Tư duy Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi nhận định đối phương
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01-01-1914/01-01-2014), xin gửi tới bạn đọc loạt bài viết của tác giả là cán bộ đang công tác tại Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bài viết có tính chất nghiên cứu này sẽ góp phần giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta, đặc biệt là những đóng góp của Đại tướng trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng...
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh cử vào chiến trường miền Nam giữa lúc cuộc chiến đấu của quân và dân miền Nam bước qua một giai đoạn quan trọng-giai đoạn trực tiếp đương đầu với quân viễn chinh Mỹ.
Trước thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, Mỹ buộc phải thay thế bằng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Mặc dù phải thay đổi chiến lược chiến tranh, nhưng rõ ràng, hành động đưa quân vào chiến trường miền Nam đã đánh dấu nỗ lực, cố gắng và cũng là kỳ vọng của Mỹ trong việc tiếp tục cuộc chiến tranh thực dân mới. Như vậy, quân và dân miền Nam giờ đây không chỉ chiến đấu với quân đội Sài Gòn mà còn trực tiếp đụng đầu với quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ.
Lĩnh nhận trọng trách được giao là Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng với tập thể lãnh đạo, chỉ huy Trung ương Cục và Quân ủy Miền chỉ đạo tổ chức, xây dựng lực lượng ba thứ quân vững mạnh; chăm lo công tác cán bộ; chú trọng giáo dục, bồi dưỡng nhân tố chính trị, tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ và quần chúng cách mạng; thực hiện hiệu quả phương châm tác chiến “hai chân, ba mũi, ba vùng”. Bằng những trận đầu thắng Mỹ ở Khu 5, Nam Bộ, Tây Nguyên, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã góp phần cùng quân và dân miền Nam giải tỏa những băn khoăn, lo lắng trong một bộ phận cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, rằng: Trước đối tượng tác chiến là quân viễn chinh Mỹ, được trang bị vũ khí, khí tài hiện đại, được hỏa lực của không quân, pháo binh hỗ trợ tối đa, liệu quân và dân Việt Nam có đánh được Mỹ không? Những thắng lợi giòn giã của quân và dân miền Nam trên khắp chiến trường miền Nam là cơ sở thực tiễn vững chắc để khẳng định: Quân và dân Việt Nam không chỉ dám đánh, biết đánh, mà còn quyết đánh thắng Mỹ!
Tuy nhiên, để xác định đúng quyết tâm chiến lược và cách đánh của ta, theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Trước hết phải hiểu âm mưu của địch và quyết tâm chiến lược của ta, nắm chắc quy luật và khả năng hoạt động, nhìn nhận và đánh giá chính xác thế và lực của đối phương.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh kiểm tra công tác huấn luyện của dân quân, du kích địa phương ở Tây Bắc. Ảnh tư liệu
Nhìn nhận về thếĐại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn khẳng định vị trí, vai trò của thế chiến lược trong chỉ đạo chiến tranh. Theo ông: “Thế chiến lược là cái rất quan trọng đối với chiến tranh. Thế chiến lược chi phối mọi hoạt động quân sự trên chiến trường”. Do đó, nhìn nhận thế chiến lược của Mỹ trong bước phải thay đổi chiến lược chiến tranh từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”, ông nêu rõ: “Chúng ta đoán chắc rằng đế quốc Mỹ chưa chịu thua cách mạng miền Nam đâu; nhưng cũng có thể đoán được là chúng đang trải qua một cuộc khủng hoảng về đường lối chính trị và trên cơ sở đó, có một sự khủng hoảng về chiến lược, chiến thuật quân sự”.
Bằng phân tích trên cơ sở khoa học và thực tiễn khi đề cập đến những nhân tố gây khủng hoảng về đường lối chính trị, bị động về thế chiến lược quân sự của Mỹ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ ra rằng: Căn bản nhất là việc làm của Mỹ không chính nghĩa, tức là đi cướp nước người khác, nên chúng bị nhân dân miền Nam kiên quyết chống lại, nhân dân Mỹ không đồng tình, nhân dân thế giới phản đối…; Trên cơ sở hành động phi nghĩa Mỹ đã dạy cho chính quyền Sài Gòn thi hành một loạt chính sách, làm cho mâu thuẫn nội bộ chúng tăng lên; Mỹ và Sài Gòn đã gặp một đối tượng nghèo đô-la, nghèo vũ khí và vật chất nhưng lại là một đối phương rất giàu tư tưởng chống đế quốc, tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm cách mạng, kinh nghiệm chính trị và quân sự. Và như thế: Chúng ta có thể nói là mầm mống thất bại trong chính sách của Mỹ đã bắt đầu xuất hiện từ khi Mỹ hất cẳng Pháp và dựng nên chính quyền Ngô Đình Diệm.
