Tự tin với năng lực quân sự, Triều Tiên cho 300.000 lính giải ngũ
Chủ tịch Kim Jong-un đi thị sát một đơn vị pháo binh hôm 12/3 |
Thông qua việc cắt giảm binh lính trong các lực lượng truyền thống, chủ tịch Kim muốn gửi đi một thông điệp rằng trong tương lai, an ninh quốc gia Triều Tiên sẽ chủ yếu dựa vào lực lượng tên lửa chiến lược quy mô lớn thay vì lực lượng quân đội truyền thống như bấy lâu nay. Trước khi cắt giảm quân số, quân đội Triều Tiên sở hữu một lực lượng chiến đấu hùng mạnh với hơn 1 triệu quân nhân.
Trong số 300.000 quân nhân giải ngũ lần này có 50.000 sĩ quan và số còn lại là các binh nhì. Trả lời tờ Asahi Shimbun, nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc nhận định chắc chắn chủ tịch Kim đã đặt niềm tin rất lớn vào lực lượng hạt nhân trung thành nên mới quyết định cho 300.000 quân nhân giải ngũ.
Chủ tịch Kim Jong-un được đánh giá là nhà lãnh đạo với tuổi đời còn quá non trẻ để có thể giành được lòng trung thành của các quân nhân thuộc lực lượng Quân đội Nhân dân Triều Tiên giống như 2 cố lãnh đạo Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.
Theo Asahi Shimbun, hiện nay, lực lượng tên lửa chiến lược của Triều Tiên vẫn chỉ ở quy mô nhỏ và chủ tịch Kim chỉ có thể coi đó là niềm tự hào trong quốc gia.
Điều đáng nói là kể từ thời điểm Trung Quốc phát triển vũ khí hạt nhân, quốc gia này không còn phải chịu bất cứ mối đe dọa nghiêm trọng nào từ các cuộc tấn công của lực lượng bên ngoài. Cuối những năm 1970 – thời điểm cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình quyết định mở cửa để Trung Quốc hội nhập với thế giới, chính phủ nước này vẫn đủ khả năng chống trả bất cứ cuộc tấn công từ lực lượng bên ngoài nhờ khả năng vũ trang hạt nhân. Do đó, quy mô lực lượng truyền thống của quân đội Trung Quốc cũng từ đó giảm dần.
Nối bước Trung Quốc, vũ trang hạt nhân được xem là chìa khóa hữu hiệu để chủ tịch Kim ngăn chặn các cuộc tấn công từ phía Mỹ đồng thời kiềm chế các lực lượng thù địch trong nước. Tuy nhiên, tờ Asahi Shimbun cho rằng để tồn tại, đây chính là lúc để Triều Tiên học tập "anh lớn" Trung Quốc, để mở cửa hội nhập với thế giới.