Tử vong do uống rượu, những dấu hiệu không được bỏ qua
Càng gần Tết, càng có nhiều cuộc nhậu với đủ các lý do. Việc uống rượu nhiều tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ như tai nạn giao thông, ngộ độc rượu...
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên thăm khám một trường hợp bị ngộ độc rượu |
Trường hợp nam thanh niên 29 tuổi tử vong sau cuộc nhậu với bạn bè buổi chiều mà Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận là ví dụ điển hình. Trước đó vào chiều 3/1, nam thanh niên này đi uống rượu cùng bạn đến 16h thì về nhà nằm ngủ.
Tối cùng ngày gia đình gọi dậy, anh có trả lời nhưng không ăn. Anh cũng bỏ cả bữa sáng ngày hôm sau. Đến khi gia đình gọi thì anh đã rơi vào tình trạng hôn mê, gọi không biết gì, tay chân lạnh, duỗi cứng. Dù được đưa đến viện cấp cứu nhưng anh đã không qua khỏi.
Uống rượu không ăn, người đàn ông tử vong
Tối 4/1, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai tiếp nhận bệnh nhân hôn mê sâu, thở máy, suy thận, nguyên nhân uống rượu mà không ăn uống.
Chia sẻ với phóng viên, TS.Bs Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội cho biết), những trường hợp vào viện cấp cứu vì ngộ độc rượu thông thường (rượu ethanol) do uống quá nhiều rượu không phải là hiếm.
Hầu như ngày nào Trung tâm cũng tiếp nhận 2-3 ca nặng. Bệnh nhân đa phần là nam giới, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, có cả người trẻ, người có tuổi, thậm chí là trẻ vị thành niên mới 14 tuổi. Có người không uống rượu bao giờ, có người thì nghiện rượu.
“Bệnh nhân đã được đưa vào đây thì đều là ca nặng, hôn mê sâu, phải đặt nội khí quản thở máy, không cấp cứu là chết. Những trường hợp này do uống quá nhiều, uống đến mức say như chết, nồng độ cồn trong máu rất cao, lên đến hàng trăm mg/dL. Trong số đó có những trường hợp không thể qua khỏi”, bác sĩ Nguyên cảnh báo.
Theo bác sĩ, những trường hợp tử vong, tổn thương não do rượu thường là do suy hô hấp, hạ đường huyết. Trong đó, ethanol trong rượu là tác nhân gây hạ đường huyết trong khi bản thân người uống rượu lại ăn rất ít hoặc không ăn gì vì uống rượu tạo cảm giác no giả hoặc vì mải vui.
Đến khi về nhà bệnh nhân lại mệt quá không ăn, ngủ, bỏ bữa. Hậu quả là cơ thể rất dễ bị hạ đường huyết, nếu không được cấp cứu kịp thời não thiếu oxy có thể bị tổn thương không thể phục hồi.
Bên cạnh đó, người uống quá nhiều rượu sẽ khiến thần kinh bị ức chế khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái hôn mê sâu, trung tâm hô hấp cũng bị ảnh hưởng ức chế, bệnh nhân thở yếu, thở khò khè dẫn tới suy hô hấp, thiếu ôxy gây tổn thương não, thậm chí ngừng tim dẫn đến tử vong, bác sĩ Nguyên cho biết.
Ngoài não, thần kinh hô hấp, cơ cũng bị ảnh hưởng gây tiêu cơ vân, suy thận, chèn ép nhiều thậm chí sau này gây yếu liệt, do thần kinh bị chèn ép…
Say rượu là một dạng ngộ độc rượu. Tùy từng người, mức độ uống, loại rượu mà biểu hiện say khác nhau. Biểu hiện ngộ đọc rượu từ nhẹ (là không kiềm chế kiểm soát được cảm xúc, dễ tức giận, nổi nóng, đi đứng không vững…) đến ngộ độc nặng (bị nôn nhiều, vã mồ hôi, hôn mê, mạch nhanh, thở nông, hạ huyết áp, có thể tử vong nếu không được cấp cứu).
Theo bác sĩ Nguyên, những dấu hiệu cảnh báo ngộ độc rượu nặng gồm: gọi hỏi, nói rất hạn chế, chỉ vài từ, không thể tự đi lại được, không tỉnh, lơ mơ, chậm chạp, lờ đờ, thở khò khè, ứ đọng đờm dãi, lạnh, nôn oẹ nhiều, đau đầu, tím, tái nhợt, thậm chí co giật… Những trường hợp này cần được đưa đến viện cấp cứu, điều trị kịp thời, tránh những hệ quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Bên cạnh đó những người nghi ngờ bị ngã, chấn thương, đánh nhau, va đập mạnh… cũng cần phải đến viện. Lý do vì biểu hiện chấn thương ở người say rượu không thật, dễ bị bỏ sót. Khi uống rượu say, cảm giác chịu đau của một người tốt hơn, nên kể cả chấn thương nguy hiểm cũng dễ bị bỏ sót.
Để phòng ngộ độc rượu, TS Nguyễn Trung Nguyên cho rằng nam giới nói riêng và mọi người nói chung tốt nhất là không uống rượu, nếu uống thì nên uống có chừng mực. Đặc biệt lưu ý, chỉ uống rượu sau khi đã ăn.
“Người thân cần chú ý theo dõi người say rượu. Nếu người bệnh vẫn tỉnh và nhận biết được thì nên cho ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lưu ý thực phẩm có đường, tinh bột như gạo, ngô, khoai, sắn, uống sữa, nước hoa quả có đường, nước canh, cháo loãng... để có năng lượng, nếu không dễ bị hạ đường huyết. Đồng thời cần chú ý quan sát những dấu hiệu nặng ở người thân để đưa đi cấp cứu kịp thời”, TS. BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
N. Huyền
5 người đàn ông “dùng” chung tiếp viên rượu và cái kết không thể phũ hơn
Tàn cuộc nhậu, được đối tác tiếp tục “mời” nhân viên tiếp rượu, 5 người đàn ông thống nhất “sếp” dùng trước, 4 nhân viên lần lượt theo sau. Ít bữa sau, một vài thành viên trong nhóm có biểu hiện mắc bệnh lậu.