Từ những phân tích sâu sắc trên đây, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận định: “Đế quốc Mỹ không phải là bất khả xâm phạm… Chúng ta không có ảo tưởng đối với Mỹ. Chúng ta không khinh thường đối tượng chiến đấu khá mạnh và khá xảo quyệt là đế quốc Mỹ. Nhưng chúng ta không sợ Mỹ. Tư tưởng chiến lược ấy đã quán triệt trong đường lối của cách mạng miền Nam và nó là điểm căn bản có tính chất quyết định thắng lợi của cách mạng miền Nam…”.
Nhìn xuyên suốt quá trình Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh thực dân mới ở miền Nam Việt Nam, nhất là từ thực tế cuộc đụng đầu giữa quân và dân miền Nam với quân Mỹ trong hai mùa khô 1965-1966, 1966-1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chỉ rõ thế chiến lược bế tắc của đối phương, đó là: Thực tế diễn biến về chiến lược suốt cả thời gian từ năm 1954 đến 1967 không bao giờ thuận chiều mà luôn diễn biến trái với ý định chiến lược của Mỹ; Mỹ chưa bao giờ giành được một thắng lợi về chiến lược, mà chiến lược của Mỹ đã phát triển theo “cóc nhảy” từ bị động này sang bị động khác, từ sai lầm này đến sai lầm khác, từ thất bại này, sang thất bại khác nghiêm trọng hơn; chiến lược của Mỹ đòi hỏi phải có một sự cân đối giữa hai mặt trận đấu tranh quân sự và chính trị, nhưng nó đã luôn luôn què quặt do cái thế yếu tuyệt đối về chính trị của Mỹ và Sài Gòn ở miền Nam…
Như vậy là: “Sau hai năm chiến tranh cục bộ, sau hai lần “phản công chiến lược” của hai mùa khô bị thất bại ở hai miền Nam Bắc nước ta, chiến lược của Mỹ đang đứng trước con đường hầm không lối thoát”.
Đánh giá về lực
Trong thế chiến lược bị động, mặc dù ồ ạt đổ quân vào miền Nam (từ đầu năm 1965) nhằm cứu vãn cho những thất bại của quân đội Sài Gòn trên chiến trường, nhưng Mỹ không thể tránh khỏi mâu thuẫn, lúng túng trong chỉ đạo, điều hành chiến tranh. Đó là điểm yếu chí tử của Mỹ trong suốt quá trình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược.
Thực tế diễn biến chiến trường đã được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mô tả: Với 25 vạn quân Mỹ, trên 40 vạn quân Sài Gòn, gần 3 vạn quân đồng minh, Mỹ đã dốc toàn bộ lực lượng ra chiến trường, mở liên tục hàng trăm trận đánh nhằm tiêu diệt, tiêu hao một bộ phận lực lượng Quân giải phóng, củng cố căn cứ và đô thị, giải tỏa các mạch máu giao thông, bình định vùng tạm chiếm, lấn chiếm vùng giải phóng, giành dân… Nhưng Mỹ đã thất bại. Những mục tiêu hoạt động quân sự của Mỹ không đạt được, Mỹ chẳng giành được chủ động mà càng thêm bị động. Một bộ phận quan trọng sinh lực của Mỹ và Sài Gòn bị tiêu diệt; phần lớn các đơn vị cơ động bị đánh và tiêu hao.
Trong lúc ấy, quân và dân miền Nam vẫn sung sức, giữ vững và tiếp tục phát triển thế chủ động trên khắp các chiến trường. Mùa khô vừa qua là cuộc thử sức có ý nghĩa chiến lược giữa hai bên. Quân và dân miền Nam đã giáng cho quân Mỹ hung hăng, chủ quan và kiêu ngạo một đòn phủ đầu choáng váng hết sức bất ngờ.
Từ diễn biến và kết quả của cuộc đụng đầu giữa quân và dân miền Nam với quân Mỹ trong mùa khô 1965-1966, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi tới nhận định quan trọng: “Khả năng của quân và dân ta ở miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ về quân sự đã trở thành hiện thực trên chiến trường trong những trận đầu rất quan trọng này”.
Bước vào mùa khô thứ hai (1966-1967), quân Mỹ và Sài Gòn hạ quyết tâm lớn là mở tiếp thêm một cuộc phản công chiến lược với quy mô binh lực gấp rưỡi, hỏa lực, phương tiện chiến tranh và tài lực gấp hai, ba lần mùa khô trước, thực hiện tham vọng giành thắng lợi trong “tìm diệt” và “bình định” (biện pháp chiến lược hai gọng kìm lớn) để tạo nên một bước ngoặt, hòng tiến tới giành thắng lợi quyết định trong một thời gian ngắn.
