Từ đại dịch Covid-19, Nga sẽ “để mắt” tới các phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ?
RIA đưa tin, hôm 29/3, một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga cho biết, giới chức Nga đang lo ngại về các hoạt động sinh học - quân sự của Mỹ ở sát gần biên giới Nga và muốn người Mỹ giải thích rõ mục đích của các phòng thí nghiệm bố trí ở các nước láng giềng của Nga và Trung Quốc, thay vì “tổ chức tuyên truyền xung quanh Covid-19”.
Các phòng thí nghiệm sinh học của Mỹ gần biên giới Nga đang đặt ra nhiều câu hỏi. Ảnh: RIA. |
Gần đây, giới chức Mỹ đưa ra tuyên bố cho rằng dịch Covid-19 có xuất xứ từ Trung Quốc và dùng những cách nói “virus Trung Quốc” hay “virus Vũ Hán”, cũng như cáo buộc Bắc Kinh chậm đưa ra thông tin về đại dịch Covid-19 đến nay đã làm chết hàng nghìn người trên toàn cầu.
Ông Robert O'Brien, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, cáo buộc Trung Quốc không minh bạch, xử lý không tốt trong giai đoạn đầu khi dịch Covid-19 mới bùng phát cuối năm ngoái, và vì vậy có thể đã khiến thế giới bỏ lỡ mất 2 tháng chuẩn bị.
Trong khi đó về phía Trung Quốc thì đưa ra tuyên bố rằng chủng virus mới này có thể do chính Hoa Kỳ mang theo đến Vũ Hán khi các quân nhân nước này đến tham dự “Hội thao Quân nhân Thế giới” diễn ra tại tỉnh Hồ Bắc vào ngày 18/10/2019. Sự kiện kéo dài 10 ngày tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, với sự tham gia của binh sĩ từ 140 nước. Theo Tân Hoa xã, quân đội Mỹ cử 300 vận động viên đến Vũ Hán tham gia.
Còn theo nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga, để giải đáp một cách dứt khoát câu hỏi về nguồn gốc virus, nơi người đầu tiên bị bệnh, cần phải có rất nhiều nghiên cứu khoa học. Đặc biệt là nếu virus phát triển trong môi trường tự nhiên đây là kết quả của đột biến.
“Điều này rất khó xác định, vì vậy khó có thể đổ lỗi cho bất kỳ quốc gia nào”, nguồn tin trong Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Nguồn tin cho biết thêm, tất cả đều như vậy trong một thế giới toàn cầu hóa, khi hầu hết các quốc gia được kết nối chặt chẽ bằng thông tin liên lạc vận tải, việc truyền nhiễm từ nơi này sang nơi khác chỉ mất vài giờ.
“Vì vậy, giọng điệu buộc tội Bắc Kinh từ phía Washington đang gây hoang mang”, nguồn tin cho biết.
Một số nguồn tin của Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, trước đó có nhiều tin đồn về việc “Mỹ có dấu vết” trong sự bùng phát dịch Covid-19, tuy nhiên hiện nay chúng tôi khẳng định không nắm giữ những thông tin như vậy.
“Từ lâu nay chúng tôi đã quan tâm đến các hoạt động sinh học - quân sự mà quân đội Hoa Kỳ thực hiện ở khu vực sát gần biên giới Nga. Ở các nước láng giềng Kavkaz và Trung Á, giáp giới với Trung Quốc, hiện hữu những phòng thí nghiệm sinh học được lập ra bằng tiền của Washington và có sự tham gia của các chuyên gia từ Mỹ”, nguồn tin nhận định.
Ngoài ra, nguồn tin cho rằng những gì họ đang làm ở trong các phòng thí nghiệm bí mật ngay cả chính quyền địa phương cũng không hề hay biết.
“Tuy nhiên, người Mỹ cũng không giấu giếm rằng những phát triển ở đó liên quan đến Lầu Năm Góc, bởi kinh phí tài trợ cho các cơ sở này được cấp từ ngân sách của cơ quan quân sự Hoa Kỳ”, nguồn tin giải thích.
“Chúng tôi thực sự có câu hỏi cho chính quyền Hoa Kỳ về vấn đề này. Sẽ tốt hơn nếu như họ giải thích rõ mục đích của các phòng thí nghiệm mà “ngẫu nhiên” lại bố trí gần biên giới Nga và Trung Quốc, thay vì tổ chức tuyên truyền xung quanh dịch Covid-19”, nguồn tin kết luận.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 11/3 đã tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu do số ca nhiễm và tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục tăng vọt. Tính đến nay, dịch Covid-19 lan ra hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 683.000 người và tử vong hơn 32.000 người. Trong khi đó, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 12/3 tuyên bố đỉnh dịch Covid-19 đã qua đối với nước này do số ca nhiễm mới giảm mạnh xuống đến mức chỉ còn vài ca trong một ngày.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) thông qua kế hoạch “thời chiến”, trong đó có gói kích thích kinh tế hàng nghìn tỉ USD cho các doanh nghiệp, người lao động và hộ gia đình ở các nước đang phát triển đang vật lộn chống đại dịch Covid-19.
Ông Guterres cho biết, G20 chiếm 85% GDP toàn cầu và có lợi ích trực tiếp cũng như vai trò quan trọng giúp các nước đang phát triển ứng phó với khủng hoảng dịch bệnh.
Theo ông Guterres, cần phải tạo ra một cơ chế phản ứng dưới sự bảo trợ của WHO để chống lại tác động của đại dịch Covid-19. Theo ông, điều này sẽ tăng cường phản ứng toàn cầu và cung cấp nhiều cơ hội hơn để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19.