Từ vụ cướp ngân hàng, lo ngại vũ khí nóng trôi nổi
Trên mạng xã hội, “hàng nóng” được rao bán công khai mà không có bất cứ sự kiểm soát nào, gây hàng loạt vụ mất an ninh trật tự thời gian qua.
Vài năm trở lại đây, tội phạm cướp ngân hàng nổi lên như một hiện tượng với phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi và hành động ngày một liều lĩnh. Bằng vũ khí “nóng”, tội phạm sẵn sàng chống trả và tước đoạt mạng sống của người khác để thực hiện bằng được hành vi cướp tài sản của mình.
Manh động và liều lĩnh
Mới đây, công an Hà Nội bắt giữ hai đối tượng Phùng Hữu Mạnh (23 tuổi, trú phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm) và Hoàng Ngọc (42 tuổi, trú phường Láng Hạ, quận Đống Đa) dùng súng cướp ngân hàng BIDV chi nhánh Ngọc Khánh, Hà Nội.
Hai đối tượng vụ cướp chi nhánh Ngân hàng BIDV Ngọc Khánh, Hà Nội được camera ghi lại. |
Tại cơ quan điều tra, Ngọc khai lên mạng xã hội đặt mua khẩu súng colt xoay tự chế bắn đạn thể thao và một hộp 50 viên đạn với giá 12 triệu đồng. Kế hoạch đặt ra là viên thứ nhất bắn công an làm nhiệm vụ, viên thứ hai bắn khách hàng.
Trước đó, những ngày cuối tháng 4/2020, Công an thành phố Hà Nội bắt giữ đối tượng Trần Hữu Trung (29 tuổi, hộ khẩu thường trú tại Khu 5, phường Trưng Vương, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh; trú tại chung cư Cát Tường Eco, phường Võ Cường, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), kẻ đã dùng súng gây ra vụ cướp chi nhánh ngân hàng Techcombank ở Sóc Sơn.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 16h30 ngày 20/4, đối tượng Trung giả dạng khách hàng đến chi nhánh Techcombank Sóc Sơn để giao dịch. Tại đây, Trung nổ súng uy hiếp nhân viên ngân hàng để cướp. Tuy nhiên, một nhân viên đã kịp nhấn nút báo động, nên đối tượng chạy ra ngoài. Sau 6 ngày lẩn trốn, đối tượng đã đến Công an thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội....
Từ lời khai của các đối tượng cho thấy thủ đoạn tàn bạo, sẵn sàng bắn trả lực lượng chức năng để thực hiện hành vi cướp tài sản. Qua đây cũng cho thấy, việc mua bán các loại súng hết sức đơn giản, chỉ cần có tiền bất cứ ai cũng có thể sở hữu một vũ khí “nóng”
Pháp luật hiện hành nghiêm cấm mọi hình thức buôn bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ. Tuy nhiên, việc vận chuyển, buôn bán vũ khí, vật liệu nổ đang diễn biến phức tạp.
Trên mạng xã hội, việc hàng “nóng” được buôn bán công khai mà không có bất cứ sự kiểm soát nào. Hàng loạt tội phạm hình sự nổi lên như dùng súng cướp ngân hàng, mâu thuẫn xã hội dùng súng bắn nhau.
Mới đây, Phòng cảnh sát hình sự Công an TP Hải Phòng triệt phá một xưởng sản xuất súng với quy mô lớn. Đối tượng cầm đầu là Trần Quốc Tân (40 tuổi, trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng). Khám xét tại nhà của Tân, các trinh sát phát hiện nhiều dụng cụ chế tạo súng.
Khẩu súng và lựu đạn giả do 2 đối tượng dùng để gây án. |
Tại cơ quan điều tra, Tân khai đã lên Youtube xem clip dậy, hướng dẫn cách chế tạo súng, Tân đã rủ thêm bạn là Phạm Văn Hữu cùng tham gia. Quá trình chế tạo, các nghi phạm thuê xưởng cơ khí khác để tiện nòng súng. Mỗi khẩu súng được các nghi phạm bán với giá 6-7 triệu đồng cho những người đặt mua hàng trên mạng ở Quảng Ninh, Hải Phòng và một số tỉnh lân cận.
Ngày 22/6, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng triệt phá đường dây nhập lậu, mua bán linh kiện súng săn, thu giữ số lượng lớn các linh kiện, phụ kiện được rao bán trên mạng xã hội. Tại cơ quan công an, đối tượng cầm đầu khai đã lên mạng xã hội liên hệ một số người bán súng săn, đặt các bộ phận của súng rồi lắp ráp thành khẩu nguyên chiếc. Sau đó, lập tài khoản Facebook và YouTube để đăng bài, quay video quảng cáo bán các loại linh kiện súng. Cơ quan công an đã thu giữ hơn 500 nòng, khung súng, 19 bình chứa khí, 16 ống giảm thanh, 6 ống ngắm, 14 van khí, 1 bộ máy tính, 1 bộ khắc laser... và một số tang vật liên quan.
Sản xuất vũ khí trái phép có thể chịu mức án 5 năm tù
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (thuộc Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, chỉ có những cơ quan nhất định mới được phép chế tạo vũ khí và tương tự đối với việc sử dụng vũ khí.
Cụ thể, theo Điều 17 Luật này, Tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, sửa chữa vũ khí; và Tổ chức, doanh nghiệp khác khi có đủ điều kiện được tham gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, sửa chữa vũ khí. Ngoài những tổ chức được phép sản xuất vũ khí nêu trên, các cá nhân, tổ chức khác thực hiện chế tạo vũ khí đều là trái với pháp luật và sẽ bị áp dụng các chế tài xử lý nghiêm khắc.
Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS. |
Theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 10, Nghị định 167/2013 thì hành vi sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép sẽ bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng, đồng thời tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm.
Trường hợp đã xử lý vi phạm hành chính mà còn tái phạm, hoặc sản xuất từ 11 đơn vị vũ khí trở lên hoặc gây thương tích/chết người thì các đối tượng sản xuất vũ khí trái phép này sẽ bị xử lý theo quy định của Điều 306, Bộ luật hình sự 2015, theo đó mức án cao nhất các đối tượng có thể phải đối mặt là 05 năm tù.
Đối với những người tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép, theo luật sư Nguyễn Đức Hùng quy định tại Khoản 5, Nghị định 167/2013, người nào có hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; vũ khí thể thao sẽ bị xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng, và tịch thu vũ khí mà họ đã mua, bán, tàng trữ.
Về xử lý hình sự, hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí quân dụng cũng quy định chung với Điều 306, Bộ Luật hình sự 2015.
Theo đó, Điều 306 quy định: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các loại vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Trường hợp sử dụng vũ khí mà gây chết người hay gây thương tích cho người khác thì sẽ bị xử lý theo quy định về tội giết người hoặc tội cố ý gây thương tích theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành.Thống kê của Bộ Công an cho thấy, trong hơn 1 năm qua, công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, xử lý 9397 bưu phẩm gửi trong nước, chứa 11226 vũ khí, công cụ hỗ trợ, linh kiện, vật liệu chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ. Hầu hết các loại vũ khí đều xác định là súng săn, súng hơi.
Trước diễn biến phức tạp của việc buôn bán vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ qua mạng, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao đã tăng cường công tác, nắm tình hình địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng buôn bán, tàng trữ, sử dụng vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; tập trung đấu tranh, ngăn chặn trang web cá nhân chào bán mặt hàng này.
Theo vov.vn