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng tranh thủ ngày nghỉ đến tảo mộ ông bà. Bà Luyến cho biết bố mẹ chồng và bố đẻ của bà đều được an táng tại cùng một nghĩa trang, rất tiện nên cả gia đình nội ngoại đều tranh thủ đi. Mọi năm gia đình sẽ đi sớm hơn nhưng năm nay dịch bệnh, công việc quá bận rộn nên sát Tết mới có thể đi tảo mộ được. Gần 1 năm nay, dịch bệnh nên mọi người không thể lên thăm mộ người thân, đến ngày sát Tết mới lên thăm được, ai cũng mong đợi, tâm trạng như chờ về gặp cha mẹ già.
Bà Luyến dậy từ rất sớm, tranh thủ ra chợ mua ít hoa quả và mua cây quất nhỏ cùng với cây hoa trạng nguyên để đặt lên mộ của người quá cố với hi vọng hương xuân, không khí ngày Tết sẽ giúp khuôn viên phần mộ ấm cúng hơn. Bố của bà Luyến lúc sinh thời rất thích hoa trạng nguyên, còn mẹ chồng bà thích hoa hải đường nên bà đi tìm các loại cây này mang lên thắp hương các cụ.
Mỗi lần đi tảo mộ là cả 2 - 3 thế hệ đi cùng nên mọi người ai cũng vui vẻ, hồ hởi. Tới phần mộ, nếu những cháu sinh sau chưa biết về ông bà sẽ được mọi người kể về người quá cố để các con cháu hiểu. Bà Luyến vừa lau chùi chuẩn bị đồ thắp hương vừa báo cáo với các cụ một năm vừa qua đã làm được những gì.
Tảo mộ cũng là phong tục uống nước nhớ nguồn của người Việt. |
Đại đức Thích Trí Thịnh (Chùa Kim Sơn Lạc Hồng) cho biết, phong tục tảo mộ cuối năm của người Việt là một phong tục có từ xa xưa để lại. Đây là nét văn hoá đặc biệt để con cháu cùng nhớ về tổ tiên, tri ân nguồn cội, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn.
Thông thường, nhiều gia đình sẽ đi tảo mộ từ ngày 20 tới 30 tháng Chạp, cố gắng hoàn tất trước giờ giao thừa. Rồi nếu ngày mùng 2, 3 Tết, con cháu có điều kiện cũng có thể tới nghĩa trang, đốt nén nhang để mộ phần tổ tiên bớt hiu quạnh. Khi đi tảo mộ, người sống sẽ dọn dẹp phần mộ, lau chùi, quét sạch xung quanh. Tâm lý xa xưa người Việt quan niệm ''sống nhà, chết mồ'' nên ngày Tết nhà cửa sạch sẽ thì người quá cố cũng phải có phần mộ sạch sẽ để đón năm mới.
''Tảo mộ là dịp để mọi người quây quần bên nhau, cùng nhớ về người đã khuất với lòng thành kính. Chính vì vậy, tất cả mọi người trong gia đình đều có thể tham gia hoạt động này. Tuy nhiên, các gia chủ nâng cao thực hiện 5K phòng chống dịch bệnh Covid-19'', Đại đức Thích Trí Thịnh khuyến cáo.
Khánh Chi