Trong lúc đó, quân và dân miền Nam đang trên đà thắng lợi, với “khí thế rầm rầm, rộ rộ, thề đạp bằng mọi khó khăn, thử thách, thực hiện kỳ được quyết tâm chiến lược của mình, giành thắng lợi lớn trong cuộc đọ sức sống mái với một triệu quân địch. Và một mùa khô nữa kết thúc, đối phương lại thua to, ta đã thắng lớn, làm cho lòng ta càng bền, chí ta càng chắc, sức ta càng mạnh, thế ta càng lên, còn địch thì ngược lại”.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ những nhân tố thất bại trong cuộc phản công mùa khô thứ hai của Mỹ và Sài Gòn trên nhiều bình diện: quân sự, chính trị, kinh tế. Về mặt quân sự, ông cho rằng: "...Đem cách nhìn cũ kỹ và sự suy luận theo lô-gíc hình thức mà phân tích so sánh lực lượng giữa hai bên thì khó mà hiểu nổi vì sao chúng ta đã thắng lợi, vì sao Mỹ có trong tay một triệu quân, hỏa lực mạnh, binh khí kỹ thuật hiện đại, phương tiện cơ động tối tân và nhiều mà vẫn bị thất bại - thất bại cả về chính trị và quân sự, thất bại cả về chiến lược và chiến thuật, thất bại cả ở miền Nam lẫn miền Bắc, và điểm tập trung nhất của sự thất bại ấy là sau hai năm, sau hai mùa khô đánh với ta, chiến lược chiến tranh xâm lược cục bộ của Mỹ đã đi vào một thời kỳ bế tắc nghiêm trọng".
Thất bại và khủng hoảng về quân sự kéo theo và tác động đến các lĩnh vực khác của đời sống xã hội miền Nam, mà theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thì: "...Bức tranh quân sự, chính trị, kinh tế của quân Mỹ ở miền Nam hiện nay được phác lên bằng chính những số liệu của các hãng thông tin Mỹ và phương Tây. Và đó cũng là ý nghĩa, tính chất thất bại trong mùa khô này".
Thế và lực hai bên
Trên vấn đề này và qua mùa khô đầu tiên (1965-1966) quân Mỹ tác chiến trên chiến trường miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ rõ: “Vì Mỹ thua mà phải cho quân Mỹ nhảy vào vòng chiến trong thế thua và thế bị động về chiến lược, theo một chính sách đầy rẫy mâu thuẫn… Những mâu thuẫn sâu sắc trong chính sách cùng thế bất lợi của Mỹ khi bước vào mùa khô trước thế thắng của ta làm cho hoạt động quân sự của Mỹ trong suốt mùa khô (và cả về lâu dài sau này nữa) gặp nhiều lúng túng, bế tắc. Dù quân Mỹ vào đông, hỏa lực của không quân, pháo binh, cơ giới rất lớn, hoạt động liên tục nhưng quyền chủ động về chiến lược của ta vẫn có điều kiện được củng cố và phát triển, còn địch lao sâu hơn nữa vào thế bị động. Khi bước vào mùa khô không phải hai bên địch ta đều ở những điểm xuất phát như nhau. Ta ở thế chiến lược có lợi, địch ở thế chiến lược bất lợi. Thế chiến lược này là cái rất quan trọng đối với tình hình so sánh lực lượng giữa hai bên và chiều hướng phát triển của chiến tranh. Hiểu rõ tác động của thế chiến lược này như thế nào là đã có một căn cứ vững chắc để giải thích thắng lợi của ta trong mùa khô”.
Xem xét chuyển động về thế và lực của cả ta và đối phương trên chiến trường miền Nam, được biểu hiện qua những thắng lợi chiến lược của quân và dân miền Nam trong qua hai mùa khô đụng đầu với quân Mỹ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi đến khẳng định: Chiến thắng của quân và dân ta "chứng minh đường lối chính trị của chúng ta là đúng đắn, đường lối quân sự của chúng ta là chính xác, quyết tâm của nhân dân ta và các lực lượng vũ trang của ta rất cao, cách đánh của ta tốt, hậu phương lớn và tiền tuyến lớn phối hợp với nhau rất chặt chẽ và toàn diện”.
Cũng cần phải nói thêm rằng, qua hai mùa khô trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cuộc chiến đấu quyết liệt của quân và dân miền Nam với quân Mỹ, với tầm nhìn chiến lược và một tư duy bén sắc, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đúc kết thành năm bài học quý giá trong chỉ đạo chiến lược mà nội dung của mỗi bài học được ông phân tích, luận giải bằng những ví dụ thực tế sống động, những so sánh, đánh giá xác đáng trên cơ sở khoa học, biện chứng. Đó là kết quả của một quá trình lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp cách mạng miền Nam, một tổng kết sâu sắc về thế và lực, tương quan lực lượng so sánh hai bên đối địch và tính quyết định của việc giành và giữ thế chủ động chiến lược trong chiến tranh.
Đại tá, PGS, TS ĐOÀN NGỌC HẢI và Thiếu tá, Ths Lê Quang Lạng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
Theo QĐND